Bảy Năm Sau

Chương 11




Mục Chân Chân gật đầu một cái, tay phải đặt nhẹ bên ngoài đùi lớn, qua lớp quần vải sờ đến tiểu bàn long côn — Trương Nguyên xoay người chậm rãi đến gần Đổng Tổ Thường, Mục Chân Chân đi theo phía sau, Trương Nguyên nói:

- Đổng công tử, oan gia nên giải không nên kết, ngày đó chúng ta chỉ có hiểu lầm nhỏ, để liên lụy đến người nhà tỷ tỷ của ta thì thật không hay.

Đổng Tổ Thường thấy Trương Nguyên chịu nhún, mừng rỡ, cười lạnh nói:

- Hiểu lầm nhỏ ư? Nhưng ngươi đá ta một cước, cước đó độc lắm.

Trương Nguyên hỏi:

- Vậy Đổng công tử muốn thế nào mới bằng lòng hóa giải việc này?

Đổng Tổ Thường nói:

- Ngươi để cho ta tát hai cái, đá một cước, rồi giao hồ tỳ này cho ta coi như đền tội thì ta không truy cứu nữa, chuyện trước kia cho coi như xong.

Đổng Tổ Thường đang đắc ý nói bỗng nghe Trương Nguyên hét lớn một tiếng:

- Đánh!

Trương Nguyên ngày thường luyện Thái Cực Quyền nên nhanh nhẹn hơn nhiều so với các thư sinh khác. Đổng Tổ Thường nhìn thì thân hình cao lớn, nhưng lại thuộc dạng bấy bớt vì tửu sắc. Lần trước bị Trương Nguyên bất ngờ đá một cước, lần này Trương Nguyên chợt tung chân, y vẫn không tránh đi như lần trước, vị trí cũ ở thắt lưng lại chịu tiếp một cước, y kêu đau một tiếng rồi lảo đảo lui mấy bước về phía sau.

Tên Trần Minh kia cũng biết chút võ thuật, gã tung người nhảy tới, vung quyền hướng Trương Nguyên đánh tới, nhưng lại nghe tiếng gió, một đoạn đoản côn hung hăng quất vào xương cổ tay gã, làm xương như muốn nứt ra. Trần Minh nhịn đau, tay kia vung lên để cướp đoản côn, đoản côn trườn như con rắn phút chốc gõ một phát vào đầu gã. Không đợi gã định thần lại, chân phải lại bị đánh một côn, đau buốt đến tận tim gan, chân phải của gã chống đỡ không nổi, khuỵu gối quỳ xuống, cổ gã lập tức lại bị đánh một cước thật mạnh, gã lập tức té nhào xuống đất, hai tay vừa chống định bò dậy thì bị dẫm một cước ngay sau gáy, giống như con rắn bảy tấc bị đóng đinh trên mặt đất, không ngóc lên được nữa. Gã ra sức giơ tay muốn tóm lấy lớp vải quấn mắt cá chân màu trắng như tuyết ở trên chiếc giày vải màu đen thì “ Vù “ một tiếng, xương cổ tay lại bị đánh một côn, gân cốt đau đến tê dại, gã vội vàng xin tha:

- Đừng đánh, đừng đánh.

Bên kia Trương Nguyên thấy Đổng Tổ Thường lảo đảo lui về phía sau, liền xông lên tát cho y một cái thật mạnh, khiến cho Đổng Tổ Thường phun cả máu mũi ra ngoài, ngã lăn xuống đất, y vưà sợ hãi vừa tức giận gào lên:

- Ngươi dám đánh ta, cha ta là Đổng Huyền Tể, quyết sẽ không tha cho ngươi.

Hòa thượng Chùa Tịnh Từ lúc này tiến đến ngăn lại nói:

- Cửa Phật là nơi thanh tịnh, không được quát tháo đánh nhau.

Đổng Tổ Thường ở nhờ ở chùa Tịnh Từ, chắc là bố thí không ít tiền nhang đèn nên được vị hòa thượng này che chở bênh vực, không cho Trương Nguyên tiến lên đánh tiếp. Trong chùa lại chạy tới mấy vị hòa thượng, đỡ Đổng Tổ Thường dậy, cầm máu mũi cho hắn.

Trương Nguyên đánh đến mức đau cả tay, tay trái bóp nặn tay phải, nói:

- Đổng Tổ Thường, lần trước ta đá ngươi một cước, cha ngươi Đổng Huyền Tể còn phải viết thư xin lỗi tộc thúc tổ (ông chú) của ta, ngươi lại không ăn giáo huấn, nên ta lại đánh ngươi tiếp. Về khóc lóc kể lể với cha ngươi đi thôi, còn tên Trần Minh này là đồ nô tài phản bội, ta sẽ đưa gã đi.

Vũ Lăng thông minh, đã chạy vào trong chùa tìm một đoạn dây thừng đi ra, cùng với tiểu quan Chức tạo thự trói tên nô bộc phản bội Trần Minh lại, Mục Chân Chân cầm tiểu bàn long côn đứng đề phòng.

Trần Minh kêu to:

- Nhị công tử cứu nô tài, nhị công tử cứu nô tài.

Đổng Tổ Thường dùng tay áo lau máu mũi, tức giận kêu lên:

- Thế này không có vương pháp gì nữa à, ban ngày ban mặt mà cướp người!

Trương Nguyên nói với các hòa thượng chùa Tịnh Từ:

- Tên Trần Minh này trộm tiền bạc, khế ước của nhà tỷ phu ta rồi chạy trốn tới Đổng gia, hôm nay bị ta gặp được, ta muốn tóm gã lên gặp quan.

Rồi nói với tiểu quan Chức tạo thự:

- Làm phiền ngươi đến nha phủ Hàng Châu báo cáo quan sai, dẫn tên phản nô này đi thẩm vấn.

Viên tiểu quan ‘dạ’ một tiếng, vội vàng đi ngay.

Trưởng lão chùa Tịnh Từ đi ra, trưởng lão này có chút quen biết với Đổng Kỳ Hưng, chỉ nghe một tai, liền tiến lên hướng về phía Trương Nguyên nói:

- A Di Đà Phật, thí chủ hành hung ở trước cửa chùa, không sợ Phật tổ trách tội sao!

Trương Nguyên vừa nghe vậy, đã biết hòa thượng này là một nhà sư không có đạo hạnh, liền hỏi:

- Phật tổ vì sao phải trách tội ta?

Trưởng lão trố mắt nói:

- Thí chủ hành hung đánh người, chẳng phải là tội sao?

Trương Nguyên nói:

- Phàm sự việc đều có nhân quả, trưởng lão chỉ nhìn quả, không hỏi nhân, thì đại đức ở chỗ nào?

Trưởng lão này thấy Trương Nguyên đối đáp lanh lợi, liền nhìn kỹ đánh giá rồi hỏi:

- Xin hỏi thí chủ tôn tính đại danh?

Dám đánh con trai của Đổng Huyền Tể hẳn không phải là hạng dân tầm thường.

Trương Nguyên nói:

- Tại hạ họ Trương, người Sơn Âm — trưởng lão là bậc tu hành, chớ để ý những việc trần tục này, đợi lát nữa sẽ có quan sai đến, đúng sai đều có phán xét, con của Đổng Huyền Tể mà còn sợ gặp quan sao?

Lại có hai nô bộc của Đổng thị chạy tới, thấy Trần Minh bị trói nằm trên mặt đất, nhất thời hoảng sợ không dám tiến lên.

Ước chừng đợi gần nửa canh giờ, vài tên sai nhân của Chức tạo thự kéo Trần Minh tới phủ nha Hàng Châu, Đổng Tổ Thường có công danh sinh đồ, nên sai dịch không dám tróc nã.

Trương Nguyên nói:

- Đổng Tổ Thường, cùng ta cùng đi gặp Tri phủ Hàng Châu Ân đại nhân, thế nào? Ngươi đến công đường chỉ cần báo 'Gia phụ ta là Đổng Huyền Tể’ thì Ân đại nhân tất sẽ giải oan cho ngươi.

Lần trước ở Long Sơn, Đổng Tổ Thường tố với Án Sát ti Trương Kỳ Liêm rằng Trương Nguyên đá gã, cứ tưởng rằng Trương Kỳ Liêm là bạn cũ của phụ thân Đổng Huyền Tể sẽ bao che gã, không ngờ Trương Kỳ Liêm lại không chịu che chở gã. Lần này Trần Minh bị Trương Nguyên bắt đi, sự việc này dường như không được hay lắm vào lúc này, nghe có người kêu lên:

- Hoàng Ngụ Dung tiên sinh tới, Hoàng Ngụ Dung tiên sinh tới.

Hoàng Nhữ Hanh ở Cư Nhiên thảo đường nghe nói công tử của Đổng Huyền Tể bị người đánh ở sơn môn chùa Tịnh Từ, giật mình kinh hãi, liền cùng đệ tử Tiêu Nhuận Sinh vội vàng qua xem sao. Tiêu Nhuận Sinh là con trai của Trạng Nguyên Tiêu Pháp, con của mình không dạy được, Tiêu Pháp liền gửi con đến học ở môn hạ Hoàng Nhữ Hanh. Tiêu Pháp hôm nay không ở Cư Nhiên thảo đường, mà đến chùa Vân Tê thăm Liên Trì đại sư.

Hoàng Nhữ Hanh có ấn tượng không tốt về Đổng Tổ Thường. Tên Đổng Tổ Thường này cầm thư của phụ thân hắn đến xin học ở môn hạ của lão, nhưng thuộc dạng ăn chơi, khi nghe giảng không tập trung, thường mượn cớ không đến, nghe nói là đi thuyền Hồ Tây ngắm hoa ngắm liễu. Đổng Tổ Thường hành tung lỗ mãng kiêu ngạo, không hòa thuận với các học sinh khác ở Cư Nhiên thảo đường. Nhưng điều khiến Hoàng Nhữ Hanh lấy làm kỳ lạ chính là: những bài tập được giao Đổng Tổ Thường đều có thể đúng hạn hoàn thành, các bài văn y làm đều khá hơn các nho đồng khác trong môn hạ.

Hoàng Nhữ Hanh yêu quý nhân tài, ba phen mấy bận nói chuyện với Đổng Tổ Thường, tận tình khuyên bảo. Đổng Tổ Thường hoặc là giữ im lặng, hoặc là nói hươu nói vượn một phen, khiến Hoàng Nhữ Hanh tức giận mặc kệ. Nể mặt Đổng Kỳ Hưng nên không đuổi y ra khỏi cửa, trong lòng thở dài:

- Thật đáng tiếc, Đổng Huyền Tể có đứa con trai thông minh tuyệt đỉnh, nhưng phẩm chất lại không tốt, Đổng Huyền Tể phải nghiêm khắc dạy dỗ, bằng không Đổng Tổ Thường này sẽ là kẻ có tài mà không đức, hại nước hại dân.

Tới trước sơn môn chùa Tịnh Từ, trưởng lão ra đón nói:

- Hoàng thí chủ tới vừa lúc, Tiểu Đổng thí chủ đây là học sinh của Hoàng thí chủ, bị người ta đánh bị thương, việc này Hoàng thí chủ đến xử trí đi.

Trương Nguyên thấy lão nho mặt đen nhiều râu, nét mặt cương nghị chính là Hoàng Nhữ Hanh, lập tức tiến lên chào nói:

- Sơn Âm Trương Nguyên bái kiến Ngụ Dung tiên sinh.

Hoàng Nhữ Hanh “ A “ một tiếng, hỏi:

- Ngươi là cháu đích tôn Trương Nguyên Trương Giới Tử của Túc Ông?

Trương Nguyên cung kính nói:

- Đúng là học sinh.

Đỗ đầu cả thi huyện Sơn Âm và thi phủ Thiệu Hưng là rất nổi tiếng. Hoàng Nhữ Hanh cũng nghe qua tên Trương Nguyên, Chiết Giang Đề Học sử Vương Biên rất khen ngợi Trương Nguyên, đưa chế nghệ của Trương Nguyên cho Hoàng Nhữ Hanh xem, thật không tin chế nghệ như vậy lại là tác phẩm của thiếu niên mười sáu tuổi. Cho nên Hoàng Nhữ Hanh hôm nay thấy Trương Nguyên trẻ tuổi tuấn tú, trong sáng cởi mở thì rất lấy làm thích thú, hỏi:

- Ta từng sai người đưa tin cho tộc thúc tổ ngươi, nói rằng Tiêu thái sử đang dạy học ở Nam Bình, cho Tông Tử đến học, vì sao Tông Tử không có tới?

Trương Nguyên nói:

- Học sinh chưa nghe tộc thúc tổ và Tông Tử nói về việc này, hay là thư bị gửi lạc mất rồi?

Hoàng Ngụ Dung gật đầu nói:

- Thư là do ta nhờ người cầm đi gửi, bị mất cũng không ngạc nhiên, nếu không Trương Tông Tử muốn lười biếng thì Túc Ông cũng phải bắt cậu ta tới, Tiêu Thái sử dạy học thật là cơ hội hiếm có. Vậy ngươi hôm nay tới đây làm gì?

Trương Nguyên nói:

- Học sinh đã sớm nghe Tông Tử đại huynh nói rằng Ngụ Dung tiên sinh đức cao uyên bác, lần này có việc đến Hàng Châu liền muốn đến nghe giảng.

Bên kia Đổng Tổ Thường thấy Hoàng Nhữ Hanh tới liền hét lớn:

- Tiên sinh, Ngụ Dung tiên sinh.

Hoàng Nhữ Hanh lúc này mới nhớ ra chuyện Đổng Tổ Thường bị đánh, liền nói vớiTrương Nguyên:

- Ngươi tới thảo đường trước chờ ta.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.