Bạo Quân, Ta Đến Từ Cục Tình Báo Quân Tình Số 9!

Chương 19




Ông Panteley Prokofievich cùng gia đình sống bình an vô sự ở thôn Latysev được hai tuần rưỡi. Vừa nghe tin Hồng quân rút khỏi sông Đông, ông đã sửa soạn trở về nhà. Khi chỉ còn chừng năm véc- xta là về tới thôn, ông đã tụt trên xe xuống với vẻ mặt rất kiên quyết và nói:

- Đi dẫn rệu bước một như thế nầy, tôi không thể nào chịu được nữa rồi? Buộc thêm hai con bò cái đáng nguyền rủa nầy thì làm thế nào chạy nước kiệu được. Mà chúng ta lôi chúng nó đi theo làm cái quái gì nhỉ! Dunhiaska! Cho hai con bò mộng đứng lại! Buộc hai con bò cái sang bên cái xe của mày, để tao cho nó chạy nước kiệu về nhà. Chưa biết chừng ở đấy, bao nhiêu nhà phụ nhà ngang chỉ còn một đống tro…

Sốt ruột không thể nào chịu được nữa, ông cho hai đứa bé đang ngồi trên chiếc xe nhỏ của mình sang chiếc xe rộng thênh thang của Dunhiaska, chuyển bớt đồ đạc sang bên đó cho đỡ nặng rồi với chiếc xe nhẹ hẳn đi, ông cho con ngựa chạy nước kiệu trên con đường mấp mô. Mới chạy được một vec- xta, con ngựa cái đã đổ mồ hôi đầm đìa. Nó chưa bao giờ bị chủ đối xử tàn nhẫn như thế nầy: ngọn roi không lúc nào rời khỏi tay, ông luôn luôn thúc nó chạy nhanh hơn.

- Ông đến làm con ngựa cái chạy đứt hơi mất thôi? Làm gì mà phi như hoá điên hoá cuồng thế nầy? - Bà Ilinhitna nói, hai tay cứ bám chặt lấy thành xe, mặt nhăn nhó vì bị xe lắc quá mạnh.

- Dù sao nó cũng không đến mồ tôi mà khóc đâu… Na- a- ào, cái con khốn kiếp nầy! Đổ mồ hôi ấy à? Đằng ấy, chưa biết chừng cả cơ nghiệp chỉ còn vài mẩu than cháy… - Ông Panteley Prokofievich rít lên qua hai hàm răng nghiến chặt.

Sự thật đã không đúng như điều ông lo lắng: ngôi nhà vẫn còn khá nguyên vẹn, nhưng hầu hết các cửa sổ đều bị đập vỡ, cánh cửa ra vào bật khỏi bản lền, các bức tường thủng lỗ chỗ vì những vết đạn.

Mọi thứ ngoài sân đều mang vẻ hoang tàn, thê lương. Một trái đạn pháo đã bắn sạt hẳn một góc chuồng ngựa, một qua thứ hai đào một cái hố hình phễu không sâu lắm ở gần cái giếng, phá nát cái khung gỗ trên thành giếng và làm gãy đôi cái cần kéo nước. Cuộc chiến tranh mà ông Panteley Prokofievich bỏ chạy đã tự nó dẫn xác đến ngôi nhà của ông, để lại sau nó những dấu vết dơ dáng khó coi của sự tàn phá. Song bọn Cô- dắc vùng sông Khop đóng quân trong thôn còn gây ra cho nhà ông những sự thiệt hại lớn hơn. Ngoài sân nuôi gia súc, chúng đã làm đổ dãy hàng rào, chúng đào những đoạn chiến hào sâu bằng đầu người và để đỡ tốn công sức, chúng đỡ những bức tường của nhà thóc, lấy những khúc gỗ tròn lát che bên trên chiến hào. Chúng phá dãy tường bao bằng đá, làm những lỗ châu mai, súng máy, cho ngựa dẫm bừa bãi, nát hỏng mất nửa cây rơm, đốt hàng rào và làm ô uế cả căn nhà bếp dùng về mùa hè…

Đi thăm xong nhà trên và những gian nhà xép chung quanh sân, ông Panteley Prokofievich đưa hai tay lên ôm đầu. Lần nầy ông đã làm khác cái thói quen mọi khi là coi tất cả các của mất đi là chẳng có giá trị gì cả. Quỉ quái thật, làm thế nào mà ông có thể nói rằng tất cả những thứ mà ông chắt chiu hàn gắn kiếm được đều không cô giá trị gì cả và chỉ đáng để phá đi! Một căn nhà thóc không phải là một cái áo choàng nông dân, dựng được nó lên đâu phải mất ít tiền của.

- Thật như trước kia không có cái nhà thóc bao giờ. - Bà Ilinhitna thở dài nói.

Nhưng trước kia nó vẫn là một cái nhà thóc đấy… - Ông Panteley Prokofievich lập tức trả lời ngay, nhưng chưa nói hết câu, ông đã khoát tay bỏ ra sân phơi.

Những bức tường nhà trên bị những mảnh đạn pháo và những viên đạn súng trường, súng cối bắn hư hỏng, thủng lỗ chỗ như những bộ mặt rỗ, nom thật là ảm đạm, hoang tàn. Gió rú ù ù trong các căn phòng, bụi bám trên những cái bàn những chiếc ghế dài thành một lớp dầy… Sẽ phải mất nhiều thì giờ lắm mới có thể dọn dẹp, sắp xếp đâu vào đó Ngay hôm sau, ông Panteley Prokofievich cưỡi ngựa lên thị trấn và không khó khăn gì lắm, cũng xin được của gã y sĩ quen biết một tờ giấy chứng thực rằng vì có bệnh ở chân, người Cô- dắc Melekhov Panteley không thể đi bộ được và cần phải chạy chữa. Tờ chứng thực ấy đã giúp ông Panteley Prokofievich khỏi bị đưa ra mặt trận.

Ông đem tờ giấy tới trình tên ataman và khi đi đến nhà công sở thôn, ông đã chống gậy, đi khập khiễng hết chân nọ đến chân kia để người ta dễ tin hơn.

Đời sống trong thôn Tatarsky chưa bao giờ bận rộn và hỗn loạn như sau khi dân chúng rút lui trở về. Người ta đi từ nhà nọ sang nhà kia để tìm những đồ đạc bị bọn Cô- dắc vùng sông Khop mang đi lung tung. Họ sục sạo ngoài đồng cỏ và dưới các khe núi để tìm những con bò lạc đàn. Thôn Tatarsky vừa bị hoả lựa pháo binh nã vào hôm đầu tiên thì cả một đàn ba trăm con cừu đang ở đầu trên thôn đã biến đi đâu mất. Theo lời lão chăn cừu, đàn cừu đang ăn cỏ thì một quả đạn pháo nổ ngay phía trước. Những con cừu hoảng lên ngoáy đuôi chạy lồng ra đồng cỏ rồi không ai còn thấy chúng đâu nữa. Người ta lại tìm thấy đàn cừu ở cách thôn bốn mươi vec- xta, trên địa hạt trấn Elanskaia, một tuần sau khi dân chúng đã quay trở về cái thôn bỏ hoang. Khi cừu được đưa về thôn, người ta kiểm lại thì thấy trong đàn có một nửa là những con cừu của thôn khác, với những cái cái dấu lạ đánh trên tai, còn cừu của mình, cừu trong thôn thì thiếu mất hơn năm chục. Trong vườn rau nhà Melekhov thấy có cái máy khâu của nhà Bogatyrev, nhưng ông Panteley Prokofievich lại tìm thấy những tấm tôn kho thóc nhà mình trên sân đập lúa của nhà Anikey. Trong các thôn lân cận, tình hình cũng giống hệt như thế. Trong một thời gian rất dài, dân chúng các thôn gần xa của vùng ven sông Đông vẫn còn tới thôn Tatarsky, và những khi gặp nhau, người ta còn hỏi mãi những câu như: "Ông bà có thấy một con bò cái lông đỏ, trán hói, sừng bên trái bị gãy không?" "Không biết có con bò non một tuổi, lông nâu lạc đến thôn ta không nhỉ?".

Có lẽ không chỉ một con bò non đã bị ninh trong những cái nồi của các đại đội Cô- dắc và các xe nhà bếp dã chiến, song những người chủ bò bị hy vọng thúc đẩy vẫn còn đi ngang đi dọc rất lâu trên đồng cỏ, cho đến khi họ phải tin rằng không phải vật gì mất đi rồi cũng tìm về được.

Sau khi được miễn công việc nhà binh, ông Panteley Prokofievich đã tích cực sửa sang lại các căn nhà và dãy tường bao. Những đống lúa chưa đập xong vẫn còn nằm ngoài sân đập lúa, những con chuột háu ăn vẫn còn rúc trong đó, nhưng ông già chưa bắt tay vào việc đập lúa được, một khi sân nhà còn trống huếch trống hoác, chẳng có rào dậu gì cả, nhà thóc thì mất tăm, và tất cả cơ ngơi còn mang cái vẻ gớm ghiếc như thế của sự tàn phá? Hơn nữa năm nay lại được một mùa thu đẹp trời, việc đập lúa chẳng cần phải vội vã làm gì.

Dunhiaska và bà Ilinhitna trát lại và quét vôi ngôi nhà, hết sức giúp ông Panteley Prokofievich xếp tạm một dãy tường bao và làm các việc khác. Cả nhà hì hục tìm kiếm rồi cũng có được kính lắp lên cửa sổ Mọi người quét dọn nhà bếp sửa sang lại giếng nước. Ông già đích thân leo xuống dưới giếng, và đúng là ông đã bị cảm trong khi ở dưới ấy nên suốt một tuần cứ ho sù sụ, hắt hơi; chiếc sơ- mi lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi. Nhưng ông chỉ uống một mạch hết chai rượu nặng, rồi nằm giờ lâu trên cái bếp lò ấm áp là bao nhiêu bệnh tật đều tự nhiên bị xua đi đâu hết.

Grigori vẫn biệt tăm. Mãi đến cuối tháng Mười ông Panteley Prokofievich mới ngẫu nhiên được biết rằng Grigori hoàn toàn khỏe mạnh và đang cùng trung đoàn của chàng đóng tại một nơi nào đó ở tỉnh Voronez. Một gã Cô- dắc thuộc trung đoàn của Grigori bị thương đi qua thôn đã cho ông biết tin đó. Ông già vui hẳn lên, ông sướng quá uống nốt chai rượu thuốc ngâm ớt cuối cùng, và sau đó đi khắp nơi nói chuyện, vẻ mặt kiêu hãnh như một con gà trống non. Thấy ai đi qua ông cũng giữ lại nói:

- Ông đã biết tin chưa? Thằng Grigori nhà tôi nó đánh chiếm Voronez đấy? Nghe nói hình như nó mới được thăng chức và bây giờ lại chỉ huy một sư đoàn, hay chưa biết chừng, một quân đoàn. Kiếm đâu ra được một thằng đánh nhau giỏi như nó? Có lẽ chính ông cũng biết… - Ông già cứ thế mà bịa đặt. Ông cảm thấy ngứa ngáy, chỉ muốn chia sẻ niềm vui của mình và khoe khoang một chút.

- Con trai của ông thật là một vị anh hùng - Những người trong thôn nói với ông.

Ông Panteley Prokofievich nháy mắt lia lịa:

- Thế nó giống ai mà lại không anh hùng? Tôi không nói khoe, chứ hồi còn trẻ tôi chẳng thua gì nó đâu! Bị cái chân cái cẳng nó làm vướng bước, nếu không bây giờ tôi đã ra gì rồi? Một sư đoàn thì không dám nói, chứ một đại đội thì tôi cũng biết cách nắm được đấy? Nếu chúng ta, những kẻ già cả ấy, ra trận cho thật nhiều thì tư lâu đã chiếm được Moskva rồi, chứ đâu đến nỗi cứ dẫm chân tại chỗ, chẳng làm thế nào trị được bọn mu- gích.

Người cuối cùng nói chuyện với ông Panteley Prokofievich ngày hôm ấy là lão già Beskhirnov. Lão đã đi qua nhà Melekhov, thế là ông Panteley Prokofievich đã không bỏ lỡ cơ hội, giữ lão lại ngay.

- Nầy, hượm một lát đã nào, ông Philip Apghevich? Xin chào ông. Ông hãy vào đây một lát, chúng ta sẽ nói chuyện với nhau.

Lão Beskhirnov bước tới, chào hỏi.

- Ông đã nghe tin thằng Griska nhà tôi nó làm những trò gì chưa? - Ông Panteley Prokofievich hỏi.

- Nhưng có chuyện gì thế?

- Người ta đã lại trao cho nó một sư đoàn rồi! Nó đang điều khiển một bộ máy ghê gớm như thế đấy!

- Một sư đoàn ấy à?

- Hẳn đi chứ lị, một sư đoàn?

- Thế cơ à!

- Đúng như thế đấy! Có phải một anh chàng cha căng chú kiết nào cũng được người ta trao cho một sư đoàn đâu, ông thấy thế nào?

- Tất nhiên rồi.

Ông Panteley Prokofievich kiêu hãnh nhìn người đang nói chuyện với mình, và nói tiếp câu chuyện đang làm ông nở ruột nở gan:

- Chúng tôi đã sinh ra được một thằng con làm tất cả mọi người phải ngạc nhiên. Đầy một ngực huân chương, theo ông thì như vậy là thế nào? Lại còn không biết bao nhiêu lần bị thương bên ngoài và chấn thương nữa? Một đứa khác thì có lẽ đã mất mạng từ bao giở bao giờ, nhưng nó vẫn chẳng sao cả, những chuyện ấy đối với nó cứ như nước đổ đầu vịt. Không, vùng sông Đông êm đềm còn chưa tuyệt nòi những thằng Cô- dắc chính cống đâu?

- Tuyệt nòi thì chưa tuyệt nòi, song không hiểu sao ít thấy chúng nó làm được việc gì cho ra trò. - Lão già Beskhirnov nói có vẻ trầm ngâm, mà lão vốn dĩ không phải là một tay hay chuyện lắm.

- Hừ, sao lại ít thấy việc gì ra trò? Ông xem đấy, chúng nó đã tống cổ được bọn Đỏ đi, bây giờ đã tiến quá Voronez, sắp tới gần Moskva rồi.

- Nhưng không hiểu sao mãi chẳng thấy chúng nó tiến tới?

- Không thể chóng vánh được đâu, ông Philip Apghevich ạ. Ông phải hiểu thật rõ là trong chiến tranh, hấp tấp thì chẳng làm được trò trống gì đâu. Rặn vội thì đẻ con mù đấy. Trong cái chuyện nầy, tất cả đều phải làm một cách từ tốn, theo bản đồ, và như họ nói là, là theo kế hoạch… Cái quân mu- gích ấy, ở nước Nga chúng nó đông nghìn nghịt, cứ như một đám mây đen, còn anh em Cô- dắc chúng ta, thử hỏi có được bao nhiêu? Bất quá một dúm?

- Tất cả những chuyện ấy đều phải như thế thật đấy, nhưng có lẽ anh em mình không còn có thể giữ được lâu la nữa đâu. Mùa đông tới thì có lẽ lại phải chờ có khách đến thăm, bà con ta thường nói như thế đấy.

- Nếu bây giờ không chiếm được Moskva trong tay chúng nó thì chúng nó sẽ mò được tới đây, điều đó ông nói đúng đấy.

- Thế ông nghĩ rằng chúng nó sẽ chiếm được hay sao?

- Phải chiếm lấy mới được, nhưng được hay không là còn tuỳ ý Chúa. Chẳng nhẽ chúng ta sẽ không trị nổi chúng nó hay sao?

- Ôn dịch nào biết được. Thế còn ông, ông thôi hẳn chuyện đánh đấm rồi hay sao?

- Tôi thì còn có thể đánh đấm gì được nữa? Nhưng nếu không bị cái bệnh ở chân thì tôi đã mở mắt cho chúng nó thấy là choảng nhau với quân địch thì phải làm như thế nào rồi? Cái lứa có tuổi chúng ta vốn là những con người kiên định vững vàng.

- Song nghe nói những ông già kiên định vững vàng ấy đã quàng chân lên cổ chạy trốn bọn Đỏ ở bên kia sông Đông, đến nỗi chẳng ông nào còn giữ được chiếc áo lông ngắn: vừa chạy vừa cởi bỏ quần áo và quẳng đi, cuối cùng trần như nhộng. Người ta pha trò nói rằng khắp đồng cỏ đều vàng hoe vì những chiếc áo lông ngắn, cứ như nở đầy uất kim hương ấy.

Ông Panteley Prokofievich lườm lão Beskhirnov một cái và nói bằng một giọng lạnh như tiền:

- Theo tôi thì đó chỉ là nói láo! Phải, có lẽ cũng có người phải quẳng bớt quần áo đi cho nhẹ nhưng thiên hạ lại thổi phồng, nói láo cho to ra gấp trăm lần ấy! Một cái áo choàng bằng dạ có phải là cái gì ghê gớm lắm đâu, nói chi một cái áo lông ngắn? Cái mạng con người có quý hơn không, Tôi thử hỏi ông? Hơn nữa không phải ông già nào cũng có thể mặc nhiều quần áo mà chạy nhanh được. Trong cái cuộc chiến tranh chết tiệt nầy cần phải có cặp chân như chân chó săn, song những người như tôi chẳng hạn thì kiếm đâu ra những cái chân như thế? Mà ông Philip Aghevich ạ, ông đau lòng về việc gì cơ chứ? Cầu Chúa tha tội, ông cần những cái áo lông ngắn ấy làm cái quái quỉ gì? Vấn đề không phải là ở những cái áo lông ngắn hay những cái áo choàng bằng dạ, mà ở chỗ phải đánh quân địch cho thật có kết quả, tôi nói như thế có đúng hay không? Thôi, tạm biệt ông, nếu không tôi nói chuyện với ông mãi thì công việc lại phải gác lại Thế nào còn con bò non của ông, ông đã tìm thấy chưa? Vẫn đang đi tìm à? Không có tăm hơi gì à? Chà, đúng là những thằng vùng sông Khop đã thịt nó rồi, cầu cho chúng nó ăn vào đều hóc mà chết! Còn về chuyện chiến tranh thì ông chớ có hoài nghi làm gì: Anh em ta sẽ đánh bại bọn mu- gích cho mà xem? - Ông Panteley Prokofievich nói xong khập khiễng bước lên thềm, coi bộ rất là oai hùng.

Nhưng xem ra đánh bại "bọn mu- gích" đâu phải là chuyện dễ dàng như thực hiện… Đợt tấn công gần đây nhất của quân Cô- dắc không phải không có sứt mẻ. Một giờ sau, một tin không vui đã phủ bóng đen lên tinh thần vui vẻ của ông Panteley Prokofievich. Ông đang vát một đoạn gỗ tròn làm cái khung giếng thì có nghe tiếng đàn bà kêu gào kể lể than khóc người chết. Tiếng kêu khóc nghe mỗi lúc một gần. Ông Panteley Prokofievich bảo Dunhiaska ra xem có chuyện gì.

- Mày thử chạy ra xem ngoài ấy có ai chết thế. - Ông vừa nói vừa cắm phập lưỡi rìu xuống cái bệ bổ củi.

Chẳng mấy chốc Dunhiaska đã quay về với cái tin người ta vừa đưa từ mặt trận Fitlonovo về ba gã Cô- dắc bị giết. Anikey, Khristonhia và một thằng thanh niên mười bảy tuổi ở đầu kia thôn.

Ông Panteley Prokofievich nghe tin kinh ngạc quá vội bỏ mũ xuống làm dấu phép.

- Cầu cho họ được hưởng phúc nơi thiên đường! Xưa kia nó là một tay Cô- dắc cừ khôi biết bao… - Ông vừa nói bằng một giọng chua chát vừa nhớ tới Khristonhia và cái hôm mới đây ông cùng hắn đi từ thôn Tatarsky tới địa điểm lấy quân.

Ông không thể nào làm việc được nữa. Mụ vợ của gã Anikey gào lên như bị chọc tiết, tiếng than khóc kể lể của mụ làm trái tim của ông như ngừng đập. Để khỏi phải nghe những tiếng kêu thất thanh của người đàn bà, ông đóng chặt cánh cửa rồi bỏ vào trong nhà. Ở phòng trong, Dunhiaska đang lắp bắp kể cho bà Ilinhitna nghe.

- Mẹ yêu của con ạ, con nhìn vào thì thấy cái đầu của Anikey hầu như không còn nữa, ở chỗ ấy chỉ có một đống gì nhão nhoét. Chao ôi, mà sợ khiếp đi được! Đứng cách hắn một vec- xta còn ngửi thấy mùi thối hoăng… Cũng chẳng hiểu họ còn mang về đây làm gì!

Còn Khristonhia thì nằm ngửa, đầy cả cái lòng xe, hai chân lõng nhõng dưới cái áo ca- pốt… Khristonhia thì sạch sẽ, trắng trắng là, trắng cứ như bột ấy! Chỉ dưới con mắt bên phải có một cái lỗ nhỏ bằng một đồng mười kopek và phía sau tai thấy có máu đọng.

Ông Panteley Prokofievich điên tiết nhổ toẹt một bãi nước bọt, bước ra sân lấy cái rìu và một cái mái chèo rồi khập khiễng đi ra sông Đông.

- Mày nói với bà là ông sang bên kia sông Đông chặt củi nhé. Nghe rõ chưa nào, thằng cháu yêu của ông? - Ông trông thấy thằng Misatka đang chơi bên cạnh nhà bếp bèn vừa đi vừa bảo nó.

Mùa thu tịch mịch và dịu dàng đã ngự trị trong khu rừng bên kia sông Đông. Lá khô rụng loạt soạt từ những cây tiêu huyền. Những bụi tầm xuân như bị bọc kín trong những đám lửa và giữa những cái lá thưa thớt, những đám quả đỏ hiện ra rừng rực như những cái lưỡi lửa. Khắp khu rừng đều tràn ngập cái mùi hăng hắc của vỏ cây sồi mục, át tất cả các mùi khác. Mặt đất mọc đầy những dây dâu dại, bám rất chắc. Những chùm dâu chín màu xanh xám lẩn rất khéo ánh sáng mặt trời dưới những lớp nhánh ngoằn ngoèo đan vào nhau. Trong những chỗ có bóng rợp, sương mai còn đọng lại trên cỏ khô đến giữa trưa. Một cái mạng nhện bám đầy sương lóng lánh như bạc. Bầu không khí lặng tờ chỉ bị ảnh hưởng bởi tiếng mổ thành thạo của mấy con chim gõ mõ và tiếng ríu rít của những con sáo thích ăn thanh lương trà. Vẻ đẹp trầm lặng và trang nghiêm của khu rừng đã trấn tĩnh được tâm thần ông Panteley Prokofievich. Ông bước nhẹ nhàng giữa những bụi cây đưa chân bới bới lớp lá rụng ẩm ướt, bụng bảo dạ:

"Cuộc đời, nó là thế đấy: mới hôm nào còn sống mà bây giờ đã được người ta rửa xác cho rồi, một thằng Cô- dắc như thế mà cũng bị chúng nó bắn chết? Cứ nghĩ là mới hôm nào nó còn đến thăm nhà, hôm vớt con Daria, nó văn còn đứng bên bờ sông? Chao ôi, Khristonhia, Khristonhia! Cả đến anh mà cũng bị viên đạn của quân địch nó tìm thấy ư… Lại còn Anikey nữa… trước kia là một tay vui tính biết bao, hay rượu, khỏe cười, thế mà bây giờ cũng không còn nữa, cũng hoá ra người thiên cổ rồi…" ông Panteley Prokofievich nhớ lại những lời Dunhiaska kể, và bỗng nhiên ông hồi tưởng một cách hết sức rõ ràng khuôn mặt tươi cười, không râu không ria như mặt quan hoạn của Anikey, nhưng không thể nào tưởng tượng được ra gã Anikey ngày nay đã tắt thở, với cái đầu nát như tương. Rồi ông chợt nhớ lại câu chuyện nói với lão Beskhirnov, bèn tự trách mình: "Mình đã làm cho Chúa giận, mình khoác lác về thằng Grigori thật là sai. Chưa biết chừng trong lúc nầy thằng Grigori đã đang nằm lại ở một nơi nào đó, bị đạn nổ nát ra rồi. Cầu Chúa tha cho cái tai nạn ấy! Nếu không hai đứa già nua chúng con rồi sẽ sống như thế nào?".

Một con cun cút rừng lông nâu bỗng bay vụt lên từ dưới một bụi cây làm ông Panteley Prokofievich run bắn lên vì bất ngờ. Ông thẫn thờ nhìn theo đường bay vụt chéo của con chim rồi lại đi tiếp.

Bên một cái đầm nhỏ, ông chọn được vài bụi câu, bèn bắt đầu chặt. Ông vừa làm việc vừa cố hết sức không nghĩ ngợi về chuyện gì cả. Mới có một năm mà Thần chết đã bắt đi mất bao nhiêu người quen thuộc và quen biết, vì thế động nghĩ tới họ là trong lòng ông lại nặng như đá đeo, toàn thế giới đều bệch màu đi và như bị phủ dưới một tấm màn đen.

- Bụi nầy thì phải đẵn mới được. Củi tốt thật? Làm hàng rào thì đúng nhất đây. - Ông tự nói to với mình để xua những ý nghĩ đen tối.

Ông Panteley Prokofievich làm cật lực một hồi rồi cởi cái áo ngắn mặc ngoài, ngồi lên đống củi vừa chặt, hít lấy hít để mùi lá héo hắc hắc. Ông nhìn rất lâu đường chân trời xa nằm dưới một làn khói xanh nhạt, những cánh rừng nhỏ đằng xa đang khoác một cái áo thu vàng óng, lộng lẫy với vẻ đẹp cuối mùa của nó. Gần đấy có một bụi phong đen. Bụi cây diêm dúa không tả sao cho xiết, toàn bộ sáng rực lên dưới ánh sáng lạnh lẽo của vừng mặt trời mùa thu, những cái cành vươn rộng của nó nặng trĩu dưới những đám lá màu huyết dụ, nom như những cái cánh của một con chim thần thoại sắp bay vụt lên khỏi mặt đất. Ông ngắm mãi bụi cây, rồi bất giác đưa mắt nhìn xuống mặt đầm, thấy qua làn nước tù trong vắt có những cái lưng đen sì của vài con cá chép rất to. Đàn cá bơi sát mặt nước quá, nên có thể trông thấy rõ cả những cái vây và những cái đuôi đỏ tía đang ngọ nguậy. Tất cả có chừng tám con. Có lúc những con cá lẩn xuống dưới những tấm lá chắn xanh mướt của những cây súng, nhưng rồi chúng lại bơi ra khoảng nước trong, đợp những cái lá liễu rủ chìm xuống nước. Mùa thu, cái đầm đã gần cạn, vì thế xuống bắt cá cũng chẳng có gì là khó khăn. Sau một lúc tìm kiếm không lâu lắm, ông Panteley Prokofievich thấy ngay một cái sọt không đáy vứt bỏ trên bờ hồ gần đấy, bèn quay lại cái đầm, cởi quần dài ra mò xuống nước đơm cá. Ông lạnh quá, cứ so vai rụt cổ, è è trong họng. Ông dẫm xuống bùn đến đầu gối, vừa lội lõm bõm dọc theo cái dầm, vừa úp cái sọt xuống, làm nước đục ngầu. Mỗi lần úp sọt ông đều ấn mép sọt xuống tới đáy rồi thọc tay vào trong chỉ mong có một con cá thật khỏe quẫy sủi nước lên. Cố gắng của ông già đã đem lại kết quả: ông úp được ba con cá chép, mỗi con chừng mười phun- tơ. Nhưng ông không thể tiếp tục úp thêm được nữa, bên chân tàn tật lạnh quá bắt đầu bị chuột rút. Sung sướng vì đã đánh được mấy con cá to, ông lội dưới đầm lên, lấy cỏ hương bồ chùi chân, mặc quần áo vào rồi tiếp tục đẵn củi cho ấm người. Chuyện vừa rồi dù sao cũng là một thành công. Không phải là ai cũng có được cái may bỗng nhiên vớ được mấy con cá nặng tới gần một pút? Việc nơm cá làm ông khuây khoả, giúp ông xua đuổi những ý nghĩ đen tối. Ông giấu kín cái sọt với ý định sẽ còn quay lại. Ông lo lắng nhìn quanh: không biết có ai trông thấy mình ném lên bờ những con cá chép vàng óng, to bằng những con lợn con hay không. Chỉ sau đó ông mới khiêng bó củi và mấy con cá xâu vào một nhánh cây, lững thững đi ra sông Đông.

Ông kể cho bà Ilinhitna nghe về buổi đánh cá của mình với một nụ cười thoả mãn, rồi lại ngắm nghía lần nữa những con cá chép nhấp nhoáng như đồng đỏ. Nhưng bà Ilinhitna chỉ chia sẻ niềm hân hoan của ông một cách bất đắc dĩ. Bà vừa đi viếng mấy người bị giết về mặt bà rầu rĩ, nước mắt đầm đìa.

- Ông cũng sang viếng thằng Anikey một cái chứ? - Bà hỏi.

- Tôi không đi đâu. Chẳng nhẽ tôi chưa được trông thấy người chết bao giờ hay sao? Tôi đã trông chán chê rồi, đủ lắm rồi!

- Ông nên sang thì hơn. Nếu không kể cũng không tiện, người ta sẽ bảo rằng chỉ có chuyện viếng thăm nhau lần cuối cùng mà cũng không làm.

- Bà hãy vì Chúa để cho tôi được yên? Tôi với nó không đỡ đầu cho con cái của nhau, tôi không cần phải đến viếng nó làm gì cả? - Ông Panteley Prokofievich trả lời, giọng gay gắt.

Cả dến khi đưa đám ông cũng không tới. Từ sáng ông đã bỏ sang bên kia sông Đông và ở lại bên ấy suốt một ngày. Ông đang đứng trong rừng thì tiếng chuông tang lễ bắt ông phải bỏ mũ làm dấu phép. Rồi ông bực mình cả với lão cố đạo: Kéo chuông lâu thế thì còn nghĩa lý gì nữa? Chà, dóng chuông cho mỗi người một hồi cũng đủ chán rồi, đằng nầy lại loong coong đến hàng tiếng đồng hồ. Mà dóng mãi như thế thì được cái tích sự gì? Chỉ tổ làm cho ảo não lòng người, bắt người ta phải nghĩ nhiều thêm về cái chết. Mà không thế mọi vật về mùa thu đều đã nhắc đến nó rồi: nào lá vàng rơi, nào tiếng những đàn ngỗng trời bay qua kêu quàng quạc trên trời xanh, nào lớp cỏ nằm chết rũ…

Dù ông Panteley Prokofievich cố tìm mọi cách lẩn tránh các cảm xúc nặng nề, nhưng chẳng bao lâu ông cũng phải chịu đựng thêm một cơn chấn động thần kinh. Một hôm trong khi ăn bữa trưa, Dunhiaska nhìn qua cửa sổ nói:

- Chà, lại có ai bị giết phải đưa từ ngoài mặt trận về rồi? Đằng sau cái xe có một con ngựa chiến đóng yên, buộc vào xe bằng dây cương, mà đi cũng không nhanh… Một người đánh hai con ngựa, còn người chết thì nằm đắp áo ca- pốt. Người đánh xe ngồi xoay lưng lại, không biết có phải là bà con thôn ta hay không… - Dunhiaska cố nhìn kỹ hơn, rồi hai má cô nhợt hẳn đi, hơn cả một tấm vải trắng.

- Nhưng đấy là… Nhưng đấy là… - Dunhiaska lúng búng khẽ nói rồi bất thần kêu lên the thé - Họ đem anh Grigori về! Con ngựa của anh ấy đấy mà! - Rồi cô gái nức nở chạy ra phòng ngoài.

Bà Ilinhitna không đứng dậy khỏi bàn ăn, chỉ đưa tay lên che mắt.

Đang ngồi trên chiếc ghế dài, ông Panteley Prokofievich nặng nề đứng dậy bước ra cửa, hai tay vươn về phía trước như một người mù.

Prokho Zykov mở cổng, nhìn thoáng qua Dunhiaska chạy từ trên thềm xuống và nói bằng một giọng chẳng có gì là vui vẻ:

- Nhà ta ra đón khách đi… Không ngờ nhà có khách à?

- Anh yêu quý của nhà ta? Anh yêu quý của em! - Dunhiaska vặn hai tay vào nhau rên rỉ!

Mãi đến lúc nầy, Prokho nhìn khuôn mặt đẫm nước mắt của Dunhiaska và trông thấy ông Panteley Prokofievich đứng lặng đi bên thềm nhà mới đoán ra, bèn nói:

- Đừng sợ. Cả nhà đừng có sợ? Vẫn còn sống đấy. Chỉ bị thương hàn nên phải nằm mà thôi?

Ông Panteley Prokofievich vẫn dựa lưng vào khung cửa một cách bất lực.

- Còn sống? - Dunhiaska cười dở mếu dở kêu lên với bố - Anh Griska vẫn còn sống đấy? Cha nghe rõ chưa? Vì ốm nên phải đưa về! Cha vào bảo cho mẹ biết đi! Thế nào, sao cứ đứng như thế?

- Đừng sợ, ông Panteley Prokofievich ạ! Tôi đưa hắn về đến nơi vẫn còn sống đấy, nhưng về chuyện sức khỏe thì ông đừng hỏi. - Prokho vội xác nhận lời Dunhiaska nói rồi nắm dây hàm thiếc dắt con ngựa vào trong sân.

Ông Panteley Prokofievich chập chững bước ra vài bước nhưng lại ngồi phịch ngay xuống một bậc thềm. Dunhiaska chạy vụt qua như một cơn gió lốc, vào an ủi mẹ. Prokho cho con ngựa đứng lại ngay bên cạnh thềm, đưa mắt nhìn ông Panteley Prokofievich.

- Ông còn ngồi đấy làm gì hử? Ông đem một cái đệm ra đây, chúng ta sẽ cùng khiêng.

Ông già vẫn ngồi yên không nói gì cả. Những giọt nước mắt chảy xuống ròng ròng như mưa, nhưng mặt ông vẫn đờ đẫn, không có một đường gân thớ thịt nào động đậy. Hai lần ông đã đưa tay lên định làm dấu phép, nhưng không đủ sức giơ đến trán nên lại buông thõng xuống. Trong họng ông cứ có cái gì lọc ọc. Đúng là ông bị một mẻ sợ ghê quá nên đã mất hết hồn vía rồi.

Prokho nói có vẻ thương hại.

- Không hiểu sao tôi lại không nghĩ ra để nhờ một cậu nào đó về báo trước cho ông bà biết? Té ra tôi cũng là một thằng ngu, đúng là một thằng ngu! Thôi nào, đứng dậy đi ông Prokofievich, phải khiêng người ốm vào đi thôi. Cái đệm của nhà ông đâu? Hay là cứ khiêng tay?

- Hượm hượm đã… ông Panteley Prokofievich nói bằng một giọng khàn hẳn đi. - Hai chân tôi không hiểu sao rã rời cả ra… Tôi cứ tưởng nó bị giết rồi… ơn Chúa. Thật không ngờ… - Ông giựt cái khuy áo trên cổ chiếc sơ- mi cũ, mở phanh ra, rồi há hốc miệng thở lấy thở để.

- Thôi đứng dậy đi, đứng dậy đi nào, ông Prokofievich! - Prokho giục. - Ngoài hai chúng ta không còn ai khiêng nữa à?

Rõ ràng là ông Panteley Prokofievich phải cố gắng lắm mới đứng dậy được. Ông bước trên thềm xuống, lật chiếc áo ca- pốt, cúi xuống nhìn Grigori đang nằm mê man bất tỉnh. Trong họng ông lại có cái gì lọc ọc, nhưng ông tự chủ được, quay lại nói với Prokho.

- Anh nắm lấy chân. Chúng ta khiêng vào đi.

- Hai người khiêng Grigori vào nhà trong, tháo ủng cho chàng rồi lại đặt lên giường. Dunhiaska gọi vọng từ trong bếp ra, giọng đầy lo lắng:

- Cha ơi! Mẹ bị làm sao ấy… Cha vào trong nầy đã!

Trong bếp, bà Ilinhitna đang nằm trên sàn, Dunhiaska quỳ bên cạnh, vẩy nước trên khuôn mặt xám ngoét của mẹ.

- Mày chạy đi ngay, gọi mụ Kapitonovna, nhanh lên! Mụ ấy biết trích máu đấy. Bảo mụ ấy là cần phải trích máu cho mẹ mày, dặn nó nhớ mang các đồ dùng đến. - Ông Panteley Prokofievich ra lệnh.

Một cô gái lớn đã đến tuổi lấy chồng như Dunhiaska thì không thể cứ đầu trần mà chạy ra phố được. Dunhiaska bèn với lấy chiếc khăn, chít lên đầu và nói:

- Làm hai đứa bé sợ đến chết khiếp! Lạy Chúa tôi, sao lại có chuyện như thế đổ xuống đầu nhà ta… Cha để ý tới chúng nó nhé, con chạy quàng đi một lát rồi về ngay!

Có lẽ Dunhiaska còn muốn soi qua cái gương, nhưng ông Panteley Prokofievich đã lại hồn, đang nhìn cô trừng trừng bằng hai con mắt ghê gớm, đến nỗi Dunhiaska phải chạy vụt ngay ra khỏi nhà bếp.

Dunhiaska chạy ra khỏi cửa xép thì nhìn thấy Acxinhia. Mặt Acxinhia nhợt nhạt, cắt không còn hột máu. Nàng đứng dựa vào hàng rào, hai tay thõng xuống như không còn sức sống. Cặp mắt đen ảm đạm như phủ một màn sương không long lanh một giọt nước mắt nào, nhưng trong đó hiện lên một vẻ đau khổ và van lơn đến nỗi Dunhiaska phải dừng lại một giây, rồi bất giác bật ra những lời mà chính mình cũng không ngờ:

- Còn sống, vẫn còn sống đấy? Anh ấy bị thương hàn. - Cô nói xong chạy té ra ngõ, hai tay đỡ hai cái vú cao nẩy tưng tưng.

Từ khắp nơi đều có những người tò mò chạy đến nhà Melekhov. Họ nhìn thấy Acxinhia từ từ rời khỏi cái cửa xép của nhà Melekhov, rất bất thình thình còng lưng xuống rảo bước, đưa hai tay lên che mặt.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.