Cấm Động Tâm

Chương 2: 2: Hiểu Nhầm




Tối đến, sau khi ăn tối xong, mọi người ngồi lại nói chuyện. Ngô thị hỏi chuyện về việc có nên thu mua đất đồi hoang ở đây, hay phải chờ tìm thôn trang có sẵn muốn bán. Dương lão gia tử lên tiếng trả lời:" Đất khu vực đó có hơi cằn, nếu thu mua cũng không phải là không được, nhưng việc cải tạo đất sẽ mất rất nhiều thời gian".

Lâm Hải bổ sung thêm:" Khu đất đó là đất thuộc quyền sở hữu của huyện nha, nếu con thực sự có ý tưởng gì cho khu đất đó mà có lợi ích cho dân thì chúng ta không hề mất tiền mua lại khu vực đó. Nhưng sau này khu đó có khả năng sẽ trở thành đất thuộc quền sở hữu của hoàng thất chứ không phải đứng trên danh nghĩa của con".

Ngô thị nghe vậy thì nói:" Vậy thì thôi đi, dù sao chúng ta hiện tại cần khu vực có thể gieo trồng được ngay, lại nói nếu chúng ta bỏ công sức vào đó mà không chắc sẽ là của mình, như vậy có phải phí công vô ích không!"

Dương Trí lại nói:" Thưa bà ngoại, người mới nghĩ về phía mất đi lợi ích vật chất của việc chúng ta cải tạo đất hoang thành đất trồng. Nhưng nếu nói về lợi ích danh tiếng cho Lâm dượng, cho Dương gia thì lại không nhỏ".

Dương lão gia tử muốn hiểu cặn kẽ hơn, nên hỏi:" Lời con nói giải thích như thế nào?"

Dương Trí hiểu biết thế nào về việc này thì nhất nhất nói ra cho mọi người nghe:" Dạ, thưa ông ngoại, theo con tìm hiểu thì một khu đất hoang được cải tạo thành đất trồng, nếu Lâm dượng viết ra bản tấu sớ trình bày về việc này gửi lên quan trên, nếu mọi việc thuận lợi thì phía trên sẽ phê chuẩn một số ngân lượng nhất định giúp huyện nha thúc đẩy cho việc thuận lợi hơn. Nhưng nếu không được thông qua, hoặc ngân khố không đủ thì Lâm dượng có thể tìm một số thương nhân hoặc kêu gọi những gia tộc lớn chi ngân lượng giúp đỡ. Nếu mọi việc thành công thì danh tiếng của Lâm dượng quả thực không nhỏ, rất tốt cho việc thăng quan ba năm một lần. Lại nói, Dương gia chúng ta nếu cùng góp vốn hoặc giả góp sức và được Lâm dượng công khai công bố và viết kèm bản sớ trình lên sau khi mọi thứ tiến triển thuận lợi thì không phải một nhà chúng ta "nước lên thì thuyền lên" rồi sao!"

Dương lão gia tử nghe tới đây thì nhìn Lâm Hải nói:" Chính con cũng rõ chuyện này đúng không?"

Lâm Hải đứng lên thưa:" Nhạc phụ, con quả thực biết, nhưng con đang suy tính làm bản sớ như thế nào cho thuyết phục rồi mới trình bày với người".

Mẫn Trúc nãy giờ ngồi nghe thì hiểu ra, Nguyệt quốc này thực sự rất không tồi, lại có thể giúp dân khai hoang đất để trồng trọt như vậy. Bây giờ Mẫn Trúc mới góp ý kiến:" Tại sao cha không cho biểu ca cùng các ca ca có cơ hội giúp sức. Cha cứ để mỗi người viết một bản, biết đâu cha nhận được nhiều ý hay có lợi cho chúng ta thì sao?"

Dương lão gia tử gật đầu cười ha ha:" Vẫn là Mẫn Trúc nhà chúng ta thông tuệ, vậy mấy người nhỏ các con mau giúp một chút sức đi!"

Tất cả đều nhất nhất thưa vâng, sau đó Dương lão gia tử cho mọi người đi nghỉ ngơi. Ngô thị thấy vậy thì nhắc Mẫn Trúc:" Trái dâu tằm của con hôm nay ta cùng nương con và nhị cữu mẫu đã phơi giúp con, giờ con muốn làm gì với số dâu tằm đó đây?"

Mẫn Trúc cười ngọt ngào nói với Ngô thị:" Bà ngoại yên tâm, lúc chiều con đã hướng dẫn Xuân Trà ướp chế chúng rồi, ló lẽ giờ này Xuân Trà cũng đã làm gần xong rồi".

Ngô thị cười gật đầu:" Được rồi, mọi người đi nghỉ ngơi đi, hôm nay cũng đã mệt mỏi cả ngày rồi".

Mấy huynh đệ thi lễ với trưởng bối rồi ai về viện người đó, Trần thị cùng Mẫn Trúc đi về viện của Mẫn Trúc, hai người vừa đi vừa vui vẻ nói chút chuyện vườn trà. Trần thị vừa nói chuyện với Mẫn Trúc vừa cảm khái trong lòng " tiểu cô nương nhà tiểu cô quả là thông tuệ hơn người, mới bảy tuổi mà ngôn hành, cử chỉ thật như một người từng trải vậy".

Về tới viện, Mẫn Trúc bước tới gian phòng nhỏ phía sau thì thấy Xuân Trà đang đậy nắp từng hũ rượu ngâm dâu tằm. Mẫn Trúc lên tiếng:" Xuân Trà tỷ vất vả rồi!"

Xuân Trà cười nói:" Tiểu thư khách khí, đây là bổn phận của nô tỳ, mà so với chúng nô tỳ thì tiểu thư người còn vất vả hơn!"

Mẫn Trúc cười hỏi sang chuyện khác:" Tỷ có muốn ra ngoài ở không?"

Xuân Trà nghe vậy thì hốt hoảng quỳ xuống:" Là nô tỳ lỡ lời, xin tiểu thư cứ trách phạt. Nhưng van cầu tiểu thư đừng đuổi nô tỳ". Nói xong bắt đầu nước mắt lưng tròng nhìn Mẫn Trúc.

Mẫn Trúc vạch đen đầy đầu, nàng đang hỏi chuyện ra ngoài ở, lời nào của nàng nói đuổi Xuân Trà đâu? Mẫn Trúc lên tiếng giải thích:" Ta không phải đuổi tỷ, ta là muốn hỏi tỷ có muốn ra ngoài giúp ta làm việc? Tỷ đứng lên rồi nói chuyện đi".

Xuân Trà nghe không phải tiểu thư đuổi mình đi thì lau nước mắt, nhưng vẫn không dám đứng lên nói:" Tiểu thư có gì cứ phân phó, nô tỳ tuyệt không cãi lời người".

Mẫn Trúc bật cười:" Tỷ đứng lên đi, ta đã nói đừng động một chút là quỳ, ta không quen nhìn người khác quỳ lạy mình". Đợi Xuân Trà đứng lên, Mẫn Trúc đi về phía phòng ngủ của nàng, Xuân Trà vội bước theo phía sau.

Lúc đi ngang qua phòng Trần thị, Mẫn Trúc thấy nhị cữu mẫu vẫn ngồi trước đèn may vá thì lên tiếng khuyên:" Nhị cữu mẫu, người nên nghỉ ngơi sớm một chút. Áo này ngày mai trời sáng người lại tiếp tục làm, bây giờ tối rồi, người làm vậy sẽ hại tới mắt".

Trần thị buông việc may vá trên tay xuống nhìn Mẫn Trúc cười nhẹ nhàng:"Được, nhị cữu mẫu nghe lời con. Ngược lại là con cũng nên nghỉ ngơi cho tốt đi, thật không hiểu sao tiểu cô nương như con lại bận nhiều chuyện đến vậy".

Mẫn Trúc vui vẻ nói:" người nhìn thì thấy vậy thôi, thực ra con đi học cầm cũng không tốn sức, cũng chỉ là ngồi nghe sư phó giảng thôi. Còn mấy việc lặt vặt con cũng chỉ nói, mọi người động thủ là chính. Còn về học võ, tuy rằng có mệt thân thể nhưng sức khỏe của con cũng tốt hơn nhiều. Người cũng biết... Hồi bé do con bị sinh non mà cơ thể bệnh quanh năm..." Nói tới đây Mẫn Trúc không nói nữa.

Trần thị cũng thở dài:" Con là tiểu hài tử thông minh, nhị cữu mẫu cũng nghĩ con sẽ tự biết chăm sóc bản thân mình. Thôi con về phòng nghỉ ngơi sớm đi, sáng ngày mai còn cùng các ca ca và biểu ca luyện quyền nữa".

Mẫn Trúc thi lễ với Trần thị rồi trở về phòng của mình, Xuân Trà giúp Mẫn Trúc rửa mặt xúc miệng, thay xiêm y. Sau đó chủ tớ hai người mới đề cập đến chuyện giang dở lúc ở phòng ủ rượu.

Mẫn Trúc nhìn Xuân Trà rồi lên tiếng:" Ta muốn tỷ ra ngoài ở là để giúp ta làm việc, thuận tiện cho các công việc sau này. Lúc trước tỷ có nói mong muốn đệ đệ của tỷ được đọc sách, bây giờ ta có ý như thế này. Tỷ nghe thử xem có được không rồi trả lời cho ta biết".

" Có gì tiểu thư cứ phân phó, nô tỳ tuyệt không từ chối"- Xuân Trà biểu hiện lòng trung thành.

Mẫn Trúc lắc đầu:" Không, kì thực việc này không nhỏ. Một khi ta nói ra, nếu tỷ và ta để người khác biết được kế hoạch này, con đường về sau của nhà ta coi như khó toàn vẹn. Tuy ta và tỷ tiếp xúc qua không quá một năm, nhưng tình thế hiện nay ta chỉ có một lựa chọn, đó là tin vào người bên cạnh mình. Ta nói những lời này, hy vọng tỷ hiểu mức độ nghiêm trọng mà việc ta giao cho tỷ".

Xuân Trà nghe Mẫn Trúc nói vậy thì trong lòng bắt đầu sợ hãi. Tiểu thư của nàng đang tính toán gì mà không ai được biết đây? Không có cái gì nguy hiểm chứ?

Mẫn Trúc như hiểu được băn khoăn của Xuân Trà nên tiếp tục nói:" Ta chỉ là muốn giúp toàn gia một chút, không có cái ý tứ hại người, hại mình. Tỷ cũng biết câu " thỏ khôn có ba hang" chứ? Ta có những việc mà không muốn thực hiện lộ liễu, gây chú ý ảnh hưởng đến cục diện hiện tại của toàn gia".

Xuân Trà nghe Mẫn Trúc nói cũng hiểu không phải tiểu thư muốn làm chuyện hồ đồ gì thì cũng vững tâm lại:" Tiểu thư, xin người cứ phân phó, nô tỳ tuyệt không hai lòng. Tuy nô tỳ quê mùa thô thiển, nhưng cũng hiểu được tiểu thư trước giờ chưa từng xem chúng nô tỳ là thân phận hèn mọn. Chỉ duy điều đó cũng đủ nô tỳ cảm kích tiểu thư, nói gì đến người còn dạy chúng nô tỳ học chữ, học đạo lý. Người không chỉ là chủ mà còn là ân nhân của nô tỳ, tiểu thư cứ phân phó, nô tỳ sẽ theo ý người mà làm".

Mẫn Trúc lắc đầu:" Một mình tỷ không thể làm được, ta trước khi nói chuyện này ra, ta muốn tỷ về hỏi cha nương tỷ xem có muốn chuyển tới An Thành này ở hay không? Lại nói, điều kiện nơi này tốt cho việc đệ để tỷ tới học đường".

Xuân Trà tuy không thực rõ kế hoạch của Mẫn Trúc, nhưng thấy nàng muốn tạo điều kiện cho toàn gia đoàn tụ, thì trong lòng nàng có chút kích động. Ai mà không muốn có gia đình thân thuộc bên cạnh chứ? Xuân Trà sau vài phút kích động qua đi, nàng khẽ nâng mắt nhìn Mẫn Trúc, thấy Mẫn Trúc vẫn im lặng chờ câu trả lời mà không một chút nôn nóng. Xuân Trà khẽ giật mình nghĩ " tiểu thư xác thực năm nay mới bảy tuổi, không biết chính bản thân lúc bảy tuổi còn ngây ngây ngô ngô giúp nương việc nhà, làm gì suy nghĩ được như tiểu thư?" Nghĩ vậy nàng lại lắc lắc đầu " thực bây giờ số tuổi gấp đôi tiểu thư cũng không giỏi như nàng ấy".

Xuân Trà nội tâm nghĩ một vòng lớn rồi mới trả lời Mẫn Trúc:" Nhà nô tỳ cách nơi này khá xa, nếu cả đi cả về nô tỳ nghĩ cũng mất khoảng hơn ba tháng. Vì có khi đường núi đá, xe ngựa không qua được.

Mẫn Trúc cau mày, nàng hỏi:"" không có đường thủy dẫn đến thôn của tỷ sao?"

Xuân Trà nghe Mẫn Trúc hỏi thì lắc đầu:" Nô tỳ không biết, lúc bị bán thì nô tỳ theo người môi giới đi đường núi hết ba mươi bảy, ba mươi tám ngày".

"Vậy nhà tỷ ở nơi nào?" Mẫn Trúc kì quái hỏi.

Xuân Trà nói địa chỉ quê nhà: " Quê nô tỳ ở phí bắc, có trấn gọi là Thanh Thạch trấn, sau khi tới đó rồi băng qua một dãy núi đá thì tới thôn nhà nô tỳ, nơi đó gọi là Ngưu gia thôn".

Mẫn Trúc gật đầu:" Mai ta sẽ hỏi mọi người có cách nào đi tới đó nhanh hơn không. Thôi, tỷ cũng nghỉ ngơi đi, ngày mai lại nói tiếp.

Xuân Trà giúp Mẫn Trúc buông màn, sau đó cũng lặng lẽ ra phòng ngoài ngủ.

Mẫn Trúc lúc này có trăm điều suy nghĩ, nàng tự hỏi bản thân đặt cược tin tưởng người khác như vậy rốt cuộc là có an toàn không? Nhưng không như thế thì sao? Nàng mang hình hài của hài tử bảy tuổi, lại còn là tiểu cô nương, nơi nào nàng có thể tự mình xông pha đây? Từ trước tới giờ không phải cha nương, mấy ca ca cùng một nhà Dương gia che gió, chắn mưa cho nàng thì làm gì nàng được tự do tự tại mà làm những chuyện kì quái như thế này. Nếu bản thân không làm gì để giúp chút sức cho mọi người thì chính nàng lại không cam tâm. Mẫn Trúc xoay người thở dài " thôi đi từng bước tính từng bước vậy". Sau đó dần dần chìm vào giấc ngủ.

Xuân Trà ở giường ngoài đích xác sau khi nghe lời nói của Mẫn Trúc thì càng là kích động không ngủ được. Nàng hy vọng đệ đệ của mình có thể đọc sách, không cầu công danh nhưng sau này cuộc sống sẽ tốt hơn. Nghĩ tới về sau được cùng người nhà trải qua, đệ đệ biết chữ, bản thân nàng có thể đỡ đần cha nương, Xuân Trà càng hưng phấn đến nỗi trong đêm tối tự cười khúc khích một mình. Cũng may tất cả mọi người đều đã ngủ say, nếu không sẽ bị tiếng cười kìm nén trong đêm của Xuân Trà dọa cho hết hồn.

Một hồi kích động qua đi, Xuân Trà lại nghĩ tới ngày tháng ở quê nhà. Lúc đó chỉ một hai nhà trong thôn có chút dư giả, còn lại tất cả mọi người đều là ăn không đủ no. Xuân Trà xa nhà đã gần ba năm, bây giờ ở nơi nàng sinh ra không biết đã là quang cảnh gì, mọi người sống có tốt lên không? Nghĩ tới đây lòng nàng lại cảm thấy nặng nề, chỉ hy vọng tiểu thư có thể nhanh chóng hỏi giúp nàng đường về quê nhà để nàng có dịp thăm lại thân nhân của mình.

Tâm tình của Xuân Trà cứ qua lại giữa hy vọng và chờ mong mà qua một đêm. Đến khi trời muốn chuyển sáng, Xuân Trà coi như một đêm không ngủ bắt đầu dậy chuẩn bị quần áo cho Mẫn Trúc dậy luyện quyền.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.