Cuối cùng cũng đến hôn lễ. Hôm đó ánh mặt trời rực rỡ, lục thần trực nhật,
thích hợp để làm tất cả mọi việc, được gọi là ‘Ngày hoàng đạo’. Từ sáng
sớm ta đã được thị tỳ mà hỉ nương dẫn đến mặc cát phục đỏ thẫm, đội mũ
phượng cài chín chiếc trâm.
Khăn đỏ thêu kim tuyến quanh viền đặt trên chiếc khay tử đàn, chỉ chờ hành
lễ với cha mẹ xong sẽ phủ lên đỉnh đầu. Khi đó, trước mặt ta chính là
chiếc khăn vuông màu đỏ.
Ninh Hoảng Nguyệt và Dương thị mặc quan phục và mệnh phụ phục chờ ở ngoại
đường. Thấy ta đi ra rồi hành lễ với họ theo lệ, sắc mặt hai người không được tự nhiên cho lắm, nói mấy câu răn dạy theo lệ rồi bảo hỉ nương phủ khăn cưới cho ta, chỉ chờ người rước dâu tới cửa.
Ta ngồi trên hỉ sàng, hỉ nương đến bên cạnh ta, nói: “Cô nương, chắc bây
giờ Vương gia đã ra khỏi cửa rồi. Nghe nói vốn do Xương vương thay mặt
rước dâu, nhưng Vương gia khăng khăng muốn đích thân tới, còn cưỡi ngựa
đi trên đường. Nghe nói một ngày trước dân chúng đã đứng ở vị trí tốt
trên lầu, ở hai bên đường, chỉ chờ xem cảnh náo nhiệt hôm nay.”
Sợi tua rủ màu tím vàng quét nhẹ trước mắt, tay áo rộng viền vàng nhuốm ánh đỏ lên mu bàn tay ta. Đậu khấu hồng nhạt nhuộm móng tay sáng loáng như
ngọc. Dưới chiếc khăn cưới chính là vinh hoa phú quý, vàng ngọc đong
đầy; chiếc giày thêu kim thuyến càng mềm mại thoải mái, cứ như một bộ
phận của chân. Nhưng vì sao ta lại như ở trên đám mây, đám mây ấy lại
nhẹ hều, người ở trên đó có thể ngã xuống bất cứ lúc nào?
Tiếng người, tiếng quỳ lạy, tiếng chén trà đụng nhau, và cả tiếng đầu gối quỳ trên nệm gấm ở ngoại đường truyền vào tai ta rõ mồn một. Hỉ nương rỉ
tai ta: “Vương gia tới rồi, đang lạy nhạc phụ nhạc mẫu, mời trà đó. Sau
khi nghe nhạc phụ nhạc mẫu dặn dò nhắc nhở, rồi cài song hoa khoác lụa
hồng giao văn, đánh xe ba vòng sau đó quay về là chúng ta có thể lên
đường rồi.”
Ta lắng tai nghe tiếng răn dạy của Ninh Hoảng Nguyệt ở ngoại đường, nhưng
lại có phần hoảng hốt lo sợ. Lời trong miệng tuy đoan chính trang
nghiêm, nhưng không giống ông ta đang răn dạy con rể mà giống như con rể quay đầu lại răn dạy ông ta vậy.
Nếu quả thật là phụ soái, người có như vậy không? Có điều phụ soái đã nằm
dưới đất vàng, dù người còn sống, e rằng cũng không xuất hiện trong đám
cưới của con gái nhỉ? Người chưa bao giờ coi ta là con gái cả.
Tiếp theo, người xướng lễ hô lên: Cài hoa.
Liền nghe thấy tiếng loạt xoạt của tơ lụa, có lẽ trước ngực hắn đã được buộc bông hoa lụa đỏ thẫm.
“Vương gia, xin ngài đi trước…”
“Vương gia, tới hôn đường, ngài mới có thể gặp tân nương…”
“À…”
Ta cười lạnh trong bụng. Có hỉ nương hắn phái tới, còn có Tứ Tuấn coi chừng như thùng sắt mà còn sợ ta chạy mất hay sao?
Hỉ nương bước nhanh tới cạnh cửa, nhìn ra ngoài một chút rồi xoay người
lại đỡ ta dậy, nói: “Được rồi, được rồi, Vương gia cho kiệu đi ba vòng
rồi, chúng ta đi thôi.”
Vừa mới đứng dậy, ngoài cửa vang tiếng khóc, còn xen lẫn mấy tiếng ‘con
gái, con gái…’ thảm thiết, ta không khỏi ngẩn ra. Hỉ nương liền giải
thích: “Cô nương, đây là tiếng khóc gả, cô nương phải khóc mới có thể
may mắn.”
Ta khẽ nói: “Khóc? Nhưng nước mắt của ta đã chảy hết từ lâu, phải làm sao bây giờ?”
Rõ ràng bà ta cứng họng, vội nói: “Vậy nô tỳ đỡ cô nương qua thềm cửa.”
Vở kịch này của hắn chuẩn bị thật công phu, vốn giả dối nhưng nhìn ánh mắt của những người xung quanh thì cứ như thật.
Qua bậc cửa, tới trước kiệu hoa, dưới khăn cưới, ta thấy rõ kim long năm
vuốt sơn son thiếp vàng trên gánh kiệu. Màn kiệu được vén lên, tua rủ
màu vàng đung đưa theo gió, bao phủ một nửa hình rồng phượng may mắn
thêu trên đó. Gió thổi khăn cưới, ta thấy rõ đỉnh kiệu tám rồng bốn
phượng, rồng trụ bốn góc, miệng mỗi con ngậm một viên ngọc vàng, đại
biểu vinh hiển cao nhất dành cho nữ tử trong triều đại chỉ dưới Hoàng
hậu.
Cuối cùng cũng ngồi vào kiệu, hỉ nương đút hai quả táo vào tay ta, đứng bên
dặn dò: “Cô nương, không được mở khăn cưới đâu nhé, điềm xấu đấy.”
Ta khẽ đồng ý, nghe thấy bà ta khẽ thở ra một hơi. Ngồi vào trong kiệu,
đột nhiên cảm thấy mỏi mệt, bất giác nhắm hờ mắt, dựa lưng vào vách đằng sau. Trong kiệu thoảng mùi rượu, là mùi của rượu có thể làm ấm người mà ta rất quen thuộc ấy. Nhìn qua khăn gấm, chỉ thấy sát vách kiệu có một
tay kéo nho nhỏ làm bằng vàng, vươn tay ra kéo, một cái hộc liền xuất
hiện. Thứ đầu tiên đập vào mắt ta chính là tấm lụa màu đỏ, viết hàng
chữ: Gió thu xào xạc, bách hoa tiêu điều, chỉ có thể làm hoa lụa, đổi
lại muôn nơi rực rỡ. Trước kiệu quay đầu lại, thấy gấm đỏ bao phủ, long
châu ánh quang, thoáng như giấc mộng trong áng mây. Biết cả đường choàng gấm, châu ngọc phủ đầy, chặng đường quá dài, chuẩn bị quỳnh dịch hổ
phách, ngắm nhìn có thể xua tan mệt nhọc.
Nét chữ này hệt như từng dòng chữ đưa tướng lĩnh Quân gia lâm vào nơi cùng
đường. Xông phá tầng mây, chặt sắt chém bạc, kể rõ từng chi tiết, quan
tâm đến cực điểm. Mà nét mực đậm còn chưa khô, có lẽ vừa mới viết xong.
Chắc rượu trong kiệu hoa cũng do hắn chuẩn bị. Cái hộc được bố trí ở đúng tầm mắt, nơi khăn cưới không thể che lấp.
Hắn sợ ta không kịp bái đường đã tái phát chứng hàn ư? Hắn quên rồi sao,
hai ngày nữa mới hết mười ngày, nội lực hắn truyền cho ta vẫn chưa tiêu
hao hết.
Ta không uống viên thuốc Thái tử cho ta bởi vì ta không cần thời gian hai
năm đó. Người thân đã qua đời, đối với ta mà nói, sống thêm hai năm nữa
cũng quá mức đau khổ. Nếu ta chết đi, Tam Tinh còn lại cũng sẽ được giải thoát?
Nhẹ nhàng mở nắp bình, rót chất rượu ngọt ngào vào miệng. Sau khi bình tĩnh trở lại, ta cảm thấy có một dòng nước ấm chảy vào tim phổi như trước
kia.
Kiệu hoa dừng lại, người xướng lễ hô lên: “Mời tân lang đứng trước kiệu, tân nương xuống kiệu…”
Kiệu nghiêng về phía trước, màn kiệu được vén lên. Dưới khăn cưới, có một
bàn tay thon dài màu mạch với tay áo thêu kim long đặt trước mắt ta,
giữa ngón tay cái có vết chai dày, trên ngón tay là chiếc nhẫn bạch
ngọc…
Ta hơi chần chừ, hỉ nương vội vã nói khẽ: “Tân lang đón tân nương…”
Lúc này ta mới đặt tay lên bàn tay ấy, nhưng lại cảm thấy người hắn hơi run, rồi mới thả lỏng, dẫn ta vào sảnh đường.
Vào sảnh đường, đầu tiên Xương vương phụng thánh chỉ thay mặt Hoàng đế động viên răn dạy tân lang tân lương. Lúc này tân khách khắp sảnh đường đều
quỳ xuống, không quỳ lạy cha mẹ như dân gian mà chỉ dùng thánh chỉ đại
diện Hoàng đế Hoàng hậu mà tiến hành nghi thức bái đường. Ngày hôm sau
mới vào cung chính thức bái kiến Hoàng đế và Hoàng hậu, cùng với trưởng
bối khác như Hoàng thái hậu, rồi bái lạy tổ tiên Hoàng thất, như vậy mới xem như kết thúc buổi lễ.
Tân khách dự lễ ở hai bên nói khe khẽ, người xướng lễ tiếp tục hô: “Tân
lang tân nương đứng trước hoa đường… Tân lang tân nương vào vị trí...
Tân lang tân nương dâng hương, quỳ… Lạy lần một, lạy lần hai, lạy lần
ba… Nhất bái thiên địa, nhị bái cao đường, phu thê đối bái…”
Ta được hỉ nương đỡ, bị động đứng rồi quỳ, rồi lại đứng, rồi lại quỳ… Cuối cùng nghe thấy một tiếng: “Kết thúc buổi lễ, đưa vào động phòng”.
Ta không khỏi thở phào, lại nghe hắn đến gần sát bên ta, khẽ nói: “Có mệt không?”