Chờ Đấy, Tôi Sẽ Trả Thù!

Chương 33: Bí mật




Khưu Xứ Cơ bất giác cả kinh vội nói với Tôn Bất Nhị rằng :

- Thất muội, mau đỡ đại nương chút!

Thanh Tịnh Tán nhân lập tức lại ôm ngay eo của Nam Cầm, lo việc thoa bóp các mạch huyệt cho nàng, con ngựa hồng của vợ chồng Quách Tỉnh càng lúc càng gần.

Khưu Xứ Cơ lúc này mới nhận rõ giữa Tỉnh, Dung hai người lại còn thêm một đứa bé gái, tóc chải hai búi trên đầu nữa.

Khưu Xứ Cơ bất giác lớn tiếng gọi :

- Tỉnh nhi! Cháu đã về đây!...

Quách Tỉnh vội vàng nhảy xuống yên ngựa nghiêng mình thi lễ.

Từ sau trận Yên Vũ lầu, nhóm Mã Ngọc bảy năm trường không gặp mặt Quách Tỉnh, nay gặp lại thấy chàng có vẻ chững chạc hơn xưa nhiều, hoàn toàn là một thanh niên đạo mạo đầy hào khí, mừng vui khôn tả, nhìn về Hoàng Dung thấy ôm một bé gái, lối lên năm lên sáu, mặt mũi khôi ngô sắc sảo, rõ đúng là mẹ nào con nấy, tương lai cũng sẽ là một trang mỹ nữ khuynh quốc khuynh thành, Hoàng Dung nay đã trở thành một thiếu phụ đẫy đà, càng lộng lẫy hơn xưa kia, nhưng có điều lạ, Hoàng Dung thấy Toàn Chân lục tử nàng không thèm xuống ngựa chào hỏi gì!

Quách Tỉnh sau khi thi lễ xong với mọi người, thấy vợ có thái độ như vậy, biết nàng còn giận nhóm Toàn Chân lục tử xưa từng hai lần vây đánh Hoàng Dược Sư cha của nàng, tại Ngưu gia thôn và Yên Vũ lầu, khiến nỗi Đông Tà bị hãm trong trận pháp “Thiên Cang Bắc Đẩu” suýt nữa tổn hại đến danh dự là khác. Quách Tỉnh lập tức nói với vợ :

- Kìa Dung em, lại đây chào hỏi hai vị Mã đạo trưởng và Khưu đạo trưởng đi em.

Hoàng Dung bĩu môi rằng :

- Anh đã kết nghĩa anh em với Châu Bá Thông, tính ra họ đây còn là bậc vãn bối của anh kia mà! Vậy lý do gì mà bắt em phải chào hỏi họ.

Nhóm Mã Ngọc nghe nói ngẩn người ngạc nhiên nghĩ thầm con bé họ Hoàng này quả là tai quái tinh ranh, nếu Quách Tỉnh kết nghĩa với sư thúc Châu Bá Thông, về hệ thống cấp bậc quả thật mình còn kém tài chàng. Hoàng Dung thấy Toàn Chân lục tử vẻ ngượng ngùng càng không nể tình cười nói ngay :

- Nay anh đã là vai sư thúc, còn họ đây đều là sư điệt kia mà! Ý! Em quên mất, Phù nhi nó mới là vai ngang hàng với họ, vậy để nó lại yết kiến các đạo trưởng vậy.

Thì ra đứa bé gái chính là kết tinh ái tình của hai vợ chồng Quách Tỉnh, nó được sinh hạ sau hai năm ăn ở với nhau, Quách Phù - con gái Quách Tỉnh - thì sinh trưởng tại đảo Đào Hoa, Hoàng Dược Sư cũng thương mến cô cháu ngoại của mình, nhưng vì hồi Đào Hoa đảo chủ còn bận về ý nghĩa quyên sinh để thực hiện ước nguyện của mình, nên đã đuổi khéo con, rể, cháu ra khỏi đảo. Lúc đó Quách Phù mới có một tuổi. Đương nhiên hai vợ chồng Quách Tỉnh đâu biết gì thâm ý của Hoàng đảo chủ, nên hai vợ chồng dẫn con rời khỏi đảo, thuận buồm đi xuôi về miền duyên hải tỉnh Triết Giang, và định đi luôn lại Tiên Hà lãnh lo nuôi nấng con gái, khi nhàn vợ chồng ngao du ngoạn cảnh quanh vùng, cứ thế sống qua những chuỗi ngày thần tiên hạnh phúc.

Riêng đối với Quách Tỉnh, chàng là người vô cùng thâm trầm, xưa kia chàng từng theo Thành Cát Tư Hãn tây chính, thấy tận mắt những cảnh tàn phá thành quách, giết chóc sinh lình, gây nên những cảnh điêu tàn, tang tóc cho các dân tộc bị chiến tránh, tuy chuyện cũ ấy đã bị nước thời gian gội rửa vào dĩ vãng, nhưng nay hồi tưởng lại trong lòng vẫn còn kinh hoảng không ít (Về lịch sử Trung Hoa còn thiếu sót hẳn việc ghi về cuộc tây chính của Mông Cổ, nhưng nhà chép sử của Nga Nghi về Thái tổ Thiết Mộc Chân - Thành Cát Tư Hãn - Thái Tông Oa Khoát Đài hai lần tây chính, bắt nguồn từ phá diệt nước Hoa la tử mô Hồi Hồi quốc, cho đến lúc bình định được Nga La Tư - nước Nga, quân Mông Cổ đã càn quét được những thành quách lớn nhỏ của các miền bị chiếm cả thảy là một trăm hai mươi mấy thành trì, số người bị giết từ Trung Á Tế Á đến Châu Âu ước đến mười chín triệu ba trăm ngàn người, nhất là trong cuộc Bạt Đô tây chính, hễ giết người nào đều xẻo một tai để bỏ vào bao bố, và những bao bố chuyên đựng tai người ấy lên đến gần cả ba ngàn cái! Suy theo thời đó thì cuộc tàn sát quả kinh người biết chừng nào).

Quách Tỉnh cũng thừa biết triều đại nhà Tống đã yếu nhược, đại quân Mông Cổ chỉ cần diệt được quân tàn cuộc của nhà Kim tại Hà Nam, thế nào rồi cũng vượt sông công đánh nhà Tống, nói trắng ra là cảnh tàn sát càn quét của đại quân Mông Cổ sẽ khai diễn ngay tại miền Giang Nam này! Đây là chuyện công, còn chuyện tư, Tây Độc Âu Dương Phong bị điên mà chưa chết, lại thuộc về loại người có căn cơ về võ học hẳn hoi, thần trí tuy có lúc hồ đồ, nhưng tuyệt nhiên không thể nào bị kéo dài tình cảnh điên rồ mãi thế, nếu quả lão bình phục hẳn hoi, tất nhiên sẽ trở nên một đại họa trong võ lâm!

Vì hai nguyên do đặc biệt như trên đã kể, Quách Tỉnh không còn tâm tình nào sống an nhàn tại Tiên hà lãnh nữa, mà bàn với Hoàng Dung về thăm quê Ngưu gia thôn một chuyến.

Hoàng Dung vốn thông minh, biết rõ ngay tâm sự của chàng, cười rằng :

- Này anh Tỉnh, anh lại bắt chước theo hai câu nói của Phạm Văn Chánh Công là “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”! (Buồn trước cái buồn của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ!) Có phải anh nghĩ vậy không?

Quách Tỉnh vốn sống và lớn tại miền sa mạc Mạc Bắc, sức học văn rất ít, chữ nghĩa không thông gì cho lắm, từ ngày sống chung tại Đào Hoa đảo với cha con Hoàng Dược Sư, và sau dọn đi Tiên Hà ở, chàng nhận thấy mình cần phải học hỏi nhiều thêm nữa, vì dẫu cho mình võ công có tột bực đến đâu đi nữa, nếu bị dốt chữ nghĩa thì quả là một việc đáng tiếc, nên sau ngày ăn ở với vợ, chàng đã cố gắng về mặt sách đèn, hai câu nói vừa rồi của Hoàng Dung vốn xuất xứ từ nơi “Nhạc Dương lâu ký” của Phạm Trọng Yêm. Quách Tỉnh nghe xong hiểu ngay, cười nói :

- Anh nào dám đi so với các bậc tiền hiền, nhưng tất cả bá tánh trong thiên hạ đang lâm cảnh khổ quằn quại như vậy, chúng mình nỡ nào đi vào một nơi thần tiên để hưởng hạnh phúc như vậy cho đành.

Hoàng Dung cười rằng :

- Thế anh hãy đi ngay về Mông Cổ, cưới quách cô Hoa Tranh, làm quận mã cho Khoát Đài đại hãn, như vậy đại binh Mông Cổ sẽ không tiện động can qua với đại Tống chúng ta, ít nhất cũng trong thời gian đời anh còn sống, anh nghĩ xem có phải không?

Quách Tỉnh cười lớn tiếng nói :

- Nói vậy sao được, thân nam nhi đường đường cân thước như anh đây, ai đâu mà làm chuyện vu vơ như vậy. Này em Dung, em chớ có đùa với anh như vậy nữa, nay anh nhớ quê quá, nhất là cảnh cha già của anh bị quan binh vây đánh tại Ngưu gia thôn, rốt cuộc cha bị tử vong vì trung tên bắn của địch, trong bấy lâu anh đã bỏ bê phận làm con của mình, chưa về quê để thăm mồ dẩy mả cho cha!...

Hoàng Dung cười rằng :

- Em thường biết anh vì nhàn quá nên giờ lại háo động chứ gì, cần gì anh phải phân trần lý do, mai chúng mình lập tức về quê vậy.

Quách Tỉnh nghe vợ đã đồng ý cả mừng, qua hôm sau hai vợ chồng một đứa con gái cưỡi chung con ngựa hồng, đôi chim điêu làm “khai lộ tiên phong”, nhắm thẳng Lâm An phủ tiến phát, đây cũng là lý do vắng mặt của vợ chồng Quách Tỉnh trong giang hồ bấy lâu.

Sau khi Hoàng Dung so sánh bội phần với Toàn Chân lục tử, Quách Tỉnh đâm lung tung nói ngay :

- Kìa em! Nên rộng lượng một chút! Chuyện hiểu lầm của sáu vị đạo trưởng với nhạc phụ đã là chuyện cũ rồi. Và chính anh đây cũng có lần liều mạng với thân sinh của em tại Yên Vũ lầu mà! Không lẽ bây giờ em còn nghĩ đến việc hiểu lầm ấy sao?

Hoàng Dung nghe nói vậy, bật cười rằng :

- Thôi cũng được! Kể như anh nói có lý!

Dứt lời bồng ngay con gái, từ trên yên ngựa nhảy ngay xuống đất, thi lễ với Toàn Chân lục tử, Mã, Khưu mọi người vội vã đáp lễ.

Quách Tỉnh thất Nam Cầm bị bất tỉnh trong tay Tôn Bất Nhị bất giác kinh ngạc, e dè hỏi :

- Vị này phải chăng là vợ của Dương đại ca, sao cũng có mặt tại đây.

Xưa kia Nam Cầm đả yêu thầm lén Quách Tỉnh, kết quả lại bị Dương Khang làm ô nhục thân vàng, nhưng Quách Tỉnh cũng nghĩ tình kết nghĩa anh em, nên vẫn gọi Nam Cầm là vợ của Dương Khang, nên lúc này buột miệng hỏi ngay. Khưu Xứ Cơ tuy không vui, nhưng cung đành lên tiếng nói :

- Chuyện dài dòng lắm, để vào trong nhà rồi hãy thuật rõ sau vậy!

Quách Tỉnh sau khi vào nhà, tất cả những di vật của song thân để lại, từ cái ghế cỗ bàn các vặt vãnh lình tinh trong đây, đã gây lại cho lòng một sức ấm cúng của “gia quyến họ Quách”!

Chàng bùi ngùi ngắm nhìn mọi kỷ niệm khá lâu chàng mới bước vào sảnh đường. Khưu Xứ Cơ bèn thuật hết mọi cảnh ngộ của Nam Cầm, Quách Tỉnh nghe xong “ối ơi” một tiếng rằng :

- Ra lão Tây Độc vãn còn sống trên thế gian hành hung tác ác như thế!

Vương Xứ Nhất rằng :

- Cậu Quách Tỉnh ạ, tiếc cậu về trễ mất một ngày nếu không làm thế nào gặp được Tây Độc Âu Dương Phong, lão đã bắt thằng con trai của Dương huynh nhưng thằng nhỏ đã trốn thoát, lão giận quá nên tìm Tần đại nương để trút giận, trong trận giao với chúng tôi hô qua, Tây Độc đã ngang nhiên dùng Tần nương tử làm binh khí để đánh với tụi này, cậu nghĩ thử xem lão có độc ác và đáng bị giết không?

Quách Tỉnh vụt đứng ngay dậy rằng :

- Hay lắm! Vậy chúng ta nên đi tìm ngay Tây Độc Âu Dương Phong.

Hoàng Dung đứng cạnh lên tiếng :

- Bây giờ đi tìm Âu Dương Phong làm gì? Dương Quá nay đâu còn ở trong tay Tây Độc nữa?

Quách Tỉnh như chợt tỉnh nói ngay :

- Phải đấy, chúng mình nên đi tìm ngay Dương Quá trước!

Toàn Chân lục tử không có ai dị nghị, và đồng thanh nói :

- Vậy chúng ta nên đi ngay!

Họ đều là những người trung can nghĩa đảm, đã nói là làm, không đời nào nuốt lời thất hứa, và Dương Quá hiện trốn ở đâu, không một ai biết cả, lẽ đương nhiên cuộc tìm kiếm này đâu phải chuyện dễ, nhưng vợ chồng Quách Tỉnh và nhóm Toàn Chân lục tử đều rời khỏi Ngưu gia thôn tiến thẳng về Lâm An phủ.

Lâm An phủ vốn là một đô thành của Nam Tống,, xét lẽ ra Dương Quá quyết không đời nào lại trốn ở đây, nhưng Hoàng Dung vốn thông minh lanh lợi, sự xét đoán của nàng khác hẳn mọi người, nàng cho rằng Dương Quá là thằng bé tinh khôn lanh lợi, nó quyết không bao giờ lại ẩn thân nơi sơn cùng hang vắn trong rừng rú, hay những nơi thôn làng hẻo lánh, vì dù sao Dương Quá cũng chỉ mới là một đứa trẻ có bảy tuổi đầu, nếu trốn trong rừng rú lấy gì mà ăn uống, chẳng thà cứ trốn bừa đến các đô thành tấp nập, đồng thời cũng có thể tạm mượn nơi đông đúc này mà ẩn thân, hơn nữa Tây Độc có giỏi đến đâu cũng không dám ngang nhiên hành sự lộ liễu tại chốn đô hội, nên Hoàng Dung chủ trương trước tên đến Lâm An phủ đã. Mọi người nghe cũng cho là hữu lý. Đêm đó, đoàn người sẽ khởi tiến về Lâm An thành.

Đô phủ thành Lâm An, đối với vợ chồng Quách Tỉnh, Hoàng Dung, vốn là nơi cựu du, xưa kia họ vì ngăn cản Hoàn Nhan Hồng Liệt trộm quyển Di thư Võ Mục, đã phải dự trận đại chiến với Âu Dương Phong và đám cao thủ của Hoàn Nhan Hồng Liệt đem tới nơi Thủy liên Túy Hàn Đương trong trận đó Quách Tỉnh còn bị Dương Khang đâm trung một nhát tử thương, suýt đã thiệt mạng! Nay cựu địa tái du, cả hai vợ chồng đều có những nỗi niềm lâng lâng trong đáy lòng!

Quách Phù- con gái Quách Tỉnh, Hoàng Dung- tuổi nhỏ háo kỳ, xưa nay chưa quen với những nếp sống thanh tịnh như Đảo Đào Hoa và Tiên Hà lãnh, nay bỗng nhiên được đến nơi đô hội tấp nập của đô thành Lâm An, lẽ đương nhiên là cô bé ngẩn ngơ lạ mặt vô cùng, miệng hỏi không ngớt, một nỗi ngây thơ hồn nhiên mà trời đã ban cho trẻ nhỏ. Vợ chồng Quách Tỉnh mến yêu con gái mình vô cùng, hễ con hỏi gì, đều tận tụy giải nghĩa cho nó nghe, trời đã bắt đầu tối dần mọi người đều thuê ngay phòng trọ gần nơi Chúng An Kiều. Một đêm vô sự trôi qua.

Sáng hôm sau, Hoàng Dung bồng con gái vào nói với Quách Tỉnh :

- Nay anh, chúng mình ra phố chơi chút đi!

Quách Tỉnh đang lo nghĩ về đứa con của Dương Khang, tâm địa đâu rảnh rang mà đi chơi phố lúc này, chàng lắc đầu :

- Lâm An phủ này phủ lạ gì với vợ chồng mình, đi lăng nhăng chỉ thêm mỏi chân chứ ích gì!

Hoàng Dung khẽ gắt :

- Sao anh ngốc thế! Đi tìm người mà ngồi ỳ ra trong phòng, thử hỏi làm sao mà tìm cho ra! Thôi sửa soạn đi và cho con dạo phố chơi luôn thể!

Quách Tỉnh nghe cũng xuôi tai, lập tức sửa soạn cùng với vợ con ra phố, nhóm Toàn Chân lục tử cũng chia nhau đi các hướng để dò thăm tin Dương Quá, chỉ riêng mỗi Nam Cầm ở lại phòng.

Hai vợ chồng dắt tay Quách Phù ra đến một phố lớn, bỗng phía trước có tiếng phèng la đánh inh lên, đấy là nghi thức của các quan viên triều đình ra đi tuần. Hoàng Dung đã bị tiêm nhiễm ảnh hưởng của cha già Hoàng Dược Sư, ghét nhất là những quan viên của triều đình, nàng bất giác bực mình rủa :

- Không biết lại tên quan ô trọ chết toi nào đây?

Quách Phù bỗng hỏi mẹ :

- Thưa mẹ, “quan” là gì? Người làm “quan” oai hách lắm sao?

Trong lòng Hoàng Dung cảm thấy một sự bực phiền khó chịu, đang tính giải nghĩa cho con rõ, bỗng phía sau có người lên tiếng :

- Đó đâu phải là quan lớn đi tuần đâu, mà là một món quà lình động của Châu phủ xa xôi nọ đem tặng cho Giá thừa tướng, nghe nói món quà ấy là “Hắc tướng quân” nghe “Hắc tướng quân” này nổi danh là rất hung dữ, bách chiến bách thắng! Kinh tợn vô cùng.

Quách Tỉnh kinh ngạc hỏi :

- Ai là “Hắc tướng quân” vậy? Tướng quân gì không tấu khúc khải hoàn lại không vào triều đình trình Hoàng thượng mà lại đi bái Thừa tướng trước hơn nhà vua vậy.

Mấy người qua đường nghe Quách Tỉnh nói vậy đều cười ồ cả lên với nhau, một người nhanh miệng nói rằng :

- Trông bộ dạng anh cũng đâu phải là người phương xa mới đến, thế mà sao chuyện này cũng không biết? Anh tưởng đâu trong kiệu đang khiêng ấy co người ngồi bên trong sao? Chẳng qua trong ấy chỉ có một chậu sành và một con dế mà thôi!

Quách Tỉnh nghe nói càng lạ lùng, vội hỏi người ta kể chuyện, sao dế lại đem bỏ vào trong kiệu khiêng trịnh trọng như thế? Người nọ vui vẻ cười nói mọi chuyện chàng nghe.

Thì ra thời đó, tiểu triều đình của Nam Tống vua Ninh Tôn đã băng hà, Lý Tôn lên kế vị, nhà vua này mới có mười lăm tuổi đầu, đương nhiên Hoàng đế chỉ là một cậu trẻ con lớn đầu, làm sao biết nổi các chính sự nhiều khổ của triều đình? Vậy là bao nhiêu quyền bính lớn lao của triều đình đều nằm gọn trong tay tể tướng Giá Tự Đạo, mà tên Giá Tự Đạo này là một đại gian thần của cuối đời Nam Tống, hắn còn tham ô hơn cả tên Thừa tướng Hàn Tỷ Vệ của đời Ninh Tôn, vì dù sao tên Hàn Tỷ Vệ này chỉ ngấm ngầm ăn hối lộ, còn tên Giá Tự Đạo ăn công khai, buôn quan bán tước ra mặt, bao nhiêu lạng vàng sẽ mua tước thái thú, bao nhiêu lạng bạc sẽ mua tước quan huyện, nghĩa là hắn ta đã ngang nhiên biến guồng máy của triều đình trở thành một thương trường kiếm chác để nhét cho chặt túi tham vô đáy của hắn cũng bởi vậy các quan trong triều thời bấy giờ, làm sao mà tìm được người liêm chính, đâu còn những vị quan phụ mẫu của dân? Tình trạng dân gian càng lúc càng thống khổ về nạn hà hiếp xâu thuế, mỗi ngày mỗi đè nặng lên đầu dân, nhưng Giá Tự Đạo vẫn làm ngơ trong cảnh khốn khổ sống chết dở dang của dân chúng hắn vẫn ung dung sống sung sướng với chức Thừa tướng thái bình của mình.

Giá Tự Đạo lại ham mê trò chơi đấu dế, tuy những dế này được người ta chăm nuôi cẩn thận để đấu với các con dế cùng loài, phong tục chơi dế rất thịnh ở miền Giang Nam, với tư cách đường đường một vị tướng quốc của Giá Tự Đạo hắn đã đặc biệt cho xây cất riêng một gian nhà mệnh danh là “Bán nhàn đường” căn nhà này chuyên sưu tập và nuôi các con dế, ngoại trừ có người chuyên môn coi sóc ra, Giá Tự Đạo còn coi những con dế này không khác nào những “ái tướng” của mình, lấy nước sương cho dế uống, lấy nhân sâm quý cắt từng miếng nhỏ li ti đem nuôi dế.

Giá Tự Đạo liên tiếp nuôi đến mấy trăm con dế, suốt ngày lo chơi đấu dế tại “Bán nhàn đường” đã thế thì thôi, hắn còn ngang nhiên hạ lệnh xuống cho các châu phủ địa phương, hễ mùa thu đến, các quan châu phủ huyện ấy đều phải lo tiến cống các con dế quí đến phủ Thừa tướng, nếu con dế nào đá hay và giỏi, tên quan tiến cống ấy sẽ được đề bạt thăng chức thưởng tước ngay, nói tóm lại Giá Tự Đạo quí những con dế còn hơn mạng sống của chính bản thân hắn! Quách Tỉnh nghe xong chuyện này, trong lòng bất bình vô cùng!

Chàng tưởng đâu quân thần của triều Nam Tống sau khi bị bài học thấm thía của quân Mông Cổ, đáng lẽ phải lo chỉnh quân kinh võ, dù cho không biết nhục chi quốc thể, ít ra cũng phải cho ngoại tộc kiêng nể phần nào, khiến cho địch phải e ngại về dã tâm Nam tiến. Nào hay từ khi ngôi hoàng đế từ Ninh Tôn đổi sang Lý Tôn, Thừa tướng từ Hàn Tỷ Vệ đổi sang Giá Tự Đạo, quân thần triều Nam Tống đã mỗi ngày một lụn bại đến mạt dần, xem ra cuộc diệt vong của triều Nam Tống chỉ sớm muộn mà thôi. Quách Tỉnh nghĩ đến, ngước mắt n nhìn trời thở dài cho quốc vận! Thình lình chàng cất hơi hú lên một tiếng.

Tiếng hú ấy, vốn là một lối vận khí công của người đời xưa, nếu tiếng hú đã đến mực cao độ, có thể chấn động cây rừng, gây sự kinh hoàng cho chim chóc cầm thú. Trong thuyết Ngụy sử có nói: Khi Gia Cát Lượng lục xuất kỳ sơn để tác chiến với Tư Mã Ý, đầu chít khăn hai tay ôm gối cất tiếng hú, đây là chuyện ghi chép của lịch sử, nay tiếng hú của Quách Tỉnh đã suýt gây nên họa cho chàng.

Số là trên phố xá lúc này, đám khiêng kiệu cho dế “Hắc tướng quân” đã đi ngang, theo sau đội nghi lễ ấy, là một công tử cẩm y hoa mão, công tử này lối hai mươi tuổi trở lại, mặt láng như thoa mỡ, tai thỏ mắt diều ngất ngưởng trên yên con bạch mã hùng dũng hiên ngang cách xa nơi Quách Tỉnh đứng đến mấy chục bước là ít.

Ngờ đâu con ngựa trắng ấy chỉ được bộ mã hùng dũng bề ngoài, sau khi nghe tiếng hú của Quách Tỉnh, thì đã hoảng hốt hất tung hai chân phía trước lên, vị công tử từ trên yên ngựa bị quật ngã ngay khỏi yên! Sau đó sưng vù lên một cục bướu bằng trứng gà!

Thiếu niên công tử đây không ai xa lạ, chính là đứa con trai thứ ba của Thừa tướng Giá Tự Đạo tên là Giá Cẩm Thành, xưa nay y vẫn ỷ thế lực của cha, quen thói tác oai tác phúc với dân trong vùng, nay khi không bị con ngựa vì nghe tiếng hú của Quách Tỉnh, bảo làm sao y chịu bỏ qua cho được! Mấy tên hiệu úy lăng xăng chạy lại lo dìu đỡ tam công tử. Giá Cẩm Thành lớn tiếng quát chửi :

- Quân chó chết ở đâu lại đây mà hỗn láo vậy? Phố xá tấp nập thế này mà gào thét om xòm vậy?

Quách Tỉnh vốn tính hiền hậu, không ngờ mình vô tình mà khiến cho người ta bị té ngựa, quả lỗi tại mình, chàng lập tức mỉm cười bước lại :

- Thưa công tử, tiểu nhân vô tình kinh động để bảo mã của công tử, xin công tử tha thứ tội lỗ mãng cho!

Giá Cẩm Thành đang tức muốn bốc khói, nhưng khi y ngửng đầu lên nhìn thấy Hoàng Dung đang đứng phía sau Quách Tỉnh, bất giác ngẩn người nhìn sững sờ như kẻ trúng gió.

Có gì lạ đâu, chỉ vì Hoàng Dung vốn là người đẹp nổi tiếng xưa kia, cháu của Tây Độc Âu Dương Phong là Âu Dương công tử cũng đã từng say mê điên đảo về nàng, đã không quản ngại trăm kế ngàn mưu để cố chiếm đoạt người đẹp, Nhưng thời đó, Hoàng Dung chẳng qua cũng chỉ là thiếu nữ đẹp trong cái đẹp hồn nhiên của một thiếu nữ.

Nay tuy đã ăn ở với Quách Tỉnh và sinh hạ được một gái, nhưng nhan sắc của nàng không vì thế mà giảm đi, trái lại đã tăng thêm những tư thái duyên dáng của một người thiếu phụ một con, một sắc đẹp mặn mà... mà chỉ dành riêng cho các thiếu phụ một con! Lúc này, hồn phách của đệ tam công tử của Giá thừa tướng đã bị sắc đẹp của Hoàng Dung thu hút trọn vẹn, y đã quên hẳn cái đau ê ẩm té ngựa vừa rồi!

Quách Tỉnh thấy Giá công tử ngó chăm vợ mình, trong bụng không vui, bèn ôm quyền lên rằng :

- Tiểu dân đã thành thật nhận lỗi với công tử. Xin mời công tử lên ngựa cho!

Nghe tiếng đối phương nó vậy, Giá công tử mới như vừa nhặt lại hồn mình về giơ ngay roi ngựa lên khua, lớn tiếng :

- Ái chà! Ngươi đã ngang nhiên khiến cho bản công tử té như thế, nay xin lỗi bâng quơ phủi đít bỏ đi dễ dàng như thế sao? Dưới thế gian này, đâu có chuyện dễ dãi quá như vậy? Quân bay đâu?

Sau mấy tiếng tung hô oai hách: “Có”! mấy tên hiệu úy răm rắp bước ngay lại trước mặt Giá Cẩm Thành. Giá công tử dùng ngay roi ngựa chỉ về phía Hoàng Dung quát :

- Bay mau bắt ngay con ranh này về tướng phủ cho ta rồi hạ hồi phân giải sau!

Quách Tỉnh nổi giận, tính ra tay, nhưng Hoàng Dung đã liếc mắt ra dấu cho chồng. Quách Tỉnh rõ ý tứ ngay, chàng đành dịu hẳn cơn, Hoàng Dung niềm nở tươi cười, tay trái dắt tay con gái đứng yên tại trận không có nhúc nhích!

Các tay gia tướng của Giá tướng phủ, tuy trong lòng cảm thấy băng khoăn áy náy, nhưng cũng phải ngang nhiên về thái độ bạo gan lớn mật của thiếu phụ nằm mơ cũng không thể nào ngờ rằng thân gái yểu điệu như tơ liễu này lại là người có tuyệt kỹ trong mình! Hai tên hiệu úy vừa đưa tay đụng vào thân Hoàng Dung, thính lình cảm thấy lòng bàn tay đau nhói “chao ôi” một tiếng ôm ngay bàn tay ứa máu tươi nhảy tưng kêu đau inh ỏi.

Thì ra trên mình Hoàng Dung đã mặc sẵn loại áo “Nhuyễn vị giáp” đây là một bảo trấn của Đào Hoa đảo, thượng bán thân của Hoàng Dung đều được Nhuyễn vị giáp bảo hộ kín đáo trong mình, bên ngoài áo lụa thường che khuất.

Hai tên gia tướng được lệnh chủ, cũng ngỡ đâu được chạm đến thân người đẹp, nào hay cử chỉ kém nhã của chúng, đã mua với giá ứa máu tươi như vậy, càng đáng thương cho chúng là không hiểu tại sao lại có thể bị thương như vậy. Ai nấy đều kinh ngạc nhao nhao lên :

- Ối trời ơi! Con này có yêu pháp tà thuật!...

Giá Cẩm Thành thấy gia tướng của mình bị “lỗ vốn”, quá thẹn đâm khùng quát lớn :

- Rõ đồ toi cơm cả lũ, với con quỷ cái như thế mà đối phó không xong, liệu còn làm ăn gì? Hãy ùa lên hết một lượt bắt ngay lấy nó coi nào!

Những gia tướng hộ tống Giá công tử lúc này, cũng có mấy chục tên, đứa nào cũng biết chút võ biền quyền cước binh đao, nếu bảo chúng đánh giặc chống ngoại xâm, chắc chắn là chúng dâng khí giới quì xin đầu hàng ngay, nhưng nếu bảo chúng hà hiếp dân lành thì khỏi chê, có thể nói thiên lôi trên trời cũng phải kém oai hách hơn chúng là khác! Nay được lệnh chủ chúng ùa như ong vỡ tổ xông lên tới tấp.

Hoàng Dung vẫn ung dung mỉm cười hấp dẫn, chờ cho mười mấy tên gia tướng xông tới, nàng mới nhoáng dùng thân pháp “Lạc Anh quyền” tay không giơ mà đùi cũng không nhấc, thân Hoàng Dung đã vèo lướt ra ngoài hơn trượng!

Mười mấy tên gia tướng tự va chạm lấy nhau, sau khi chúng biết vồ hụt địch thì mắt đổ lửa, mặt sưng vù lên với cuộc va chạm tóe đom đóm đó. Suýt có mấy tên bị ngất đi vì quá đau.

Mọi gia tướng thấy hai lần ra tay đều thất lợi, trong lòng càng căm tức, đã có mấy tên rút phắt ngay binh đao trong lòng ra, nhắm ngay tay chân của Hoàng Dung mà chém tới như mưa, cốt sao bắt sống cho bằng được!

Hoàng Dung thấy lũ gia tướng dùng binh khí đối phó với mình, lên tiếng ngay :

- Thảo nào chủ nhân của lũ ngươi chửi là “Đồ toi cơm” phải câu chửi đó không sai tí nào.

Hoàng Dung vừa nói vừa dùng ngay ngọn “Lan Hoa Phất Huyệt” điểm trúng ngay Thần Đường huyệt của hao tên gia tướng xông tới trước tiên nhất, hai tên gia tướng chỉ “hự” khẽ lên hai tiếng, thân hình vạm vỡ lúc này không khác gì hai đống bùn nhão nằm kềnh ra mặt đất!

Các gia tướng còn lại thấy vậy kinh hoảng, không tên nào dám chểnh mảng nữa, đứa nào cũng vội tuốt ngay binh đao ra để quyết công đánh Hoàng Dung. Quách Tỉnh cũng chịu không nổi, không phải chàng sợ cho Hoàng Dung đối phó không nổi lũ gia tướng xoàng này, nhưng binh đao đâu có mắt, lỡ gây thương tích cho ái nữ Quách Phù thì thật rầy rà. Nghĩ vậy chàng liền tung mình tới trước tay trái gạt tay mặt vẽ hẳn vòng cong bán nguyệt, dùng ngay thế “Kháng Long Hữu Hối” nhắm đích ngay đám gia tướng đang vây Hoàng Dung đánh thốc sang. Với thế “Kháng Long Hữu Hối” của Quách Tỉnh đây, vốn được sự thân truyền của Bắc Cái Hồng Thất Công, khi ra tay, từ oai lực đến tinh thần đều vào bực thượng thặng cả, Sau khi Quách Tỉnh đẩy chưởng này ra, bốn tên gia tướng gần nhất không khác nào như bốn tàu lá gặp gió lốc, cả bốn thân hình nặng nề ấy đều bị bay ra hẳn một trượng, mặt mũi trầy trụa tím bầm vì ngã đập mạnh dưới đất!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.