Bảo Vật Của Rồng

Chương 43: Đan




CHƯƠNG I: BÌNH MINH ĐẾN MUỘN

Tiểu Vũ không bao giờ cho mình thức dậy muộn, bởi, cô không muốn có thêm một ngày nào bỏ lỡ ánh bình minh. Cô nghĩ thế, là bởi, cô đã bỏ lỡ nhiều rồi, hối tiếc nhiều rồi, và giờ thì không thể cho mình phạm vào sai lầm ấy nữa.

Lần đầu tiên, Tiểu Vũ phát hiện ra mình để lỡ một ánh bình minh, là vào sinh nhật thứ bốn mươi của mẹ. Năm ấy, Tiểu Vũ mười lăm tuổi. Mẹ vào phòng khi trời đã tỏ hẳn, tay bưng một bát cháo nóng thơm tiêu hành, bảo gắng dậy ăn cho chóng khỏe. Tiểu Vũ không dậy, không muốn dậy và tìm cách chống cự để không phải dậy. Mẹ đã ngồi đấy suốt từ sáng đến tận trưa, bên mép giường của đứa con gái độc nhất đang ốm vì cảm cúm xoàng, khi bát cháo hành đã trở nên nguội ngắt. Thỉnh thoảng, cần mẫn, mẹ bón được cho Tiểu Vũ một thìa, luôn cùng câu khen, Tiểu Vũ của mẹ ngoan quá, cố thêm thìa nữa, nhé con...

Đêm đấy, không biết vì những thìa cháo được bón từ tình yêu thương vô tận, hay vì cơn cảm đi qua mà Tiểu Vũ có thể trở dậy. Thả chân trần trên nền gạch hoa lạnh buốt, cô dò dẫm xuống nhà tìm chút gì lót dạ. Khi khỏe, đói là trạng thái khiến người ta dễ nhận ra nhất. Tiểu Vũ đi ngang phòng mẹ - căn phòng luôn để đèn rất khuya - và dừng hẳn lại khi nghe tiếng khóc vọng ra. Mẹ khóc? Vì gì? Vì Tiểu Vũ ốm ư? Hay còn gì khác nữa mà Tiểu Vũ vì đã quá vô tâm nên không hề nhận ra?...

Tiểu Vũ buộc mình tự tiêu hóa tất cả những câu hỏi bất thình lình bột phát trong đầu để cố tìm câu trả lời. Không gì cả! Tiểu Vũ không thể biết tại sao mẹ lại khóc. Tiểu Vũ không biết mình có nên bước vào, ôm mẹ và hỏi lý do hay không? Hay, mẹ lo Tiểu Vũ ốm? Hay, mẹ buồn Tiểu Vũ không ăn cháo mẹ nấu hôm nay? Hay... - hàng ngàn từ "hay" cứ bay nhảy trong cái đầu vốn vẫn còn ong ong do dư vị bệnh để lại - khiến Tiểu Vũ thấy mệt mỏi, chống chếnh và hoang mang. Trong số những câu hỏi vẫn không ngừng tuôn ra trong đầu, có một câu khiến Tiểu Vũ thấy hoảng sợ hơn hẳn, rằng, có phải, mẹ thường hay khóc lắm không?

Cứ thế, mẹ trong phòng - khóc, Tiểu Vũ đứng ngoài - cái bụng đói meo. Tiểu Vũ từng đọc đâu đó, khoa học chứng minh rằng, khi đói, con người thông minh hơn, hay nói đúng nhất là độ nhạy của tư duy sẽ được phát huy tốt hơn; thế mà lúc này, bụng kêu ầm ĩ lên vì đói, nhưng Tiểu Vũ chẳng nghĩ được chút gì. Đến tận khi giây chần chừ cuối cùng còn sót lại trong Tiểu Vũ căng đứt, khi Tiểu Vũ nhất định phải đi vào, phải hỏi mẹ cho ra, rằng, ai đã làm mẹ buồn, thì mẹ bước ra. Mẹ nhìn Tiểu Vũ, lúng túng, có phần hốt hoảng và bất ngờ dưới cái nhìn hãy còn sũng nước.

- Hôm nay là ngày gì, con biết không, con gái? - Mẹ hỏi, thản nhiên đến lạ lùng, như ban nãy chẳng hề có những giọt nước mắt vừa được giấu kín.

- Hôm nay... - Tiểu Vũ giật mình - là sinh nhật mẹ!

Tiểu Vũ đã tự trách mình vô tâm, vì đến tận lúc này, khi đã chuẩn bị sang một ngày khác, thì cô mới nhớ ra, hôm nay là sinh nhật của mẹ.

- À không! Con gái ạ! - Mẹ cười, lại rất bình thản. - Suýt nữa thì mẹ cũng đã quên sinh nhật mình. Hôm nay, thật ra là ngày cha con đã cầu hôn mẹ.

Là thế! Là ngày cha cầu hôn mẹ! Là ngày mẹ quyết định gắn đời mình với người đàn ông sẽ cho mẹ một đứa con gái rồi ra đi vội vã, đến độ mẹ còn không kịp hôn chào tạm biệt. Thế là, Tiểu Vũ nhận ra, chín năm qua, mẹ vẫn khóc vào ngày này - lúc hoàng hôn ngả hẳn - cho những tiếc thương mà chỉ mình mẹ biết, cho những xúc cảm mẹ chưa kịp gửi cha. Trong Tiểu Vũ, hẳn vẫn còn một câu hỏi, mà không biết đến tận bao giờ mới có thể tìm thấy câu trả lời, rằng, có phải, mẹ còn khóc cả ngày kỷ niệm cưới, như ngày sinh nhật của mẹ, sau những ngày giỗ của cha không? Tiểu Vũ không để cho mình có thêm thời gian loay hoay với những thắc mắc này, vì, cô biết, ngay lúc này, có thứ quan trọng hơn với mình, với mẹ - đó là một vòng tay. Mãnh liệt trong Tiểu Vũ một nỗi thúc giục cho một điều tưởng chừng luôn đơn giản, cô lao đến, ôm chầm lấy mẹ, thổn thức nói qua vai mẹ đang run lên.

- Con ở đây rồi, mẹ ạ! Con ở đây!

Mẹ siết chặt vòng tay quanh chiếc eo thon của Tiểu Vũ, vỡ òa. Mẹ khóc, như chưa từng bao giờ trong đời mẹ được khóc. Vì, hình như, chừng ấy năm bơ vơ, đơn độc, đây là lần đầu tiên mẹ tin mình còn có một chỗ dựa khác nữa, ngoài chỗ dựa vững chãi mà cuộc đời đã cướp đi của mẹ. Mẹ khóc, cho những hoài niệm mà mẹ biết, đến suốt cuộc đời, mẹ cũng không bao giờ có thể quên - thời gian có thể cướp đi trí nhớ thuộc về khối óc, chứ không thể nào đem đi được những yêu thương xuất phát từ trái tim. Mẹ khóc, mà không hề có đến một giây dừng lại, chạnh lòng nghĩ, hôm nay, là sinh nhật mẹ, lẽ ra mẹ phải cười.

Tiểu Vũ cứ thế, đứng rất lâu, ôm rịt lấy mẹ không rời. Tiểu Vũ nghe trái tim mình thổn thức những nhịp hối hận vì đã quá vô tâm, không biết đến cảm giác của mẹ, càng không biết những chịu đựng mẹ phải gồng lên che đậy với chính đứa con gái của mình. Mẹ cần khóc. Thì, cô sẽ để cho mẹ được khóc. Cười hay khóc, căn bản rồi cũng chỉ là cái quyền mà đôi khi con người tự tay tước bỏ mất khỏi cuộc đời mình.

Cuối tầm nhìn của Tiểu Vũ, nơi chiếc cửa sổ không bao giờ kéo rèm phòng mẹ, đêm chống chếnh trôi về miền hoang vu. Tiểu Vũ rùng mình, tự hỏi, tại sao đến tận cuối ngày, cô mới nhớ ra sinh nhật mẹ? Để đến một cái bánh tự tay làm tặng mẹ cũng không có? Tại sao để mẹ phải chìm trong cảm giác bơ vơ ở cái ngày mẹ nên được hưởng niềm vui sướng này? Tiểu Vũ tự hứa, mãi mãi không bao giờ được thức dậy muộn nữa. Tiểu Vũ tự hứa, mãi mãi phải đủ tỉnh táo để nhìn bình minh lên, để chờ đón một ngày cho dù là tốt đẹp hay đau khổ, thì, cô vẫn phải thức trước mặt trời, chí ít là để sưởi ấm cho đời mẹ.

Tiểu Vũ thôi không còn thức dậy muộn nữa...

***

Đây là ngày đầu tiên Tiểu Vũ đến trường.

Tiểu Vũ không thích mặc đồng phục, trông nó không có vẻ gì là xinh xắn như những bộ váy mẹ đã mua cho Tiểu Vũ trước đó. Tiểu Vũ cảm thấy ngứa ngáy khó chịu khi bó mình trong cái quần rộng thùng thình này. Sự thật là bộ đồng phục rất xấu - cái quần với hai ống rộng lùng bùng, tạo cảm giác như đang mặc váy, mà sự thật thì nó chẳng phải váy - với cái áo sơ mi có cổ bè bè cùng màu với quần. Rộng, nhưng nó làm Tiểu Vũ cảm thấy ngứa ngáy, chật chội. Tiểu Vũ chỉ muốn cởi phăng ra, vứt vào cái kho chứa đồ cũ. Thế thôi!

Mẹ loay hoay cố giữ Tiểu Vũ ngồi yên để có thể bím bím tóc còn lại. Tiểu Vũ không la hét như những đứa trẻ khác - cha đã dạy, tạo âm thanh ồn ào chỉ cốt để người khác biết con cần tự vệ, cần lấn át người khác, càng vậy, họ sẽ càng dễ muốn lấn át con - nên tất cả những gì Tiểu Vũ làm để chống cự lại mẹ với hy vọng có thể đưa Tiểu Vũ vào lớp trong bộ quần áo xấu xí này là liên tục cục cựa.

Mẹ vốn là người thừa kiên trì trước những trò chống đối tưởng nhẹ nhàng nhưng thật ra rất mệt mỏi của Tiểu Vũ. Cách của mẹ thường chỉ là cười, đứng ra xa một chút, ngắm nghía và nói một câu gì đấy khiến Tiểu Vũ phải xiêu lòng. Ví như, lần Tiểu Vũ đòi mang guốc cao ở tiệm giày dép - cách đòi cũng chỉ khẳng định bằng những cú cựa quậy khó diễn tả - mẹ sau một hồi thuyết phục không được, đành lặng lẽ cười, đứng cách ra xa một đoạn, bảo Tiểu Vũ mang đôi guốc cao vào để mẹ ngắm. Rồi, mẹ cười, nói rất thản nhiên.

- Chà, Tiểu Vũ của mẹ cao quá nhỉ? Trông như người lớn. Mang đôi này thì đứng vừa in vào bục rửa chén! Có lẽ, hôm nay Tiểu Vũ sẽ bắt đầu làm được việc giúp mẹ với đôi guốc cao gót này rồi đây!

Bỏ cuộc! Tiểu Vũ hoàn toàn bỏ cuộc. Không phải vì Tiểu Vũ sợ làm việc nhà. Vốn, cha đã hướng dẫn Tiểu Vũ làm rất nhiều việc nhà phụ mẹ, như lau bàn, hút bụi chẳng hạn. Nhưng với chuyện cứ rửa chén là bể vỡ, đến độ cha bảo, rồi chúng ta sẽ chuyển sang ăn trong đĩa, trong thau, không sao cả... thì Tiểu Vũ hiểu, mình chưa đủ lớn để làm những việc ấy, trừ khi mình học đủ. Thế nên, khi cheo meo trên đôi guốc cao gót, nghe mẹ khẳng định rằng, như vậy là đủ lớn để rửa chén - chắc chắn là không được làm vỡ - thì đó là điều quá sức với Tiểu Vũ.

Tiểu Vũ ngoan ngoãn tháo đôi guốc ra, để ngay ngắn lại lên kệ như trước. Sau cái chẹp miệng đầy tiếc nuối của cô bé gái bốn tuổi, cha đến, cười và nói, giọng thật sự tiếc, còn hơn cả Tiểu Vũ đang tiếc cơ.

- Chà! Tiếc nhỉ? Rõ ràng nó còn thừa cả đoạn, nghĩa là con có thể mua, mang nó trong nhiều năm, đợi đến khi chân con vừa khít với nó.

Lần này, không phải là đôi guốc cao quá rộng so với bàn chân Tiểu Vũ, thứ mà nếu đòi cho bằng được, rồi không thích nữa, Tiểu Vũ hoàn toàn có quyền tháo ra, để lên kệ và ngắm nghía rồi tự thỏa mãn với việc được sở hữu của mình. Lần này là bộ đồng phục sẽ gắn với Tiểu Vũ suốt một năm học - suốt một năm học đấy nhé - và dự rằng năm sau, năm sau nữa, mấy năm sau nữa, cũng sẽ chỉ những bộ quần áo giống thế này nhưng kích cỡ lớn hơn. Không muốn! Hoàn toàn không muốn! Và, khôn ngoan nhất là hãy chống cự từ đầu để mẹ đừng nuôi hy vọng bắt Tiểu Vũ mặc nó vào người chừng ấy thời gian.

Mẹ cũng bỏ cuộc. Tiểu Vũ hay nghĩ, nếu mẹ bỏ cuộc, thì thành ra giản đơn quá. Sao mẹ không phết vào đít Tiểu Vũ một cái thật đau, gằn giọng thật dữ tợn, rằng đó là lệnh và Tiểu Vũ phải làm theo, nhỉ? Đôi khi, Tiểu Vũ thật muốn hiểu cái cảm giác bị đét đít là thế nào. Trẻ con thường ngu thế. Không bị đòn lại rất muốn khám phá cảm giác bị đòn. Không! Mẹ chẳng bao giờ đánh Tiểu Vũ cả, kể cả khi tự Tiểu Vũ biết mình đang rất hư, như lúc này chẳng hạn - khi cả cơ thể bám rịt lấy ghế rồi lắc lư liên hồi với suy nghĩ mẹ chẳng thể tròng được áo vào cái cơ thể không đứng yên này.

Cha đứng ngoài cửa phòng, nhìn chằm chằm vào trong. Cha nhìn mẹ, cười nụ cười thông cảm thật sự. Cha nhìn Tiểu Vũ, cười nụ cười dịu dàng muôn thuở. Với cha, bất kỳ biểu hiện nào của Tiểu Vũ cũng trở thành đáng yêu, và, cha luôn dành những nụ cười thật sự tình cảm cho những thứ mà cha gọi là đáng yêu ấy. Rồi, cha chầm chậm bước vào phòng.

- Con gái này! - Cha nói, giọng rất ôn tồn. - Con biết bạn Phôn ở xóm ngoài kia chứ?

Tiểu Vũ dừng cái trò đòng đưa cơ thể lại, tay khẽ nới ra chút ít khỏi ghế, quay lại nhìn cha. Phôn à? Nó tên là Phôn hay Pôn nhỉ? Kiểu gì thì chắc chắn cũng không phải tên thật của nó. Tiểu Vũ gật đầu.

- Bạn ấy thậm chí không có tiền để mua đồng phục mặc, con ạ! Trong khi giờ cũng là lúc bạn ấy đến trường, như con.

- Thế, không có đồng phục nghĩa là không được đến trường ạ?

- Phải!

Tiểu Vũ lặng im suy nghĩ. Tiểu Vũ nghĩ, ai bắt học sinh mặc đồng phục thật là buồn cười. Đứa không thích cũng phải mặc. Đứa thích mà không có cũng phải tìm ra cách để phải có, để phải mặc. Rắc rối thật.

- Chúng ta đã mua giúp bạn ấy hai bộ đồng phục! - Cha nói, chậm, đủ để xem thái độ của Tiểu Vũ. - Có quần áo đồng phục, khi vào lớp, bạn ấy sẽ không bị cảm giác nhà bạn ấy khó khăn so với các bạn khác, và như thế bạn ấy sẽ yên tâm mà học, con nhỉ?

Tiểu Vũ lặng im.

Mẹ lặng im.

Cha lặng im.

- Mẹ bím giúp con bím còn lại, nhé? - Tiểu Vũ quay sang nhìn mẹ, hơi ngại ngùng.

Tiểu Vũ thấy, rõ ràng khi bước lại gần chỗ hai cha con, mẹ khẽ vịn vào tay cha, như kiểu cảm ơn cha vậy. Hành động ấy, tuy rất khẽ, rất nhẹ nhàng và rất nhanh, nhưng đủ để Tiểu Vũ ghi nhớ theo khả năng hiểu của Tiểu Vũ - khi mẹ khó khăn, cha luôn luôn là người giúp đỡ.

Hôm đấy, Tiểu Vũ đến trường trong bộ đồng phục vẫn chưa thể xem là đẹp, nhưng hiểu đúng giá trị của nó nên thấy rất yên lòng. Thêm phần, Tiểu Vũ loay hoay tự hỏi, thằng Phôn là Phôn hay Pôn, và, trông nó mặc bộ đồng phục với hai ống quần rộng thùng thình giống cái váy đầm sẽ thế nào, nên đoạn đường đến trường của Tiểu Vũ hơi xa so với khả năng đợi của cô bé.

Trước cổng trường, thằng Phôn - hoặc Pôn gì đấy - đã đứng đợi sẵn cùng với một người đàn bà trông có vẻ nhem nhuốc, chắc là mẹ nó, người hay loáy hoáy sau cái tủ đựng nước và thuốc lá nhỏ xíu góc đường mà Tiểu Vũ chưa bao giờ thấy mặt. Tiểu Vũ hơi bất ngờ khi quần của thằng Phôn - là Phôn hay Pôn nhỉ - không rộng như của mình, chỉ là cái quần cộc con trai với áo sơ mi không có cái cổ xòe, thế thôi. Trông cũng được, không đến nỗi nào như mọi ngày Tiểu Vũ vẫn thấy nó.

Vừa thấy cha mẹ và Tiểu Vũ bước xuống xe, người đàn bà đã nắm chặt tay thằng con trai mà đến lúc này, Tiểu Vũ chỉ mong giáp mặt để hỏi nó tên Phôn hay Pôn, đi nhanh đến. Họ đứng trước mặt cha mẹ Tiểu Vũ, cúi rạp người xuống và rối rít cảm ơn. Cha Tiểu Vũ lúng túng trả lời vài câu, rồi nhanh chóng đưa Tiểu Vũ tiến về phía cổng trường, ở đó, có rất nhiều người đang dõi theo câu chuyện giữa gia đình Tiểu Vũ với hai mẹ con nhà nghèo kia.

Có tiếng còi xe inh ỏi. Có tiếng la hét. Cha Tiểu Vũ quay nhanh lại. Cảnh tượng không có gì là quá bát nháo, nhưng khó coi. Người đàn ông trong chiếc ô tô cáu cạnh chồm ra cửa kính, chửi mẹ thằng Phôn sa sả vì tội đứng ngáng đường ông. Người đàn bà khắc khổ luýnh quýnh. Càng quýnh quáng, bà càng không biết đường mà tránh đi. Càng vậy, người đàn ông có vẻ giàu có nọ càng la lối dữ tợn hơn.

Cha Tiểu Vũ vội vàng quay qua nhìn mẹ Tiểu Vũ, gật đầu, ra hiệu rằng ông sẽ đến chỗ nọ. Rồi, cha đi. Tiểu Vũ bắt đầu phải kiễng chân lên để nhìn, vì đám đông đã ùa tới xem chật kín. Bất thình lình, Tiểu Vũ thấy thèm đôi guốc cao gót năm bốn tuổi đến lạ lùng.

Vài tiếng gào thét. Những tiếng la ó giận dữ. Có tiếng rú thất thanh. Linh tính của một người vợ thúc mẹ Tiểu Vũ rẽ đám đông chạy đến, tay vẫn nắm chặt bàn tay bé xíu của Tiểu Vũ. Thỉnh thoảng, mẹ cúi xuống nhìn thử, đôi chân ngắn cũn của Tiểu Vũ có theo kịp những bước chạy của mẹ không. Giá mà, đừng gì kịp cả! Giá mà đừng nhìn thấy, đừng tạo cơ hội cho cái đầu non nớt của Tiểu Vũ ghim chặt một suy nghĩ rất đau, rằng, đôi khi người tốt rồi sẽ phải trả một cái giá nào đấy cho chính hành vi đúng đắn của mình!

Lúc mẹ và Tiểu Vũ đến nơi, là lúc người đàn ông trong chiếc ô tô nọ đã xông thẳng đến, túm lấy cha, lẳng cha ra đường. Thân hình cha dội thẳng vào một chiếc xe tải đang lao đến, đánh vập một cái chua chát; cùng với tiếng thét thất thanh của mẹ, cha ập đổ xuống đường...

Đó là ngày đầu tiên Tiểu Vũ đến trường. Nhưng, hôm đấy, Tiểu Vũ đã không vào lớp học. Suốt những giờ, những ngày sau đấy, Tiểu Vũ ngồi cạnh mẹ trong bệnh viện, sát bên chiếc giường có cha nằm bất động. Sau một tuần, cha đi...

Thằng Phôn - tên thật là Quang Tiến - cùng mẹ nó túc trực ở bệnh viện suốt như mẹ con Tiểu Vũ. Nó là đứa kiệm lời. Ngồi cạnh Tiểu Vũ suốt cả tuần ấy nhưng chỉ một lần nói tên thật, rồi khẳng định tên thân mật mẹ nó hay gọi nó là Phôn chứ không phải Pôn, ngoài ra, nó chỉ hỏi vài câu, động viên vài câu để Tiểu Vũ ăn chút gì đó cho đỡ đói. Mẹ không còn đủ sức để lo cho Tiểu Vũ lúc này, thế nên thằng Phôn phải làm điều ấy.

Sáu tuổi, Tiểu Vũ lần đầu tiên hiểu rằng, có những lúc, ở ngay sát cạnh mẹ - người phụ nữ cho Tiểu Vũ niềm tin được bảo vệ, được che chở tuyệt đối - nhưng Tiểu Vũ sẽ phải tự lo cho mình, vì, cho dù vững vàng đến mấy, có những lúc, con người ta sẽ bị cuộc đời đánh gục mà thôi...

Đêm đó, ở hành lang bệnh viện, lúc ra ngồi cạnh thằng Phôn, ăn cùng nó cái bánh bao, Tiểu Vũ chập chờn ngủ trên vai nó, vì Tiểu Vũ không muốn trở vào để mẹ phải lo thêm cho mình. Tiểu Vũ nghe cóng lạnh ngay khi cảm nhận được bước chân nhẹ nhàng của cha đến rất gần. Cha đặt bàn tay ân cần của ông lên vai Tiểu Vũ, nói da diết đến lạ lùng.

- Hãy vững vàng để lo cho mẹ, con nhé!

Tiểu Vũ giật mình thức dậy. Đồng hồ điểm 3 giờ sáng của một ngày mới. Ngoài kia, bình minh vẫn chưa lên...

***

Đó là những chuyện năm Tiểu Vũ bốn tuổi, sáu tuổi và mười lăm tuổi... Những dấu mốc cuộc đời mà Tiểu Vũ không bao giờ có thể quên, cũng không dám quên. Cuộc sống của cô đến giờ chỉ là hai mươi năm, nhưng, có những giá trị quá lớn cô nhận được, để tự nhắc nhở mình rằng, hãy lưu giữ trọn vẹn ký ức theo chiều đúng đắn nhất, để tự bản thân mình đừng bỏ sót bất kỳ thứ gì của hôm qua, của hôm nay, vì, ngày sau của cô sẽ được xây dựng trên nền tảng ấy.

Ngày mai là kết thúc đợt nghỉ hè. Ngày mai là ngày Tiểu Vũ phải lên đường trở về với ký túc xá. Ngày mai là ngày Tiểu Vũ phải lần nữa xa mẹ đến nửa vòng Trái Đất. Tiểu Vũ không ghét con đường mình đã chọn, hay nói đúng hơn là con đường mẹ đã chọn hộ cô. Chỉ là, cái ngày xách va-li đi vào phòng cách ly, nhìn ra lớp kính trong, thấy mẹ mỉm cười mà lòng Tiểu Vũ cứ quặn lại. Để, suốt một năm học, không lúc nào Tiểu Vũ không nghĩ về nụ cười ấy.

Gia đình có điều kiện. Cho dù cha đã không còn. Cho dù công ty của cha giờ phải nhờ cậy người khác gánh vác, vì vốn mẹ chưa từng thạo việc kinh doanh; lấy cha rồi, mẹ càng chỉ biết đến việc vun vén nhà cửa, đến những bữa ăn giấc ngủ của cha và Tiểu Vũ. Nhưng không vì vậy mà mẹ cho Tiểu Vũ cái quyền được về nước thăm mẹ nếu đợt nghỉ không trùng với dịp nghỉ lễ của người Việt Nam. Mẹ không tiếc gì với Tiểu Vũ - cô chắc chắn thế; nhưng mẹ muốn rèn giũa Tiểu Vũ ở đúng thời điểm cô cần biết rõ giá trị của đồng tiền để tiêu nó vào thứ hợp lý nhất. Chuyện hai mẹ con được ở gần nhau, đương nhiên là chuyện hợp lý. Nhưng với mẹ, bỏ ra một con số nhiều bằng người khác phải làm lụng suốt năm để mua vé máy bay cho Tiểu Vũ bay về rồi lại bay đi sau vài ngày chóng vánh, thì vẫn chưa thể là đủ hợp lý được. Tiểu Vũ không buồn, không giận, càng không dám trách mẹ. Tiểu Vũ chỉ nhớ - nhớ đến điên cuồng những bữa cơm mẹ nấu, những nhát lược nhẹ nhàng mẹ chải trên mớ tóc đã dài quá nửa lưng của Tiểu Vũ trước khi lên giường ngủ, và nhớ nhất là đôi bàn tay mẹ luôn ấm, áp vào má Tiểu Vũ cùng câu chúc ngủ ngon... Có một thứ tình yêu rất lớn không cần nói thành lời, không thể đong đo bằng vật chất xa xỉ, chỉ từ những điều giản dị nhất nhưng đủ để nuôi dưỡng cho con người ta dũng khí bước qua nhiều khó khăn của cuộc đời; mà duy nhất một người có thể đem lại - mẹ!

Suốt một năm học ròng rã, mà có đến thêm một tháng trước khi nhập học, sang trước để ổn định chỗ ở, làm quen với môi trường, Tiểu Vũ và mẹ không có nhiều thời gian trò chuyện. Giờ Tiểu Vũ trái với giờ của mẹ - ngược hoàn toàn. Tiểu Vũ không ngại thức khuya thêm một chút để có thể nói chuyện với mẹ nhiều hơn, nhưng mẹ bảo mẹ ngại cho sức khỏe của Tiểu Vũ; thế nên, chính mẹ là người chủ động tìm cách hạn chế những cuộc gọi đường dài. Ban đầu, Tiểu Vũ có phần hụt hẫng. Bởi, giờ đây, ngoài màn hình máy tính với những cuộc gọi có thể nhìn thấy gương mặt mẹ vẫn đẹp thanh tao, dẫu có đôi chút tàn phai bởi năm tháng, Tiểu Vũ không còn gì là thân quen. Nhưng, dần rồi, Tiểu Vũ cũng hiểu. Đã đi, nghĩa là phải học cách sống mới hoàn toàn, khác hoàn toàn. Mẹ dặn, khi cần, chỉ cần nghĩ đến, sẽ đủ. Tiểu Vũ thử, nhiều lần, lần nào cũng trong nước mắt. Rồi nhận ra, mẹ nói phải! Nghĩ đến mẹ theo cách phải thấy đủ, Tiểu Vũ sẽ thấy đủ để vượt qua những cô đơn hằn trong tâm trí cô suốt những ngày tháng thấy mình bé nhỏ nơi đất khách quê người. Sau khóc, ắt sẽ đến lúc cười, Tiểu Vũ tin như thế!

Tiểu Vũ đi học được hai tháng thì tìm được việc làm thêm. Đây là một quyết định mà Tiểu Vũ biết mình cần phải tự quyết, không nên hỏi ý kiến của mẹ làm gì. Bởi, cuộc sống này, nếu cái gì cũng trông chờ chuyện người khác cho ý kiến, hoặc quyết định hộ, thì thậm chí, con người ta không có cơ hội để mà thất bại, chứ đừng nói mong đến thành công.

Công việc của Tiểu Vũ là chạy bàn cho một quán ăn Việt. Không quá nặng nề, không nhiều áp lực, trừ chuyện phải đứng suốt ca sáu hoặc tám tiếng mỗi ngày làm việc. Tuần chỉ làm ba ngày - vào những ngày không phải đến lớp buổi chiều - cũng đủ làm Tiểu Vũ rã rời. Những ngày đầu mới làm việc, đêm về, không dưng Tiểu Vũ ôm gối khóc một mình; mà tự thân cũng chẳng biết tại sao mình lại khóc. Chẳng ai khóc vì mệt cả! Chẳng lẽ Tiểu Vũ thấy tủi thân vì bao năm quen được bảo bọc, nuông chiều, nay phải cun cút phục vụ người khác, vẽ ra những nụ cười trên gương mặt không giấu nổi mệt mỏi của mình? Không! Tiểu Vũ không tin mình yếu đuối đến thế. Cô tự nhủ, có lẽ, chỉ vì nhớ mẹ quá; hoặc giả chỉ là mong có mẹ lúc này, để bà có thể nhìn thấy con gái đã khôn lớn, đã trưởng thành ra sao. Ừ thì, không có mẹ chứng kiến một dấu mốc mà với Tiểu Vũ cũng rõ ràng rất quan trọng này, cuộc sống bỗng bơ vơ và chênh vênh đến lạ!

Cô nhận lương theo tuần. Lương không cao, dĩ nhiên là không đủ bất kỳ chi phí nào cho chuyện ăn, học ở đất nước đắt đỏ nhất nhì hành tinh này. Nhưng điều đặc biệt là Tiểu Vũ biết, mình sẽ làm gì với số tiền kiếm được từ chính sức lao động của mình. Và, Tiểu Vũ bắt đầu thấy mình học được cách trân trọng thời gian đúng nghĩa. Phải! Đôi khi, đợi chờ là một niềm hạnh phúc lớn lao mà con người ta họa hoằn lắm mới nhìn thấy được. Tiểu Vũ đợi, đến khi dành đủ số tiền lương nửa năm của mình, đúng kỳ nghỉ hè... Đợi...

Tiểu Vũ không buồn, không bất ngờ khi mẹ có vẻ lừng khừng lúc cô hỏi, đến hè, cô về thăm mẹ thì thế nào? Nhưng đến khi, sự chần chừ của mẹ kéo dài khoảng non phút thì Tiểu Vũ bắt đầu bị dao động mạnh. Cô nghĩ, chưa cần phải tính đến chuyện tự cô trả tiền vé máy bay, nếu là mẹ cho Tiểu Vũ số tiền ấy, thì một năm đã đủ là khoảng thời gian để mẹ mong cô trở về. Nhưng, mẹ vẫn chần chừ.

- Con có thể tự mua vé máy bay, mẹ ạ! - Tiểu Vũ nói, không còn giữ được sự tự hào như ban đầu vẫn tưởng khi nói ra điều này.

- Sao cơ? - Mẹ hỏi, nghe rất hoang mang. - Con tự mua vé máy bay à?

- Vâng! - Tiểu Vũ có vẻ rất buồn. - Con đã đi làm thêm hơn nửa năm nay. Tiền kiếm được, con chỉ dành để mua vé về thăm mẹ, vì con nghĩ mẹ mong điều ấy.

- Ồ, con yêu! Dĩ nhiên là mẹ mong lắm chứ. Chỉ có điều...

***

Dẫu sao thì Tiểu Vũ cũng về. Mẹ đón Tiểu Vũ ở sân bay, vẫn với một sự hoang mang, bần thần nào đó mà Tiểu Vũ chưa từng thấy bao giờ. Mẹ sao thế nhỉ? Tiểu Vũ tự hỏi, nhưng rốt cuộc cũng chỉ im lặng đẩy xe hành lý theo mẹ dọc đoạn đường sạch trơn trong sân bay. Không ai nói gì cả. Trên một vài bước chân, có lúc, Tiểu Vũ mong đoạn đường ngắn lại, để đừng phải chịu đựng thêm cảm giác ngột ngạt này - cái ngột ngạt lạ lùng giữa khoảng không gian rộng lớn hơn so với chiếc máy bay cô đã ngồi suốt một ngày đêm qua - nhưng cũng có lúc Tiểu Vũ lại mong cho đoạn đường dài ra thêm chút nữa, để tìm đủ cơ hội mà hỏi, thật ra mẹ đang có chuyện gì?! Bởi Tiểu Vũ tin chắc rằng, nếu lúc này không giúp mẹ nói ra, thì e rằng mọi thứ rồi không thể tự nhiên như trước đây nữa. Tiểu Vũ hốt nhiên thấy sợ! Khoảng cách luôn là thứ khiến con người hoảng sợ, hoang mang dẫu nó vô hình; mà có lẽ bởi nó vô hình, không sờ nắm được, không kéo gần lại được khi cần nên người ta mới lo sợ đến thế!

Đoạn đường vẫn chỉ dài chừng ấy. Và, vẫn chẳng ai nói với nhau câu nào!

Mãi đến khi về nhà, Tiểu Vũ hiểu ngay, mẹ đang hoang mang vì điều gì. Người đàn ông trung niên, trông vẫn còn rất phong độ chỉ thoáng mím môi, rồi xòa ra cười nụ cười rất hồn hậu, ngay khi Tiểu Vũ còn đứng trơ trơ vì bất ngờ. Một người đàn ông sao? Một người đàn ông cao lớn với mái tóc dày hoa râm rất đẹp, mặt mày nhẵn nhụi theo cách chỉn chu, trong chiếc tạp dề giống chiếc tạp dề hoa mà mẹ và Tiểu Vũ đều có, chỉ là, chắc chắn cái ông ta đang vận lớn hơn. Trên tay người đàn ông xa lạ ấy là đôi đũa bếp dính dầu mỡ ở phía chóp đầu. Ông ấy đang nấu ăn cho mẹ sao? Mẹ để người khác vào gian bếp của mẹ - nơi mà mẹ vẫn đinh ninh rằng, chỉ duy nhất một mình mẹ được độc chiếm để nêm nếm tình yêu thương vào từng món ăn sao? Và, ông ấy nấu ăn vào cái ngày biết chắc Tiểu Vũ sẽ về lại nhà mình ư?... Những câu hỏi dành cho phần hoang mang khi cuộc sống quen thuộc của hai mẹ con cô rõ ràng đã thay đổi vì sự xuất hiện của một người đàn ông lạ khiến Tiểu Vũ cứ đứng thần ra, chẳng biết nên làm gì.

- Tiểu Vũ à, đây là... - Mẹ hơi dừng lại, kiểu như đang tìm một đại từ nhân xưng phù hợp cho người đàn ông vẫn còn là xa lạ hoàn toàn kia với Tiểu Vũ - bác Đạm...

- Ồ! Chào bác! - Tiểu Vũ sực tỉnh, bước nhanh lại trước mặt người đàn ông đang chùi chùi tay vào tạp dề một cách lúng túng.

Người đàn ông vội vàng đưa bàn tay to, hơi mềm so với tay đàn ông, và rất ấm ra, đợi bắt tay Tiểu Vũ. Tâm trí Tiểu Vũ lúc này chỉ biết vận động hết tốc lực, nghĩ thử, sau cái bắt tay, mình nên làm gì cho phải nhỉ? Cô nên bắt đầu câu chuyện thế nào để mẹ không cảm thấy khó xử? Có nên là người chủ động hỏi về mối quan hệ giữa hai người hay không? Hoặc có nên kể cho người vừa được mẹ giới thiệu là "bác Đạm" mối quan hệ gắn bó giữa hai mẹ con cô từ sau ngày cha rời bỏ họ mà đi mãi mãi?... Hay thôi, cứ để mọi thứ thật tự nhiên vậy. Tình cảm, đâu ai có thể tính toán bao giờ.

Tự nhiên? Thế nào là tự nhiên nhỉ? Hơn mười năm chỉ có hai mẹ con Tiểu Vũ với nhau. Ăn - ngủ - học hành - du lịch... tất cả đều chỉ có hai mẹ con. Thậm chí, cả khi đau bệnh, cũng chỉ có Tiểu Vũ và mẹ. Có những lúc, Tiểu Vũ muốn hỏi, thật sự mẹ có cô đơn không? Thật sự mẹ có cần một vòng tay cứng cỏi ôm riết mẹ vào lòng, vỗ về những đớn đau mà mẹ đã trải qua không? Chưa bao giờ Tiểu Vũ có cơ hội hỏi mẹ những điều ấy; không phải vì cô vô tâm, mà vì mẹ luôn đoán trước được để rồi trở nên cứng cỏi hơn mà dang tay ra bảo bọc đứa con gái của bà, để khẳng định rằng, như thế đã là quá đủ. Thế nên, thứ duy nhất cô có thể làm là yêu thương mẹ hết lòng, dành tất cả thời gian riêng tư cho mẹ, đến độ, có những phút xao lòng với những gã trai cùng trường, cùng lớp, Tiểu Vũ đều gạt đi. Chưa khi nào cô nghĩ, đã đến lúc để yêu thương thêm ai đó ngoài mẹ. Đó là tự nhiên!

Vậy, có phần nào tự nhiên trong Tiểu Vũ dành cho sự bình thản - ít nhất là phải bình thản, nếu không thể hân hoan - khi mẹ có một ai đó khác chăm sóc, thay vì là cô không? Hoặc, có phần nào tự nhiên dành cho sự vị kỷ, sợ hãi khi phải chia sẻ mẹ với một người khác, không phải là cha? Nghĩ đến đây, Tiểu Vũ rùng mình. Cái rùng mình mạnh như cố giũ sạch những suy nghĩ không đẹp đẽ, không hay ho đó. Không! Vậy là ích kỷ. Tiểu Vũ không có quyền ích kỷ. Tiểu Vũ phải học cách vui cho những thứ đẹp đến với đời mẹ. Cô nhất định phải vui. Yêu thương đủ sẽ khiến con người tự nhiên hạnh phúc khi nhìn người mình yêu hạnh phúc! Thế nên, đừng thể hiện rằng mình dành cho mẹ không đủ so với tình yêu thương bao la mẹ đã dành cho mình! Không được quyền ích kỷ - Tiểu Vũ tự răn bản thân, khi một nỗi buồn lạ kỳ cứ miên man, chầm chậm trờ tới.

***

Suốt cả mùa hè đầu tiên của chuỗi những ngày du học, ngày nào Tiểu Vũ, mẹ và bác Đạm cũng ăn cơm với nhau. Cuối tuần, bác Đạm đánh xe đến đưa Tiểu Vũ và mẹ đi biển - ăn hải sản cùng nhau, nhâm nhi bia cùng nhau vì mẹ bảo Tiểu Vũ đã đủ lớn để có quyền uống một chút nếu cô muốn, thậm chí, chuyện dạo biển đêm cũng cùng nhau. Mẹ và bác Đạm chưa từng bao giờ tách riêng ra, để Tiểu Vũ lại một mình cả, kể cả khi, chính Tiểu Vũ muốn được đứng ra xa một chút và lặng lẽ nhìn. Đêm, bác Đạm ý nhị về phòng khách sạn sớm, để hai mẹ con Tiểu Vũ có thêm chút thời gian riêng tư. Tiểu Vũ đã muốn hỏi mẹ, mối quan hệ ấy có phải tình yêu không và mẹ có cảm thấy hạnh phúc không? Thế nhưng, cứ mở miệng ra là mọi thứ lại như vón cục, cứng ngắc, chắn ngang cổ khiến Tiểu Vũ không thể thốt nên lời. Mẹ vẫn rất ân cần, dịu dàng và thân thiết, với những câu chuyện bình dị mà xưa nay hai mẹ con vẫn nói với nhau... Mọi thứ có vẻ rất tự nhiên. Trong cái tự nhiên ấy, Tiểu Vũ nhận ra, không phải cô ghen tị - hoàn toàn không - nhưng cô lo sợ. Một nỗi lo sợ mông lung và không thành hình. Dẫu sao, cả ba cũng đã có những tháng ngày thật sự vui vẻ bên nhau, hoặc ít nhất thì Tiểu Vũ cũng cảm thấy vui khi được ở cạnh mẹ, cho dẫu lúc này còn có thêm một người khác nữa - không thể gọi là xa lạ, nhưng cũng chưa thật sự thành quen. Tiểu Vũ chưa hỏi mẹ chuyện mẹ gặp rồi yêu bác Đạm thế nào, cũng không chắc cô sẽ hỏi, vì, cái gì thuận theo tự nhiên ắt sẽ được đón nhận một cách tự nhiên.

Mẹ và bác Đạm ra ngoài, đêm trước khi Tiểu Vũ chuẩn bị lên đường trở lại trường học. Cả mẹ và cô đều thỏa thuận rằng, không bao giờ phải dùng từ "đi" cho những lần biệt ly này, có vẻ, mẹ muốn Tiểu Vũ học cách sống thật sự ở bất kỳ nơi nào cô đặt chân đến. Sống chứ đừng tồn tại; nghĩa là, hãy khiến mỗi ngày trở nên ý nghĩa, có giá trị bằng cách yêu thương mọi thứ xung quanh mình! Lúc nghe mẹ bảo mẹ sẽ ra ngoài, Tiểu Vũ không tránh khỏi cảm giác hẫng đến vài giây. Thật sao? Chỉ còn đêm nay thôi là mẹ và cô lại xa nhau một quãng thời gian rất dài, thế mà mẹ lại không hề có ý định sẽ tranh thủ thời gian ở gần cô thêm một chút? Nhưng đến khi ánh mắt mẹ cụp xuống, giấu đi ầng ậng nước sắp trào ra, khi miệng mẹ vẫn khăng khăng muốn ra ngoài, lúc bác Đạm e dè đề nghị mẹ ở nhà, Tiểu Vũ hiểu, mẹ cần tránh đi nơi khác - nơi nào đó không có cô, để khóc cho những lo lắng về đứa con gái mà mẹ không muốn nó trưởng thành rồi đi xa khỏi vòng tay mẹ...

Tiểu Vũ ở một mình, đối diện với mớ đồ đạc chưa gấp vào va-li, thẫn thờ nhìn ra cửa sổ. Còn bao lâu nữa, bình minh sẽ lên? Có thể nào, một lần trong đời, bình minh sẽ đến muộn không?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.