Chiến Thần Ngạo Thế

Chương 47: Chương 47




Lại nói chuyện huyện Cú Dung phủ Giang Ninh có một thôn gọi là thôn Công Nghĩa. Trong thôn này có một nhà tài chủ họ Lý, tên gọi là Lý Chính Tông, vợ là Triệu thị. Hai vợ chồng đều chăm làm việc thiện, sẵn lòng cứu tế cho kẻ bần cùng, được người ta gọi là Lý Thiện Nhân. Họ không có con gái, chỉ có độc một thằng con trai, năm ấy vừa tròn hai mươi nhăm tuổi, tên gọi là Lý Văn Hoa. Nhưng tên này hoàn toàn khác hẳn cha mẹ, chỉ chuyên đi ghẹo liễu nài hoa. Cha nó là Lý Chính Tông thường xuyên khuyên nhủ, chẳng ngờ chỉ như nước đổ lá khoai. Chẳng còn cách nào khác, họ đành để mặc hắn muốn làm gì thì làm. Chỉ một, hai năm sau, cả hai vợ chồng già lần lượt qua đời. Lý Văn Hoa lo chuyện chôn cất cha mẹ xong xuôi, gia sản giờ do một tay hắn quản. Chuyện tới đây, tạm thời không nhắc đến nữa.

Lại nói chuyện trong vườn nhà Lý Văn Hoa có hai gian nhà lá, một đôi vợ chồng họ Tôn, người chồng tên Tôn Hưng sống trong đó. Tôn Hưng năm nay hai mươi tư tuổi, là người rất trung hậu, vốn ở đây làm thuê những việc nặng nhọc cho Lý Văn Hoa. Vợ anh ta họ Hà, hai mươi hai tuổi. Tuy không có diện mạo hoa phượng nguyệt thẹn nhưng cũng được xếp vào hàng nhất nhì, lại thạo việc bút nghiên, vốn tên gọi Nguyệt Tố. Lý Văn Hoa thấy Hà thị diện mạo dễ coi, lâu dần chợt sinh tà dâm, chẳng ngờ Hà thị tính tình cương liệt, không chịu theo. Hôm ấy, Lý Văn Hoa chợt nảy ra một kế sắp xếp để chồng Hà thị đi nơi khác đòi nợ, trong nhà chỉ còn lại một mình Hà thị. Tối hôm ấy, hắn định mò vào nhưng lại sợ Hà thị không chịu. Nghĩ tới nghĩ lui vẫn không nghĩ được kế gì. Chợt hắn nảy ra một kế, nói thầm: "Cần phải làm thế này, thế này mới được. Người ta thường nói rất đúng người phụ nữ như bông hoa dưới nước, tầm nhìn lại nông cạn, lo gì việc không thành". Nghĩ xong, vụt gọi:

- Thu Quế!

Ả a đầu ứng tiếng:

- Có nô gia xin hầu!

Lý Văn Hoa nói:

- Ngươi mau đi gọi bà Tống tới đây, ta có chuyện muốn nói.

Thu Quế ứng tiếng, xoay mình đi ra.

Không lâu sau, bà Tống vốn sống trong nhà hắn bước vào, đến trước mặt hắn, nói:

- Đại gia có gì sai bảo?

Lý Văn Hoa nghe vậy mỉm cười, nói:

- Bà Tống nghe ta nói đây, nay có việc gấp, muốn bà đi cho một chuyến,

Nói tới đây, hắn vội đứng dậy, hạ thấp giọng, nói:

- Hà thị sống ở trong vườn, ta mấy lần đòi ngủ mà ả không chịu. Nay bà cầm theo hai mươi lạng bạc tới đó khuyên cô ta ưng thuận. Nếu chuyện này thành, nguyện suốt đời không quên ơn bà.

Mụ Tống nghe vậy, nói:

- Cứ giao việc này cho tôi. Việc này cũng dễ thôi. Cho dù cô ta là gái tiết liệt băng sương, cứ để tôi đi, đảm bảo cô ta sẽ ưng thuận.

Lý Văn Hoa nghe vậy, trong lòng vui mừng khôn xiết, vội móc ra hai mươi lạng bạc cầm nơi tay, trao cho mụ Tống. Mụ Tống đón lấy, quay mình sải bước đi ra ngoài. Mụ già này một lòng nghĩ kế, không biết trời xanh có dung thứ cho mụ hay không? Bà Tống đi qua mấy khúc rẽ, chỉ một lúc sau thấy cánh cửa nhà Hà thị hiện ra trước mắt. Bà Tống tiến lên gọi cửa, nói:

- Hà nhị tẩu.

Lại nói ngay:

- Hôm nay tôi có việc đến tìm chị, mau mở cửa cho tôi vào.

Họ Hà đang may vá, chợt nghe thấy tiếng gọi cửa, vội bỏ mấy thứ đồ kim chỉ xuống, hỏi vọng ra:

- Ai gọi cửa, có chuyện gì vậy?

Bà Tống nghe vậy, vội nói:

- Là tôi. Hà nhị tẩu. Mau mở cửa, tôi có chuyện này muốn nói.

Hà thị nghe vậy, không dám chậm trễ, vội bỏ công việc, đi ra mở cửa, mời mụ Tống vào trong. Hà thị nở nụ cười, hỏi:

- Tống bà đêm hôm tới đây có chuyện gì? Xin hãy nói cho tôi hay.

Mụ Tống nghe hỏi, nở nụ cười, nói:

- Xin nhị tẩu hãy nghe tôi, lão thân tới đây bởi đại tướng công có chuyện nhờ vả. Hôm trước, tướng công thấy chị đứng trước cửa trong lòng nảy sinh ý yêu mến nhan sắc của chị. Mấy ngày hôm nay cứ ngẩn ngơ như người mất hồn, cơm chẳng buồn ăn, nước không thiết uống, thần hồn điên đảo, xem ra chẳng mấy chốc nữa mạng vong. Cầu xin nương tử ban cho chút tình. Xin nương tử hãy tới xem bệnh cho đại tướng công. Nếu được như vậy, nhị tẩu đã tạo phúc ngang với xây tháp, tụng kinh rồi. Nay có hai mươi lạng bạc ở đây, mong nương tử nhận lấy coi như đó là chút lòng thành.

Hà thị nghe xong bất giác đỏ mặt tía tai, nói:

- Bà nói vậy thực là vô lý. Nói thẳng tuột như vậy nghe sao lọt tai? Chẳng nhẽ bà chưa nghe câu "Nam nữ thụ thụ bất thân". Đại tướng công còn đang trai trẻ, nô gia với anh ta không thân cũng chẳng gần, chẳng qua chỉ là mối quan hệ chủ tớ. Mau mang bạc về, nếu còn nói nhăng nói cuội nữa, tôi quyết không tha!

Tống bà nghe vậy, khẽ nở nụ cười, nói:

- Nhị tẩu thực biết giả ngây! Tuy nói là "thụ thụ bất thân" nhưng hoàn cảnh cũng có thể nảy sinh ra tình cảm. Chỉ nói riêng chuyện đại gia đối xử với chị khác hẳn người khác cũng đủ thấy tình cảm của anh ta đối với chị nặng nhẹ ra sao rồi. Chị còn nhớ, hồi chồng chị chẳng có chốn nương thân, tướng công đã thu nhận vào đây làm công. Tới nay, chủ nhân mắc bệnh tương tư, lẽ nào trong lòng chị không hiểu? Thiết nghĩ, bệnh tình đã tới hồi trầm trọng, tính mạng chỉ trong một sớm một chiều, vậy mà chị lại làm bộ câm điếc, lấy oán báo ân là cớ làm sao? Tặng chị hai mươi lạng bạc, chẳng qua chỉ là chủ nhân muốn tích chút âm đức mà thôi.

Nói xong vứt bạc xuống. Hà thị mặt mũi đỏ dừ, kêu lớn:

- Ma ma chớ cười. Chuyện đồi bại ấy, quyết không thể được.

Hà Nguyệt Tố nóng giận, mặt mũi đỏ gay, nói:

- Những lời trơ trẽn của ma ma khi nãy, tôi thực không chấp nhận nổi. Bệnh tình của đại tướng công đâu liên can gì chúng tôi? Số bạc này, nô gia tuyệt không dám nhận. Bà hãy cầm bạc về gặp chủ của bà, nói tôi sẽ cầu Trời Phật cho anh ta chóng khỏi bệnh. Số của cải bất nghĩa này nô gia không thể nhận. Chúng ta gọi nhau mẹ con lâu nay, có gặp mặt thì cũng có chia ly. Ngày mai tôi sẽ trở về nhà.

Tống bà nghe vậy, khẽ nở nụ cười, nói:

- Hà nhị tẩu, chị ăn phải thứ gì mà nói nghe dễ dàng như vậy? Các người thích tới thì tới, thích đi thì đi sao? Thôi thế cũng xong. Hai mươi lạng bạc tiền chuộc thân, lại cộng thêm tám tháng tiền lãi, các người tính xong lạy một lạy đại tướng công sẽ để mặc cho các người đi. Anh ta đâu phải đứa trẻ con hỷ mũi chưa sạch! Tục ngữ nói đúng lắm: Điêm đương như tiểu mại. Việc đã tới nước này, chúng ta cũng nên nói trắng ra với nhau là hơn. Đại tướng công nhà ta thực sự đã yêu quý chị. Nếu chị còn làm cao không chịu ưng, ngộ nhỡ anh ta xấu hổ quá hóa giận quay sang trở mặt, đưa các người lên huyện Cú Dung, nói rằng anh chị phận nô bộc lại khinh khi chủ, hai vợ chồng anh chị chắc khó thoát khỏi công đạo. Nhị tẩu, chắc chị khó tránh khỏi cảnh giam cầm. Chị thử nghĩ xem, tới lúc ấy chỉ vì giữ tiết hạnh mà đánh mất chồng. Theo ta nghĩ, vụ này chị nên chịu ấm ức một chút, tạm thời cúi đầu xuống, ngấm ngầm qua lại với đại tướng công, chắc chồng chị cũng không biết được.

Hà thị nghe Tống bà nói vậy, thầm nghĩ: "Không ổn. Những lời mụ ta vừa nói ra thực là lợi hại. Đây là kế của Tống bà, nay ta phải vờ ân cần, mềm nắn rắn buông, thoát khỏi cục diện này đã. Vợ chồng ta không hề bán thân, hắn sao có khế ước được? Đúng rồi, là do Lý Văn Hoa một lòng yêu ta, chỉ muốn thành đôi thành cặp, hắn nào có chút lương tâm, thiên lý nào nữa. Hay là hắn đã viết một bản khế ước khống. Nếu ta không chịu chiều ý hắn, hắn sẽ trở mặt, đòi vợ chồng ta lên quan huyện, đòi khoản tiền thế thân, tất chúng ta sẽ phải ở trong ngục. Thân phụ nữ rơi vào cảnh tù ngục, khó lòng giữ được sự trong sạch, vậy chẳng phải ta mang tiếng xấu, còn hắn thỏa nguyện hay sao? Nghĩ kỹ lại, kế này thực là thâm độc, khiến ta chẳng còn đường nào khác. Muốn đợi chồng về kể lại cho chàng hay, lại sợ anh ấy sẽ lo, nhất thời hồ đồ, gây ra chuyện, bọn ta lại rơi vào cảnh đói nghèo, tới lúc ấy phải làm sao? Nếu lên quan tranh cãi vợ chồng ta quen biết ít hơn hắn, thế lực kém hẳn hắn. Chỉ e quan vị tình riêng, tất chồng ta sẽ chịu thua thiệt. Nếu ta nhịn không nói năng gì, lại sợ trúng nhằm độc kế. Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông, ta biết phải làm sao đây?"

Nguyệt Tố cuống lên, chợt nảy ra một kế, nghĩ thầm: "Cũng đành, mọi chuyện đều do đồng tiền gây nên cả. Lúc này ta không được nóng ruột. Chi bằng ta giả đò chấp nhận, giữ hai mươi lạng bạc này lại, thoái thác rằng đợi đại tướng công khỏi bệnh, hẹn sẽ tới thành thân. Ta đành phải nhất thời gạt hắn, đợi cho qua thời khắc khó khăn này. Chỉ mong lòng trời chiều theo ý người, Lý Văn Hoa bệnh tình nặng hơn nữa rồi chết đi. Vậy là sự oan nghiệt này sẽ tự chấm dứt".

Hà thị nghĩ xong, nở nụ cười, nói:

- Ma ma, lời bà dạy phải lắm. Cũng đành, đại tướng công đã mang lòng yêu tôi, bà lại đứng ra tác hợp, cả hai bên đều đã chịu vất vả rồi. Nếu tôi còn mãi chối từ, coi như đã không phải với hai người. Nay tôi xin nhận số bạc, xin chấp nhận mối tình cao quý này.

Hà Nguyệt Tố nuốt thẹn vờ chấp nhận, nói:

- Ma ma xin hãy nghe lời tôi nói, tôi đây tuy không phải loài hoa dại ven đường, chẳng ngờ vẫn bị bướm ong dòm ngó. Đại tướng công đã mang lòng yêu tôi, coi như đã kết nên mối duyên tình phong lưu. Nếu tôi không nghe theo lời khuyên của ma ma thì thực là không phải. Muốn nghe theo lời bà, còn ngại xấu hổ, để chồng tôi biết, chuyện chẳng phải vừa. Việc đã tới nước này, đành phải bỏ mặc tất cả mà làm thôi. Gánh nặng ngàn cân giờ đã đặt lên vai, nô gia đành chịu xấu hổ thất thân một trận, nhưng tôi cũng có lời này xin được nói rõ ra trước. Tôi xin nhận lấy hai mươi lạng bạc đính lễ này thì cũng xin nghe theo sự sắp xếp của mọi người. Ma ma nói có thể đứng ra đảm bảo, làm chứng cho tôi, cũng xin ma ma chớ nên lật lọng, thay lời. Cần phải giữ thật kín chuyện này. Tôi chỉ e vụ việc vỡ lở, đến tai người khác. Ma ma hãy về nói lại rằng nô gia đã chấp nhận, đợi khi nào đại gia khỏi bệnh xin được gần gũi vui vầy. Xin bà hãy về nói lại cho chủ nhân vui lòng. Rất có thể, đại tướng công vui vẻ sẽ đẩy lùi tật bệnh.

Liệt nữ giả đò ưng thuận. Tống bà nghe xong, trong lòng vô cùng vui vẻ, nói:

- Nhị tẩu đã nhận lời, cũng xin chớ lật lọng khiến tôi khó xử. Hai mươi lạng bạc có đáng là bao? Cứ giao việc này cho tôi. Nhưng già này có một việc muốn nói rõ ra đây với nhị tẩu. Hai mươi lạng bạc đính lễ này của đại gia, chị đã nhận rồi nhưng biết lấy gì làm bằng về chuyện chị sẽ trả lại?

Hà Nguyệt Tố nghe nói vậy, bất giác trong lòng lại cảm thấy khó xử. Nhưng nàng vẫn là người thông minh, lanh trí, liền nói ngay:

- Xin ma ma hãy nghe tôi nói đây, đại tướng công sai bà mang bạc tới cho tôi, bà đã phải vất vả nhiều rồi. Tôi cũng vì chối từ không nổi nên phải ưng thuận, đã nói xin nhận rồi. Vậy mà bà còn đa nghi đòi bằng chứng, vậy hai chúng ta hãy nói rõ ra với nhau. Tất cả cũng vì vợ chồng tôi nghèo khổ, không nơi nương tựa nên mới chấp nhận cúi đầu trước người khác. Đại gia vì tôi mà mắc bệnh, tất cả đều do một mình tôi. Tôi vốn là con cái thường dân sống nơi thôn dã, không thể sánh được với người danh giá. Nay đại gia đã mang lòng yêu thương, cho quà để bày tỏ tấm lòng, tôi đã gật đầu thì quyết không lật lọng, nói sai. Ma ma còn lằng nhằng đòi bằng chứng thì xin mang số bạc này trở về, giữa hai ta chẳng còn gì để nói với nhau nữa.

Tống bà thấy Hà thị làm căng, trong lòng cũng hơi e ngại, chỉ lo mọi chuyện đổ vỡ cả, bèn uyển chuyển nói:

- Nhị tẩu hai mẹ con ta đều là người trong một nhà. Tôi phải làm vậy vì lo cho sau này mà thôi. Miệng nhận lời biết lấy gì làm bằng chứng? Bạc cứ để lại đây, còn tôi sẽ trở về gặp mặt, bẩm lại với đại tướng công. Đợi người khỏi bệnh sẽ lại tìm tới chị.

Nói xong đứng lên, sải bước ra khỏi phòng. Hà Nguyệt Tố trong lòng bực bội, buồn phiền, miệng khẽ nở nụ cười, giả lả, nói:

- Ma ma, bà về nhé. Thứ lỗi tho tôi không tiễn được.

Tống bà chẳng còn cách nào khác, đành phải thuận gió bẻ buồm, nói:

- Nhị tẩu hai ta đâu xa lạ gì. Không cần giữ lễ.

Nói xong cút thẳng.

Hà Nguyệt Tố thu bạc lại, cất vào trong hòm, trở lại ngồi lên ghế, nghiêng mình dựa vào bàn, tay chống cằm, trong lòng thầm nghĩ: Đáng giận thay mụ già dâm đãng, chỉ biết lấy lòng chủ, coi tấm thân ngọc ngà của ta như loài hoa dại ven đường! Hai mươi lạng bạc này ta cứ giữ lấy, tình thế hiện nay, ta là người nắm đàng chuôi, sao có thể để mụ nắm lấy được? Hà Nguyệt Tố thầm căm hận trong lòng, lại sợ chồng mình cộc tính nên không dám nói cho Tôn Hưng biết.

Lại nói chuyện Tống bà rời khỏi khu vườn, tới thư phòng trên dãy nhà trên. Lý Văn Hoa vừa thấy mụ, lập tức đuổi hết đám người hầu ra. Mụ già tiến lên hạ giọng, mở lời kể lại một lượt chuyện vừa rồi cho hắn nghe. Lý Văn Hoa nghe xong, lòng vui phơi phới, phấn chấn hẳn lên.

Tới ngày hôm sau, Lý Văn Hoa mua sắm một số đồ trang sức cùng các loại váy, yếm bằng tơ, lụa, gói ghém cẩn thận rồi sai mụ Tống mang tới chỗ họ Hà. Lại chuẩn bị một đôi kim hoa tặng cho nàng. Tống bà kể lại chuyện tối qua Lý Văn Hoa đòi nên đôi, nên cặp ra sao cho nàng nghe một lượt. Hà Nguyệt Tố nghe xong, trong lòng kinh hoảng, nghi hoặc vô ngần, không dám nói năng gì, trong lòng thầm nghĩ: Ta cứ tưởng Lý Văn Hoa bệnh tình nguy cấp, chắc sắp chết. Ngờ đâu ông trời chẳng chiều lòng người, đã để tên ác nhân khỏi bệnh, lại đòi gần gũi ta trong đêm nay. Đầu tiên hắn tách chồng mình ra nơi khác khiến mình không còn chỗ dựa. Nay nếu ta nói không chịu nghe theo, chỉ e kẻ yếu không đấu lại được kẻ mạnh. Nếu ta gật đầu ưng thuận, lại khó giữ được trinh tiết.

Hà Nguyệt Tố không nói năng gì, trong lòng rầu rĩ: Nay đã rơi vào tình thế trở đi mắc núi, trở lại mắc sông. Nhà họ Lý giàu có, thế lực lớn, đáng buồn thay, vợ chồng ta lại nghèo khổ! Nay ta đã mắc vào bẫy này, muốn thoát ra e không được! Thực chỉ mong họ Lý bệnh nặng chết đi, coi như ta mới thoát khỏi tai họa này. Ngờ đâu, bệnh tình của oan gia lại khỏi, hẹn ta tối nay tới tương phùng. Nếu ta nói thẳng ra rằng không chịu, chỉ e hắn trở mặt, vô tình, đưa tờ giấy bán mình của vợ chồng ta ra, đòi khoản tiền chuộc. Trên công đường, bọn ta có miệng cũng khó cãi nổi. Rõ ràng hắn đã hãm hại bọn ta! Từ xưa tới nay, hồng nhan thường bạc mệnh, đâu chỉ có một mình nô gia đây. Nhớ lại ngày xưa, Trương Mẫn hãm hại Chu Duy Hàn cũng vì muốn chiếm được người đẹp Quách thị. Niên Tất giết hại Cao Trọng Cử bởi muốn chiếm được người đẹp Vu Nguyệt Anh. Từ xưa tới nay biết bao người con gái, chỉ vì có chút nhan sắc mà chuốc họa vào mình. Nay hắn mang lòng nhòm ngó mình, cũng đâu khác gì xưa. Nay ta gặp phải Lý Văn Hoa, đúng là oan gia đụng đầu trong ngõ hẻm. Muốn từ chối lại e có họa, chi bằng hãy giả ý thuận tùng. Đợi gã họ Lý đêm nay tới đây, ta sẽ lựa lời khuyên nhủ hắn một phen. Khuyên hắn hãy hồi tâm chuyển tỉnh nếu hắn chịu nghe, Hà Tố Nguyệt ta coi như họa chuyến thành phúc. Còn hắn nhất quyết không nghe, cũng đàng phải quyết một trận với hắn thôi. Cương đao đây đưa qua một nhát, có bế gì thì hắn vẫn là kẻ mang tội cưỡng dâm bị giết chết. Có lên quan, mặc cho họ đánh đập cũng quyết không để chồng mình bị liên lụy. Trong lòng liệt nữ vụt nảy ra kế độc, sát tinh bay vụt qua lòng. Tạm gác chuyện của liệt nữ họ Hà lại, giờ ta lại nhắc tới chuyện của mụ Tống. Mụ ta thấy Hà thị cúi đầu trầm ngâm, không nói không rằng, lại mở lời, nói:

- Nhị tẩu, ngày mai tôi sẽ tới chúc mừng cô. Cô hãy mau trang điểm lại, đợi đại tướng công tới. Cần phải làm gì, trong lòng hãy nhớ kỹ lấy.

Hà thị ậm ừ trong miệng. Tống bà lại nói:

- Nhị tẩu trên mặt chớ nên để lộ nét sầu khổ. Tối nay chớ nên đóng cửa, chỉ cần khép hờ là được, để tránh phải gõ cửa gây ra tiếng động, hàng xóm nghe thấy thực không hay. Hai người hãy bí mật vui vẻ với nhau.

Hà thị nghe xong khẽ nở nụ cười, nói:

- Ma ma, bà đúng là rất am tường chuyện này.

Mụ Tống nghe xong cũng cười, nói:

- Cái nhà chị này thực biết nói đùa. Sao lại chửi tôi như vậy.

Nói xong ra khỏi cửa, bỏ đi. Trong phòng chỉ còn lại gái cương liệt, Hà thị ngồi một mình, nghĩ ngợi vẩn vơ, thần hồn tán loạn chẳng được yên. Giai nhân ngồi nghĩ ngợi một hồi, lẩm bẩm tự nói một mình:

- Sao ta không làm thế này, thế này. 

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.