Chạy Theo Hạnh Phúc

Quyển 4 - Chương 22: Xuất hiện bước ngoặt




Hai người đang ở trong cảnh nội Thiểm Tây, cần phải đi ngang qua Cam Túc mới tới được La Bố Bạc bên trong cảnh nội Tân Cương.

Thời cổ đại, Cam Túc là cánh cửa biên giới tây bắc của Trung Quốc, Tây Bắc nếu có chiến sự, thường sẽ dùng nơi này làm điểm phát binh, cung cấp lương thảo, Khang Hi phong hoàng tử thứ mười bốn Dận Trinh làm Phủ Viễn Đại tướng quân, xuất binh bình định phản loạn Mông Cổ Chuẩn Cát Nhĩ, hoàng tử Dận Trinh sau đó đề cử gia nô Niên Canh Nhiêu làm tổng đốc Thiểm Cam, phụ trách cung cấp lương thảo cho mình, sau khi Khang Hi băng hà, Niên Canh Nhiêu giảm bớt lương thảo, kiềm chế thập tứ hoàng tử dẫn binh đánh về kinh thành, giải trừ hậu hoạn đăng cơ cho Ung Chính.

Với đặc thù địa lý và vị trí chiến lược, trong cảnh nội Cam Túc hiện nay có thể nhìn thấy đầy dẫy phong hỏa đài và doanh trại quân đội của thời cổ đại, nhưng nơi này lại rất nghèo, một là vì khí hậu quá khô nóng, hai là vì nơi này thường xuyên có chiến tranh, quân phiệt cát cứ, thổ phỉ nổi lên bốn phía, nơi thường xuyên có chiến tranh thì dân chúng không thể nào sống tốt được.

Trước khi rời khỏi Thiểm Tây, Tả Đăng Phong đến một chi nhánh của thương hội, lấy ba ngàn lượng hoàng kim, đa số là kim phiếu, phần còn lại là vàng thỏi và đồng đại dương, thùng gỗ của hai người đều trống không, cần phải mua đồ chuẩn bị bỏ vào.

Địa thế Cam Túc dài mảnh, hai bên hẹp, kéo dài theo hướng nam bắc. Hai người đi thẳng về hướng tây bắc, vì không vội vã, nên khi ở khu vực không có người hai người sẽ khinh thân, còn có người ở thì cả hai sẽ đi bộ.

Năm ngày sau, hai người tới Tây Bắc Cam Túc, nơi này còn cách Gia Dự quan và quận Tửu Tuyền rất gần, ngay bên kia đã chính là biên cảnh Ngọc Môn quan và đôn Hoàng Mạc.

Trình độ phát triển văn minh và kinh tế có ó quan hệ trực tiếp với nhau, nơi này thuộc về thâm sơn cùng cốc, dân chúng sinh sống rất khổ sở, cơm ăn không đủ no nên người ta chẳng buồn bận tâm cái gì mới là hợp quy tắc văn hóa, lại càng không lưu trữ điển tịch, nên Tả Đăng Phong không tìm được huyện chí và địa đồ, đành phải hỏi thâm rồi đi.

Quận Tửu Tuyền là tên cũ, bây giờ đã đổi tên, Tả Đăng Phong đến đó bổ sung đồ ăn và nước uống, đồ ăn thì chủ yếu là thịt nướng ít muối, thịt kho, hơn hai mươi cân gạo, và cực nhiều túi da dê đựng nước trong.

Bổ sung thực phẩm xong, hai người chạy tới Ngọc Môn quan, vì đôn hoàng ở hướng nam, nên hai người không ghé qua xem, họ tới đây là để tìm địa chi, chứ không phải đi xem bích hoạ.

Các đại thi nhân thời Đường đã từng làm thơ về quang cảnh Ngọc Môn quan: “Hoàng Hà xa thượng bạch vân gian/ một mảnh cô thành vạn nhận sơn/ Khương địch không cần oán dương liễu/ xuân phong không độ Ngọc Môn quan.”

Nơi này ở đầu nguồn Hoàng Hà, nối liền với Kỳ Liên sơn, cái gọi là ‘cô thành’ chính là chỉ tòa thành quân sự ở biên giới, Khương địch là một loại nhạc khí của Khương tộc, bài thơ này thể hiện sự hoang vu của Ngọc Môn quan, cũng cho biết hai người muốn tìm hiểu về Khương tộc và Bành tộc thì có thể tìm ở ngay khi khu vực này.

Ngay kề Ngọc Môn quan có một trấn nhỏ biên thùy. Trấn thật sự nhỏ, nhà cửa đều bằng đất, không gạch không ngói, nhưng nhân số không ít, vì nơi này là điểm cuối con đường tơ lụa và là điểm tiếp tế, trừ cư dân bản địa thì người ngoài ở đây cũng rất đông, rất nhiều lạc đà, và bất ngờ chính là, ở đây cũng không thiếu người ngoại quốc.

Hai người đến trấn là lúc chạng vạng tối, Tả Đăng Phong dạo qua một vòng, thấy ở đây có bốn loại cửa hàng.

Loại thứ nhất là cửa hàng bán vũ khí, đao kiếm, chế tạo binh khí, có cả một ít súng ống kiểu cũ thượng vàng hạ cám.

Loại thứ hai là tiệm cơm, ngoài cửa treo đầy thịt dê bò, khách muốn ăn chỗ nào thì cắt ngay chỗ ấy.

Loại thứ ba là nhà thổ. Ở đây có một nhà thổ rất lớn, trong đó có những cô gái trong nước nhỏ nhắn xinh xắn, nhưng lại có sống mũi cao, mắt xanh lam của người nước ngoài.

Loại thứ tư là những chỗ cho thuê lạc đà và ngựa, cho thuê cả người làm hướng đạo.

Loại cửa hàng ở nơi nào chính là do nhu cầu sinh hoạt của cư dân ở nơi đó quyết định, nơi này ở xa chính phủ, đao thương cần phải có để phòng thân, tiệm cơm là nhất thiết, vì là người thì phải ăn cơm, nhà thổ to rộng chứng tỏ áp lực sống ở đây rất lớn, cần phải có nơi phát tiết, nhà trọ là để cho khách qua đường dừng nghỉ trước khi đi về phía tây tiến vào sa mạc hoặc xuôi nam tiến vào cao quật.

Hai người ăn mặc và mang theo mèo chuột tuy quái dị, nhưng lại chẳng mấy ai chú ý, vì nơi này đã quen nhìn thấy đủ loại khách qua đường cổ quái.

Ở đây, cả dân địa phương lẫn khách qua đường đều mang theo dao súng, có người mặc đồ như thợ săn, cả cánh tay để trần, ánh mắt nhìn người khác như hung thần, chỉ cần một lời không hợp, hay một ánh mắt không thiện ý, sẽ đều có thể làm họ rút dao ra tử chiến.

Ở đây thường có gió to, vì trên mặt đường có không ít cát vàng, cát vàng ban ngày bị mặt trời chiếu vào, đến tối tỏa nhiệt nóng hực làm cho tim người ta đập nhanh, tính tình trở nên dễ bực bội, cáu kỉnh, cả trấn nhỏ đều ở trong không khí bực bội, cực kỳ nguy hiểm.

Tuy vậy, trên đường lại không ai lớn tiếng hay gây ra tiếng động lớn, điểm này làm Tả Đăng Phong rất hài lòng, người trong nước thích nhất là tụ tập bàn tán om xòm, nhưng ở đây lại không có loại thói quen này, thực là hiếm có, có lẽ là vì ai ở đây cũng đều biết rõ mình đang tìm cái gì, muốn cái gì, nên chẳng ai bận tâm đến những chuyện không liên quan, không có lợi cho mình, chỉ có những kẻ rảnh rỗi chẳng có việc gì làm, thiếu kiến thức mới lớn tiếng ồn ào, sợ người khác không biết mình nông cạn và lộn xộn.

Dạo qua một vòng, Tả Đăng Phong và Thiết Hài đi vào một tiệm cơm, Tả Đăng Phong vừa mới khen ngợi trong lòng nơi này người không ồn ào, thì vào tiệm cơm đã lập tức phải cau mày, vì mười cái bàn lớn trong quán ăn rất ầm ĩ, không ít người uống nhiều quá đang khoa tay múa chân la hét múa may, người thích uống say có thể chia làm hai loại, một là thích cảm giác tự đại khi say, hai là để giải sầu trong lòng, mà bất kể là loại nào, chỉ cần uống quá nhiều thì đều sẽ trở nên thất thố, tổng thể mà nói rượu là một thứ hướng người ta về phía ác, từ xưa người ta đã gọi tửu sắc tài vận là tứ đại cực ác.

"Ăn cái gì?" Một người phụ nữ trung niên cao lớn thô kệch đi tới, nhan sắc đã khó coi, ngữ khí lại khó nghe.

"Có rau không?" Tả Đăng Phong hỏi, Thiết Hài từ Tụ Tiên Lâu cầm theo một con heo nướng, nặng hơn mười cân, mấy ngày nay hai người đã toàn ăn thịt.

"Không." Người phụ nữ đầy vẻ khinh bỉ, không biết vì quần áo của Tả Đăng Phong tơi tả hay vì nghĩ lầm hắn đang giả vờ nhã nhặn.

"Có mì không?" Tả Đăng Phong nhìn quanh, thấy bàn nào cũng toàn là thịt.

"Không, chỉ có mấy thứ ở ngay cửa kia thôi." Người phụ nữ sắp mất kiên nhẫn.

"Vậy cho hai cân thịt dê a, và một vò rượu." Tả Đăng Phong lắc đầu.

"Tự tìm một cái bàn chờ." Người phụ nữ quét Tả Đăng Phong một vòng, xoay người bỏ đi.

Tả Đăng Phong rất muốn chửi thề, người này thực là quá đáng, hắn là ăn cơm trả tiền, đâu phải tới xin bố thí, mắc cớ gì phải bị người ta coi thường? nhưng khi người phụ nữ quay người đi, hắn lại thấy hết giận, vì hắn nhìn thấy trên quần áo của bà đầy dấu tay, nhất là ở đùi và mông. Nếu người này mà đẹp chắc chắn sẽ không thoát được độc thủ, nếu thái độ tốt thêm một ít, chắc mông đùi của bà đã bị đám thực khách vô lương kia bóp nát rồi.

Thế nên Tả Đăng Phong chẳng những không tức giận, mà còn bĩu môi cười, Phật Môn bảo chúng sinh ngang hàng, còn Đạo gia cho rằng người phân sang hèn, giờ xem ra Đạo gia hiểu về thực tế hơn Phật Môn, một cô gái như vậy mà còn có người không chê, có thể thấy cuộc sống của đám đàn ông tầng dưới chót xã hội này thực là không hề kén ăn.

"A Di Đà Phật, dân phong nơi này thực là quá thiếu dạy bảo." Thiết Hài đi theo Tả Đăng Phong vào một bàn trong góc.

"Nơi này phong bế mà độc lập, nên tính tình con người ở đây bộc tuệch và thô lỗ." Tả Đăng Phong ngồi xuống nhíu mày, bàn bẩn, ghế cũng bẩn, may mà nơi này rất khô ráo, nếu ẩm ướt thì sẽ rất dễ sinh ra dịch bệnh.

"A Di Đà Phật, đêm nay chúng ta ở đâu?" Thiết Hài hỏi, ông đã cùng Tả Đăng Phong đi quanh trấn một vòng, không thấy có nhà trọ hay khách sạn nào.

"Có tiền thì ở nhà thổ, không tiền thì tới ở chung với Lạc Đà." Tả Đăng Phong trả lời.

"Chúng ta tìm nhà nông nghỉ đi, cho người ta ít tiền." Thiết Hài lo lắng, càng lên Tây Bắc cát càng nhiều, hai người đã từng nghỉ ngơi ngoài trời, nửa đêm gió thổi, khổ không thể tả.

"Ở đây làm gì có nhà nông, tí nữa tôi đưa ông tới nhà thổ." Tả Đăng Phong cười.

"A Di Đà Phật, đừng đùa với lão nạp." Thiết Hài vội lắc đầu nguầy nguậy.

"Tôi đâu có đùa, ông là cao tăng Phật Môn, chẳng lẽ không tin vào định lực của mình hay sao." Tả Đăng Phong khoái chí, hắn thật sự là muốn tới nhà thổ, ở đó giường ngủ nhất định là rất thoải mái, hơn nữa hắn cũng tò mò muốn xem mấy cô gái tóc vàng mắt xanh.

"Sắc đẹp đều là xương trắng, phụ nữ đều là khô lâu, chỉ cần trong lòng có phật, Địa Ngục lão nạp cũng dám đi." Thiết Hài không phục.

Người phụ nữ đã mang tới đĩa thịt dê, tay trái xách một vò rượu, bỏ phịch xuống bàn, chống nạnh trừng mắt nhìn hai người.

Tả Đăng Phong lúc đầu không hiểu, sau mới nghĩ ra nơi này phải trả tiền trước khi ăn.

"Không cần thối." Tả Đăng Phong mỉm cười, móc một thỏi vàng nhỏ ra trả.

Người phụ nữ kinh ngạc, nơi này tuy có khách hào phóng, nhưng không ai hào phóng như Tả Đăng Phong, nên hơi ngần ngừ rồi mới nhận thỏi vàng quay đầu đi.

Thiết Hài đã quen phong cách của Tả Đăng Phong, trên đường đi câu nói Tả Đăng Phong dùng với người ngoài nhiều nhất chính là câu 'Không cần thối', song Thiết Hài cũng không yêu cầu Tả Đăng Phong tiết kiệm, vì ông bố thí cho người nghèo còn nhiều hơn cả Tả Đăng Phong, đi theo Tả Đăng Phong, Thiết Hài đã trở thành thí chủ.

Một quán ăn nếu thường ngày chỉ chuyên bán có mấy món ăn, thì hương vị chắc chắn sẽ vô cùng ngon, thịt dê nấu vừa tới, vừa non vừa mềm lại rất thơm, rượu thì vừa nồng vừa cay, uống vào cổ nóng rực, Tả Đăng Phong uống một ngụm phải cau mày, nhưng đàn ông ai cũng thích sự khiêu chiến này, nên hắn làm liền hai hớp, vô cùng thống khoái.

Người phụ nữ quay lại, mang cho hai chén mì sợi, và một bọc giấy nhỏ, Tả Đăng Phong mở bọc giấy, thấy bên trong là một ít cà chua mới hái.

"Cám ơn đại tỷ." Tả Đăng Phong vội cảm ơn, tiền có thể đổi được rất nhiều thứ, nhưng tiền cộng với nụ cười với đổi được sự thật tình tương đối.

Người phụ nữ nở nụ cười lần đầu tiên, xoay người rời đi.

Tả Đăng Phong cầm đũa xúc mì chuẩn bị ăn, nhưng ngay lúc đó, một người tính tiền chuẩn bị rời đi đã nói một câu làm hắn chú ý.

yikimasyo là một câu tiếng Nhật, nghĩa là 'Đi thôi'

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.