Cách Sinh Tồn Ở Thế Giới Lộc Đỉnh Ký

Chương 20: Vấn đề cấp thiết




Một buổi sáng đẹp trời.

Ánh dương quang chiếu xuống ngàn hạt sương đêm còn đọng lại trên hoa lá, trong khu vườn về phía tả tòa Đạn Kiếm lâu.

Yến Thiên Y vận bộ y phục màu nguyệt bạch, giày đồng màu, tay cầm bình phun nước tưới hoa.

Nhìn chàng, ai cũng có cảm tưởng chàng là một con người sung sướng nhất đời, sanh ra trên thế gian là để hưởng thụ mọi hoan lạc, đếm chuỗi ngày trong nhàn hạ thảnh thơi.

Chợt, có tiếng cười khan khan vang lên ở phía sau chàng, tiếng cười phát xuất từ đầu hành lang vọng lại.

Rồi một âm thinh khàn khàn, tiếp nối :

- Khôi Thủ có nhã hứng quá!

Yến Thiên Y quay đầu lại, bật cười lớn, đáp :

- Tại hạ cứ tưởng là ai! Không ngờ là vị Đại y sư của bọn này!

Người đó, tác độ ngũ tuần, thân cao, vóc ốm, mặt dài, làn da điểm xuyết những u nần nho nhỏ, mắt lồi ra như mắt cá, mũi lớn và tẹt, môi dày, đầu chít khăn văn sĩ, mớ tóc ló ra ngoài khăn bạc trắng, chứng tỏ cái già đã đến hơi sớm.

Buông chiếc bình xuống đất, Yến Thiên Y bước tới nghinh đón.

Song phương cùng vươn tay, bốn bàn tay nắm lại, cùng siết chặt.

Bàn tay của khách có những ngón xương tay quá dài, ngoài đầu ngón còn có móng dài, tăng gia cái dài đã quá cỡ của bàn tay. Thành thử hai tay giống như tay quỷ quái.

Người đó, là một nhân vật đại hữu danh trên giang hồ đương thời, tên Thạch Ngọc, ngoại hiệu Quỷ Thủ Lang Trung.

Vặc vặc tay Thạch Ngọc, Yến Thiên Y hỏi qua niềm hứng khởi đầy nhiệt tình :

- Một năm rồi chứ, không phải Đại y sư? Một năm qua rồi, chúng ta mới gặp mặt lại nhau. Hôm nay, ngọn gió nào đưa Đại y sư đến đây?

Thạch Ngọc cười nhẹ, hai hàm răng vừa không đều vừa đen đui đủi, đáp :

- Nhớ nhau lắm chứ! Đã mấy lượt chuẩn bị đến đây thăm viếng Khôi Thủ, nhưng lần nào cũng bị trở ngại, rồi bỏ luôn! Nghĩ mà chán thật, hầu như không có lúc nào huynh đệ rỗi rảnh cả.

Yến Thiên Y tặc lưỡi :

- Chừng như Thạch lão hữu ốm hơn năm xưa đấy! Cứ ốm mãi như thế này, thì cuối cùng rồi cũng đến nhuốm bịnh đấy nhé! Đừng tưởng con ma bịnh ngán sợ các y sư mà lầm! Ma bịnh mà được tử thần ủng hộ thì thánh nó cũng chẳng ngán sợ! Bảo trọng chứ, Thạch lão hữu! Cái lẽ trăm năm nào mấy chốc, bằng mọi cách chúng ta phải đi trọn chu kỳ, không nên nửa chừng bỏ cuộc. Cái phương thập toàn đại bổ, lão hữu bỏ đâu, mà không mang ra dùng, để duy trì cân lượng?

Nơi khóe mắt, ẩn ước có niềm u uất, Thạch Ngọc điểm phớt một nụ cười :

- Thập toàn đại bổ không dùng được đối với tâm bịnh. Khôi Thủ ạ! Mọi bịnh chứng trên đời đều chào thua trưóc một Thạch Ngọc này, nhưng Thạch Ngọc lại chào thua trước tâm bịnh. Hôm nay, Khôi Thủ cho rằng huynh đệ ốm, nhưng năm năm, mười năm về trước, có khi nào huynh đệ phát phì đâu?

Sợ rơi vào một dĩ vãng âm u, Yến Thiên Y nhoẻn miệng cười, chuyển hướng câu chuyện sang đề tài khác :

- Đứa bé hiện giờ ra sao?

Thạch Ngọc cười khổ :

- Mạnh giỏi như thường! Nó là lẽ sống của bổn nhân đó, Khôi Thủ. Bổn nhân đã và mãi mãi làm bất cứ cái gì có thể làm cho nó, chu đáo hơn mẹ nó, nếu bà ấy còn sống sót đến ngày nay...

Yến Thiên Y quăng ánh mắt về phía Hùng Đạo Ngươn đang đứng nơi đầu kia hành lang quở :

- Hôm nay hồn phách ngươi để đâu, mà Thạch lão hữu đến, ngươi không mở rộng cửa lớn nghinh tiếp, thông báo với ta kịp thời? Ngươi biết chứ, Thạch lão hữu là khách quý của chúng ta mà?

Hùng Đạo Ngươn kinh hãi, hấp tấp đáp :

- Khôi Thủ trách oan, Thạch tiên sanh...

Thạch Ngọc cười ròn chận lời :

- Oan cho Đạo Ngươn lão đệ thật đấy, Khôi Thủ! Chính lão phu ngăn chận, không cho thông báo đấy. Mình có phải là xa lạ gì với nhau đâu? Hỏi ra, biết Khôi Thủ ở phía sau này, lão phu tiện chân đi luôn đến đây, cần gì phải vào phòng khách, ngồi chờ đợi bực bội.

Yến Thiên Y cau mày :

- Cái lễ, không thể bỏ, Thạch lão hữu!

Thạch Ngọc cười hì hì :

- Nhưng giữ lễ quá, thành ra khách sáo, kém thành thật! Huống chi, đâu phải là lần đầu lão phu đến đây.

Nắm cánh tay Thạch Ngọc, Yến Thiên Y vừa đi vừa hỏi :

- Một năm rồi, lão hữu mạnh giỏi chứ?

Thạch Ngọc gật đầu :

- Nhờ trời, lão phu ăn được, ngủ được. Ngày chữa bệnh, đêm đọc sách, rất ít khi bước ra khỏi cổng.

Yến Thiên Y tiếp :

- Thỉnh thoảng cũng phải ôn lại mấy vòng côn chứ! Những ngón nghề của lão hữu đâu phải hèn kém? Có thể kể là tuyệt học đó nhé.

Thạch Ngọc chợt thở dài :

- Lão nghe chán cái lối sinh hoạt đẫm máu đó rồi. Khôi Thủ ơi, cho nên, bao nhiêu công phu học được, lão phu hầu như quên lãng mất, mấy lúc sau này, hầu như không hề ôn tập lại.

Yến Thiên Y lắc đầu :

- Bỏ phế công phu là sai đấy, lão hữu. Mình là người của giang hồ, thì làm sao tránh né được sự việc của giang hồ? Một khi xuất đạo rồi, là phải đi theo luôn, dù có bỏ dở mà tìm nơi quy ẩn, sự việc giang hồ cũng chẳng buông tha chúng ta, bởi giang hồ là nơi ân oán triền miên, truyền đời, lưu kiếp, lão hữu đừng mong dứt khoát dễ dàng. Thì dù muốn dù không, lão hữu cũng còn phải nghĩ đến lẽ tự tồn. Tự tồn là tự vệ, do đó cần phải thời thường ôn luyện phương pháp tự vệ. Nhất định không thể bỏ phế công phu!

Thạch Ngọc chớp mắt tiếp :

- Nói đến sự việc giang hồ, thì phải kể thành tích của Khôi Thủ! Đại Sum phủ có oai vọng là thế, mà gặp tay Khôi Thủ là rồi, là tan rã như khối tuyết dưới ánh thái dương! Đáng phục Khôi Thủ thật!

Yến Thiên Y mỉm cười :

- Mình ở trong chỗ tối, họ ở ngoài chỗ sáng, dĩ nhiên mình dễ chiếm thắng lợi, lão hữu. Bất quá, tại hạ dùng tiểu xảo, thì có danh vọng gì?

Thạch Ngọc lắc đầu :

- Khôi Thủ khách sáo quá!

Yến Thiên Y vụt cười vang :

- Con người mà! Khiêm nhượng là một đức tánh chẳng những tốt, mà lại còn cần thiết nữa đấy!

Họ vào gian phòng khách trong Hắc Vân lâu tìm ghế ngồi, không đợi mời.

Thạch Ngọc hỏi :

- Hôm nay, Khôi Thủ có bận chuyện gì chăng?

Yến Thiên Y đáp :

- Có một cuộc hội nghị thường lệ, nhưng tại hạ có thể ủy cho Đồ Trương Mục thay thế điều khiển. Nếu lão hữu cần, tại hạ có thể dành trọn hôm nay cùng chung vui với lão hữu.

Thạch Ngọc hỏi :

- Khôi Thủ có thường xuất ngoại chăng?

Yến Thiên Y đáp :

- Có chứ, nhưng chỉ để xúc tiến công việc, hoặc thù tạc thân hữu thôi, thực ra, tại hạ không được nhàn rỗi lắm để nghĩ đến những cuộc du ký, tiêu khiển.

Rồi chàng tiếp luôn :

- Tuy nhiên, nếu hôm nay, quý hữu cần có tại hạ bầu bạn làm một vòng du ngoạn, thì tạ hạ hoan nghinh lắm.

Trầm ngâm một chút, Thạch Ngọc lắc đầu :

- Thôi, để khi khác. Nếu hôm nay, huynh đệ rủ Khôi Thủ đi, thì chẳng hóa ra huynh đệ gây sự trở ngại sinh hoạt của quý xã...

Yến Thiên Y khoát tay :

- Nói chi điều đó, lão hữu! Đã là huynh đệ với nhau, lâu lâu mới gặp nhau một lần, dù cho việc quan trọng đến đâu, cũng phải thu xếp lại đó, để tiếp đãi nhau tận tình mới phải chứ, huống chi cuộc họp này chẳng có gì quan trọng. Bất quá là một cuộc họp thường lệ, tại hạ có thể giao cho Đồ Trương Mục liệu lý được mà.

Chàng hỏi :

- Lão hữu muốn đi đâu, cho tại hạ biết được không?

Thạch Ngọc đáp :

- Hổ Lâm Sơn, Ngọc Bảo tuyền, nơi đó có xa lắm không?

Yến Thiên Y thoáng sững sờ, nhưng cười ngay, kêu lên :

- Hổ Lâm Sơn cách Sở Giác Lãnh ba trăm dặm đường. Còn Ngọc Bảo tuyền thì xa hơn nữa, cách đây ít nhất cũng bốn trăm dặm. Tại hạ cứ tưởng lão hữu đi vòng vòng quanh khu Sở Giác Lãnh này thôi chứ?

Thạch Ngọc thốt :

- Nếu Khôi Thủ thấy bất tiện, vì lộ trình quá dài, thì thôi vậy.

Yến Thiên Y lắc đầu :

- Làm gì có việc bất tiện? Ba, bốn trăm dặm đường phỏng có là bao? Nếu mình dùng ngựa khỏe, vừa đi vừa về, vừa thưởng ngoạn thắng cảnh, bất quá chỉ mất năm, sáu hôm là nhiều. Nhân dịp này, tại hạ tự cho mình nghỉ phép một thời gian, để xuất ngoại nhàn du, cho lòng khuây khỏa một chút. Thú thật với lão hữu, trong mấy năm sau nầy, tại hạ mãi bận việc chém giết, không ngày nào là không động thủ, không gây đổ máu, thành thử chán đến lợm giọng, vậy sẵn tại hạ cần tìm thú tiêu khiển, như tạm thời ky khai khung cảnh nhuộm máu hồng...

Chàng cao giọng gọi :

- Hậu Đức đâu?

Thôi Hậu Đức bước vào.

Chàng bảo :

- Cho nhà bếp hay, chuẩn bị cuộc rượu đãi khách quý. Đồng thời, ngươi cũng thu xếp những thứ cần thiết cho ta xuất du năm, sáu hôm. Bảo Đồ Trương Mục thay ta chủ tọa cuộc họp hôm nay và cho lão ấy biết, sau bữa cơm trưa, ta sẽ rời Sở Giác Lãnh để cùng đi với Thạch lão hữu.

* * * * *

Hổ Lâm Sơn là một trong nhiều danh thắng miền Bắc.

Đến nơi rồi, Yến Thiên Y thành tâm, thành ý mượn cảnh gợi chuyện gây niềm vui cho người lão hữu, mong họ Thạch khuây khỏa sầu tư.

Chàng không hiểu Thạch Ngọc mang tâm sự gì, tuy nhiên chàng chắc chắn là Thạch Ngọc đang nặng lòng u uất về một việc gì đó, qua thần sắc u trầm của đối phương từ phút giây gặp nhau.

Thạch Ngọc cố gượng tỏ vẻ thản nhiên, nhưng làm sao che đậy nỗi lòng trước con mắt sâu sắc của tay lão luyện giang hồ?

Thạch Ngọc là ai? Lão quen Yến Thiên Y trong trường hợp nào, từ bao lâu rồi?

Mang ngoại hiệu Quỷ Thủ Lang Trung, Thạch Ngọc đương nhiên tinh thông y thuật, bịnh nhân nào tìm đến lão, là y như bình phục nhanh chóng. Có điều không hiểu tại sao người ta gọi lão là Quỷ Thủ, mà không gọi là Thánh Thủ!

Chẳng những y thuật tinh thông, lão ta lại luyện được một thân võ nghệ cao cường.

Y thuật và võ thuật kiêm luôn, Thạch Ngọc kể ra cũng là tay hiếm, có hạng trên chốn giang hồ.

Nhưng, trời đã phú cho lão nhiều tài, thì theo luật thừa trừ, lấy lại phần nào dung mạo.

Con người của lão xấu xí quá, như phần trên đã mô tả, mặt vừa đen vừa nổi u nần, vì chỗ kém cỏi đó, lão sanh tánh tự ti mặc cảm, lão không muốn tham dự các cuộc nhiệt náo, dù đã trót chọn kiếp sống giang hồ, lão không thích giao du, tránh giao du để giảm thiểu lạc thù, giảm tối đa. Thậm chí lão cũng tránh luôn những nơi đông đúc, như thành thị, như các cuộc lễ lạc, tánh tự ti dần dần biến thể, lão như chán ghét nhân loại vậy.

Lão tự giam mình trong một cục diện cực hạn chế, lão sống cấm cố trong một tiểu thiên địa, chỉ dung chứa mỗi một con người thôi.

Bằng hữu, đương nhiên lão không có, nam bằng hữu đã đành, mà nữ bằng hữu lại càng thiếu vắng, hầu như suốt đời lão không tiếp xúc với một nữ nhân nào, trừ trường hợp chữa bịnh.

Chữa bịnh cho nữ nhân, là một điều bất đắc dĩ, vì nghề nghiệp, vì sứ mạng của một y sư thôi.

Giả như từ khước được, lão từ khước ngay.

Không ai biết lão và Yến Thiên Y kết giao với nhau trong trường hợp nào, thực ra thì song phương quen nhau từ hơn mười năm về trước, quen nhau lâu như vậy, tất nhiên Yến Thiên Y hiểu rõ con người của Thạch Ngọc và từng thương cảm cho người lão hữu có một đoạn dĩ vãng đau buồn, u tối.

Người ta tưởng, với mặc cảm tự ti đó, Thạch Ngọc sẽ suốt đời cô độc, không xã giao, không gia đình...

Nhưng, tạo vật đã cấu tạo con người thì bất cứ ai cũng có một hoàn cảnh, cũng phải hưởng thụ như nhau, khác chăng là hạn kỳ ngắn hay dài, mức độ cao hay thấp mà thôi.

Cơ trời run rủi, một hôm, người ta mang đến cho lão một bịnh nhân, mắc chứng khó, nhờ đủ danh y chữa trị, song không lành bịnh.

Bịnh nhân là một thiếu nữ, có dung nhan tuyệt vời.

Thạch Ngọc trổ tài, trị dứt chứng bịnh.

Cầm như con gái phải chết đi, bây giờ sống lại được là nhờ tài năng của y sư ra ơn tái tạo thì kiếp sống thừa do y sư ban bố cho, phụ mẫu thiếu nữ cảm cái đức tái sanh của Thạch Ngọc, bèn gã con gái cho lão, mặc dù lão xấu xí, mặc dù lão lớn hơn thiếu nữ hai mươi tuổi ngoài.

Vợ chồng đối xử với nhau rất tương đắc, nữ tỏ ra ngoan hiền, rất mực chiều chồng.

Nàng sanh hạ cho Thạch Ngọc một mụn trai kháu khỉnh.

Song, tạo vật chơi khăm, duyên tình đang đượm nồng thì tiên công lại bẻ gãy cán can thường của đôi vợ chồng trẻ già.

Sau bốn năm thành hôn, nàng chết.

Từ đó đến nay, cõi lòng của Thạch Ngọc là vùng âm u chỉ có gió lạnh chứ không hề có một tia sáng nào soi rọi, dù là lửa đóm, hoặc một làn hơi ấm áp, dù là một làn hơi thoảng của một đợt gió nồng, cực nhẹ.

Giờ đây, con trai của Thạch Ngọc được mười tuổi. Lão đặt cho hắn cái tên là Thạch Niệm Từ, nhưng chỉ gọi là Trụ nhi.

Yến Thiên Y và Thạch Ngọc ngồi ngựa dạo quanh một lúc, rồi cả hai xuống ngựa đi chân.

Rồi họ nghe đói.

Đói, phải tìm chỗ có cái ăn. Trên núi làm gì có hàng quán?

Trên núi, chỉ có am, có đạo quán, nhưng những nơi nầy, người ta cung cấp những thức ăn chay lạt, khách chỉ cần cúng một số tiền nhang khói, là được các đạo sĩ mời dùng một bữa ăn chay.

Bữa ăn có thịnh soạn hay không, là do vào số tiền cúng có hậu hay bạc.

Yến Thiên Y hỏi :

- Quanh đây, đạo quán nào nấu thức ăn chay ngon nhất?

Thạch Ngọc đáp :

- Muốn có bữa ăn, phải tìm đạo quán, mà ở đây thì có rất nhiều đạo quán, theo chỗ lão phu hiểu thì có đến mấy ngôi, nhưng nơi nấu thức ăn chay ngon nhất, thì lại cách đây khá xa, ở tận chân núi phía bên kia.

Yến Thiên Y hỏi :

- Đạo quán đó tên gì?

Thạch Ngọc đáp :

- Trường Xuân quán!

Yến Thiên Y điểm một nụ cười :

- Thú thật với lão huynh, tại hạ có tánh thích ăn ngon, dù là thức ăn chay, thì mới nuốt trôi được. Vậy chúng ta đến Trường Xuân quán đi.

Thạch Ngọc có vẻ trù trừ.

Yến Thiên Y cau mày hỏi :

- Lão huynh ngại xa?

Thạch Ngọc gượng đáp :

- Không ngại điều đó, Khôi Thủ muốn ăn ngon, thì mình phải chịu khó một chút có sao đâu?

Yến Thiên Y hỏi :

- Thế sao lão còn do dự?

Thạch Ngọc lúng túng đáp :

- Đâu có, lão phu sẵn sàng lắm chứ? Tại sao do dự?

Từ giây phút này, Thạch Ngọc bắt đầu khẩn trương. Lão cố che giấu sự khẩn trương đó, phần thì Yến Thiên Y không hề lưu tâm đến thần sắc của lão, nên không nhận thấy chi hết.

Bất quá, chàng chỉ nghĩ rằng, có lẽ năm xưa, Thạch Ngọc từng đưa vợ đến quán Trường Xuân dùng cơm chay, bây giờ trở lại chốn cũ, phải chạnh nhớ người xưa, nên lão ta dần dùn, vậy thôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.