Bảy Năm Sau

Chương 13




Lão lắc đầu, thầm nghĩ: “ Hiểu con không ai khác ngoài cha, Đổng Huyền Tể không thể không biết rằng con ông ta không học vấn không tài cán gì, Tông Dực Thiện là gia nô của Đổng thị, một nô bộc có tài học như vậy thì Đổng Huyền Tể cũng không thể nào không phát hiện ra, nếu đã như vậy, Đổng Huyền Tể sao lại muốn con mình bái ở môn hạ của ta, mua danh chuộc tiếng sao?

Hoàng Nhữ Hanh suy nghĩ một lát, ngước mắt thấy Trương Nguyên đứng hầu một bên, liền hỏi:

- Trương Nguyên, sao ngươi biết được văn của Đổng Tổ Thường đều là sao chép?

Trương Nguyên nói:

- Bẩm Ngụ Dung tiên sinh…..

Chuyện Trương Nguyên vừa đến thảo đường đã ẩu đả với Đổng Tổ Thường nếu có tranh luận cãi vã, cho dù có giành phần thắng, thì Hoàng Nhữ Hanh cũng coi hắn không ra gì. Dù sao bậc nho học như Hoàng Nhữ Hanh chắc chắn không thích nhìn thấy học trò đánh nhau. Bởi vậy trước tiên Trương Nguyên yêu cầu xem văn của Đổng Tổ Thường để chứng minh phỏng đoán của mình. Khi hắn biết được Tông Dực Thiện giỏi giang uyên bác đúng là gia nô của Đổng thị, hiện tại Tông Dực Thiện theo hầu Đổng Tổ Thường đến học ở Cư Nhiên thảo đường, Trương Nguyên liền đoán việc Đổng Tổ Thường bái Hoàng tiến sĩ, Tiêu trạng nguyên làm thầy là mua danh chuộc tiếng, nhìn bài văn “ Phát nhi giai trung tiết “ thì biết ngay mình đã đoán đúng. Trước hết, hắn không nhắc tới chuyện mình đánh Đổng Tổ Thường, mà nhằm vào việc Đổng Tổ Thường đạo văn, khiến Đổng Tổ Thường không mặt mũi nào đối mặt. Giờ đây, hắn có thể ung dung nói hết từ đầu đến cuối chuyện kết thù kết oán với Đổng Tổ Thường, từ vụ Đổng Tổ Thường vô lễ cầu hôn ở hội thả đèn Long sơn, đến chuyện tên phản nô của Thanh Phổ Lục thị trốn sang Hoa Đình Đổng thị. Mới vừa rồi gặp nhau ở sơn môn chùa Tịnh Từ, Đổng Tổ Thường lại tuyên bố lấy hai trăm mẫu rừng dâu để ép buộc Lục thị bỏ tỷ tỷ của hắn là Trương Nhược Hi, bởi vậy hắn vô cùng tức giận liền đánh nhau với Đổng Tổ Thường.

Hoàng Nhữ Hanh sau khi nghe xong, gật đầu, nói:

- Ngươi mặc dù còn trẻ tuổi bồng bột, nhưng Đổng Tổ Thường cũng thực sự đáng giận, đánh thì đã đánh rồi, Đổng Tổ Thường cũng không mặt mũi nào đi kiện cáo ngươi, chắc chắn là cậu ta đã lập tức về Tùng Giang rồi. Tên phản nô Trần Minh kia cũng đã giải tới Hàng Châu phủ nha rồi đúng không?

Trương Nguyên nói:

- Vâng, tên phản nô Trần Minh lấy cắp tiền bạc, khế ước của nhà chủ, tìm đến Đổng thị nương tựa. Khiến Thanh Phổ Lục thị và Hoa Đình Đổng thị đã kiện nhau lên quan, nhưng Đổng Hàn Lâm hiển nhiên thế mạnh, không những không giao trả tên phản nô, mà còn muốn chiếm rừng dâu của Lục thị.

Hoàng Nhữ Hanh nhìn Trương Nguyên một lượt từ trên xuống dưới. Từ chỗ Vương Đề Học lão được biết chuyện Trương Nguyên và Diêu Phục đấu bát cổ văn, còn nhỏ tuổi nhưng lại là nhân vật lợi hại, bèn hỏi:

- Vậy ngươi định xử trí tên Trần Minh như thế nào?

Trương Nguyên nói:

- Tất nhiên là do quan phủ xử trí, đây là vụ án gia nô bỏ trốn ở Thanh Phổ, nên áp giải Trần Minh về Thanh Phổ thẩm tra xử lí.

Hoàng Nhữ Hanh nói:

- Chỉ cần đòi lại điền khế rừng dâu cho nhà tỷ phu ngươi là được, còn lại cũng đừng có truy cứu nữa. Dù sao Đổng công cũng là người có danh tiếng, nếu như ngươi và Đổng Tổ Thường kết thù kết oán quá sâu thì sẽ không có lợi cho việc khoa cử sau này của ngươi.

Trương Nguyên ngoài mặt vâng vâng đồng ý nhưng trong bụng thầm nghĩ:

“Mối thù này đã không thể hóa giải nữa rồi, Hoa Đình Đổng thị là tử địch của ta, ta không đánh y thì y đánh đánh ta. Đương nhiên, hiện giờ cũng thực sự không thể nghiêm trị Đổng Tổ Thường, lúc trước đấu với Diêu Phục, cũng nhiều lần gặp trắc trở. Đổng Tổ Thường là con của bậc quan thần, sao có thể so sánh với Diêu Phục. Nhưng lần này Đổng Tổ Thường đã thân bại danh liệt, về sau còn muốn mua danh chuộc tiếng cũng khó rồi, hơn nữa bắt được Trần Minh, xem như giúp lớn cho tỷ phu rồi, nhưng trước mắt còn có một việc...

Trương Nguyên nói:

- Ngụ Dung tiên sinh, Đổng Tổ Thường học ở đây là giả, Tông Dực Thiện học ở đây lại là thực. Học trò và Tông Dực Thiện từng mấy bận nói chuyện với nhau, học trò kính phục tài năng của huynh ấy, hôm nay tuy biết huynh ấy là thân phận nô bộc, nhưng không hề coi thường, có câu 'Hữu giáo vô loại “ (tức là dạy học thì không phân biệt loại người), Tông Dực Thiện có đại tài, lại thân phận nô bộc, thật như như thiên lý mã trong “ “ Mã thuyết “ “ của Hàn Văn Công chết trong cái máng, tiên sinh không tiếc người tài thật ư?

Trương Nguyên coi Tông Dực Thiện như bạn, nhất định phải giúp Tông Dực Thiện, hơn nữa hôm nay đã làm nhục Đổng Tổ Thường, chỉ sợ Tông Dực Thiện về sau rất khó sống ở Đổng gia.

Hoàng Nhữ Hanh trầm ngâm một lúc lâu, nói:

- Ngươi đi tìm Tông Dực Thiện đến đây, ta muốn giáp mặt kiểm tra tài học của cậu ta.

Trương Nguyên rời khỏi thảo đường, các nho đồng theo học ở đây vô cùng mắt tinh tai thính, đã biết tin con trai Đổng Hàn Lâm bị đánh, Vũ Lăng lanh mồm lanh miệng đang kể chuyện xấu của Đổng Tổ Thường cho các nho đồng nghe. Các nho đồng ở thảo đường vốn không thích Đổng Tổ Thường ngang ngược, nên nghe nói Đổng Tổ Thường bị đánh, liền vỗ tay khen hay. Lúc này thấy Trương Nguyên đi ra, các nho đồng đều ngẩn người, cứ nghĩ nho đồng dám đánh Đổng Tổ Thường thì tất phải là người oai phong chí khí, không ngờ chỉ là một thiếu niên thư sinh, hắn mỉm cười chắp tay chào mọi người.

Phần lớn nho đồng ở đây đều nghe nói qua danh tiếng của Trương Nguyên, chuyện thường ngày mà họ quan tâm chính là những chuyện khoa cử như thế này. Trương Nguyên đỗ đầu thi huyện đã đành, nhưng đỗ đầu thi phủ Thiệu Hưng thì không phải là nhỏ. Giờ thấy Trương Nguyên khiêm tốn lễ phép, không hề có vẻ khoa trương thiếu niên đắc chí, các nho đồng đều tiến lên chào, tự báo quê quán và danh tính, Trương Nguyên nhớ kỹ từng người, nói:

- Tại hạ cũng tới để xin học Ngụ Dung tiên sinh, xin chư vị nhân huynh về sau chỉ giáo nhiều hơn. Tại hạ muốn đi tìm Tông Dực Thiện, không biết có nhân huynh nào biết chỗ ở của huynh ấy?

Liền có nho đồng nói:

- Tông Dực Thiện là thư đồng của Đổng Tổ Thường, cũng sống nhờ ở chùa Tịnh Từ, Trương huynh tìm anh ta có chuyện gì?

Trương Nguyên nói:

- Bài tập của Đổng Tổ Thường ở thảo đường đều do Tông Dực Thiện làm thay, Ngụ Dung tiên sinh kêu tại hạ truyền Tông Dực Thiện đến để hỏi rõ ràng.

Lời vừa nói ra, các nho đồng đầu tiên là ngạc nhiên, sau đó ồ lên, rồi nói như Gia Cát Lượng:

- Không ngoài sở liệu của ta, ta sớm đã nhìn ra Đổng Tổ Thường làm không nổi văn như thế, Tông Dực Thiện quả là hiếu học.

Đệ tử đắc ý của Hoàng Nhữ Hanh là La Huyền Phụ nói:

- Đổng Tổ Thường đạo văn thật đáng xấu hổ, làm hỏng thanh của Cư Nhiên thảo đường.
Hơn mười nho đồng của học đường và ba người chủ tớ Trương Nguyên đi qua con đường đá chật hẹp, tới trước chùa Tịnh Từ, thẳng đường tới phòng khách ở phía tây của vườn chùa. Thấy vài tên nô bộc của Đổng Tổ Thường đang thu dọn hành lý chuẩn bị trở về Tùng Giang, các Tú tài vốn miệng lưỡi sắc bén, lúc này đương nhiên phải ra sức trào phúng. Đổng Tổ Thường vừa thẹn vừa giận, lại không dám nổi cáu, chỉ ra lệnh cho người hầu không cần thu dọn nữa, lập tức rời khỏi nơi này.

Có một nô bộc nói:

- Nhị công tử, Tông Dực Thiện không biết đi nơi nào rồi!

Đổng Tổ Thường nói:

- Mặc kệ y, chúng ta đi thôi.

Bốn người chủ tớ của Đổng thị lầm lũi ra đi trong sự châm chọc khiêu khích của các nho đồng. Trương Nguyên hỏi các vị sư trong chùa xem có vị nào nhìn thấy Tông Dực Thiện? Nhà sư nói:

- Hình như ở bên Song Tỉnh đình.

Chùa Tịnh Từ vốn không có giếng, muốn lấy nước phải đi quanh hồ, xa tới vài dặm, sư tăng trong chùa rất vất vả. Cao tăng đời Tống là Pháp Huân dùng gậy tích trượng treo trước điện, hai dòng suối phun lên, vì vậy cho đào hai cái giếng, từ đó về sau không cần phải đi gánh nước quanh hồ nữa. Năm kia Chung thái giám bỏ vốn tu sửa chùa, xây mới Song Tỉnh đình. Ba người Trương Nguyên, Tiêu Nhuận Sinh và La Huyền Phụ tìm kiếm, quả nhiên gặp Tông Dực Thiện đứng ở bên Song Tỉnh đình đang xuất thần suy nghĩ.

Trương Nguyên chắp tay nói:

- Dực Thiện huynh, Ngụ Dung tiên sinh gọi huynh tới có việc muốn hỏi.

Nhìn thấy Trương Nguyên, tuy rằng Đổng Tổ Thường không ở bên cạnh, nhưng Tông Dực Thiện vẫn xấu hổ như cũ. Gã đã gặp gỡ Trương Nguyên ở Thanh Phổ và Sơn Âm, khi đó Trương Nguyên không biết thân phận của gã, hai người thuần túy đàm đạo văn chương. Gã ra sức thể hiện bản sắc và tài văn của mình, nhưng hiện tại thân phận đã bại lộ, gã chỉ là một nô bộc ti tiện, mặc dù Trương Nguyên không thấy ngăn cách nhưng gã sao có thể ngang hàng đĩnh đạc nói chuyện với Trương Nguyên sao?

Sự thật tàn khốc như vậy, đẳng cấp địa vị vững chắc như thành luỹ, Tông Dực Thiện chữ nghĩa đầy bụng, tài hoa hơn người, gã khao khát được trổ tài để người khác thưởng thức. Ở Đổng phủ, gã chỉ là nô bộc, thấp kém hèn mọn, khi ngẫu nhiên một mình ra ngoài, gã liền giấu diếm thân phận, kết giao bạn bè bằng chính tài học của mình. Nhưng có rất ít người như Trương Nguyên không thẳng thắn truy vấn thân phận của hắn. Hắn xem Trương Nguyên là tri kỷ, không ngờ hôm nay gặp nhau ở đây, Tông Dực Thiện cảm giác tình bạn giữa mình và Trương Nguyên khó mà tiếp tục.

Trương Nguyên tiến lên nắm tay Tông Dực Thiện nói:

- Tháng trước từ biệt ở Sơn Âm, không biết ngày nào có thể gặp lại Dực Thiện huynh. May mắn hôm nay gặp lại, lại gặp được Ngụ Dung tiên sinh, chúng ta uống vài chén rượu, đàm luận văn chương.

Tông Dực Thiện thấy Trương Nguyên nói như vậy, bỗng nhiên nhớ tới ngày ấy ở Sơn Âm, lúc từ biệt ở cầu Bát Sĩ, gã và Trương Nguyên đã đối đáp. Trương Nguyên khi đó dường đã đoán được thân phận của gã, chỉ có điều không biết gã là gia nô của Đổng thị mà thôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.