Bảo Kiếm Kỳ Thư

Chương 48: Lại nổi phong ba 3




edit & beta: Hàn Phong Tuyết

Sau đó không lâu là đến ngày lễ Tằm mỗi năm tổ chức một lần. Hằng năm, cứ vào tháng thứ hai của mùa xuân, Hoàng hậu đều dẫn đầu chúng phi tần mệnh phụ cúng tế tằm thần Luy Tổ, cầu mong cho dâu tằm cả nước sinh sôi sung túc, nghề dệt hưng thịnh.

Luy Tổ: vợ của Huỳnh Đế trong truyền thuyết, đã phát minh ra nghề nuôi tằm ở Trung Quốc.

Làm ruộng, dệt là gốc rễ của đời sống nhân dân. Mỗi năm đều có hai ngày lễ cúng tế lớn dành cho tằm và ngũ cốc, xưa nay luôn được Hoàng gia coi trọng. Dựa theo quy chế tổ tiên đặt ra, lúc Hoàng hậu chủ trì lễ tế thì phải mặc đồ màu vàng hoa cúc, đeo lụa dài quá đầu gối, đai lưng cùng màu với quần áo, từng chi tiết nhỏ đều phải nghiêm khắc tuân theo quy định. Những phi tần mệnh phụ còn lại thì mặc lễ phục tơ tằm; gấm vóc, trang sức đeo dựa theo phẩm cấp. Mùa xuân những năm trước tôi đều mặc y phục tơ tằm thêu hoa văn chim loan, theo mẫu thân tham gia tế lễ. Song năm nay, tôi lại phải thay cô cô lên tế đàn ở điện Diên Phúc, đích thân chủ trì đại điển.

Trưởng sử của Thái Thường tự tỉ mỉ báo lên những dụng cụ cần thiết cho lễ Tằm, hoàn toàn không có vẻ e ngại việc dài dòng văn tự. Tôi vừa nghe vừa nhìn biểu tấu. Lúc báo tới lễ phục của người chủ trì, Trưởng sử để lộ vẻ mặt nan giải, cẩn thận nói: “Không biết trang phục chủ trì có cần chuẩn bị như những lần trước không?”. Như những lần trước thì là lễ phục Hoàng hậu. Hiện giờ triều đình trên dưới đều coi Nhiếp chính Vương là nhất, cái gọi là dưới một người trên vạn người chỉ là hư danh. Bao đời Hoàng hậu triều ta đều xuất thân từ họ Vương, dần dà, họ Vương được gọi là “Hậu tộc”. Lễ quan Hoàng gia xưa nay giỏi nhất là tính toán, kiểu gì cũng cho là lần này tôi sẽ mặc lễ phục Hoàng hậu.

Tôi chầm chậm ngước mắt, “Năm nay là trường hợp đặc biệt, Thái hoàng Thái hậu vì thân mang bệnh nên không thể chủ trì đại lễ, ta bất đắc dĩ phải thay thế. Phục sức chỉ là chuyện nhỏ, nhưng lại liên quan đến lễ chế, là chuyện lớn, không thể đi quá giới hạn”.

“Vi thần biết tội!”, Trưởng sử liên tục dập đầu, lại chần chờ nói: “Có điều, Vương phi là người chủ trì tế lễ, nếu chỉ dùng trang phục tơ tằm thì e là không hợp lễ”.

“Nếu cả hai loại phục sức đều không ổn thì làm cái khác thôi”, tôi thản nhiên nói, đặt biểu tấu trong tay xuống một bên.

Ngày hôm sau, tôi để A Việt mang bản vẽ lễ phục mới đã ghi rõ ràng vật liệu may giao cho Thiếu Phủ tự, lệnh nội trong ba ngày phải hoàn thành.

Tuyên Hòa năm thứ hai, tháng cuối xuân, Dự Chương Vương phi thay mặt Hoàng hậu làm lễ Tằm.

Thị nữ dâng lên lễ phục mới làm, bên trong là vải sa mỏng, bên ngoài khoác trường y tơ tằm, thắt eo, những dây choàng rườm rà đã không còn, chỉ có vẻn vẹn một dải lụa nhỏ dài rủ xuống sau váy, hình dáng như đuôi phượng. Thân váy không thêu thùa cũng chẳng trang trí gì cả, ở phần tay áo có thêu chìm hoa văn loan phượng. A Việt chải tóc cho tôi, để chừa ra lọn tóc, khiến búi tóc trở nên mềm mại, trong lúc bước đi, tóc bay phấp phới. Tôi quan sát dung nhan trong gương một lát rồi cầm bút, vẽ một chiếc lá màu đỏ lên trán. Trang điểm xong, rời khỏi Phượng Trì cung, tôi ngồi kiệu có rèm che, nội thị dẫn đường tới cửa đông cung Diên Hòa.

Chư mệnh phụ đã sớm chờ đón ở cửa cung, ai nấy mặc lễ phục xa hoa, cài đủ loại trang sức trên đầu, xúng xính lạ thường. Bốn vị nhất phẩm mệnh phụ đi nhanh đến hành lễ, cung tụng cát tường. Nội thị vén rèm che lên, tôi đưa tay nắm lấy tay nữ quan dẫn đường, chậm rãi bước xuống kiệu. Lúc này nắng ban mai vừa lên, khung cảnh còn hơi mờ sáng, đàn tế lễ như chìm trong ánh vàng nhạt.

Tôi đi lên bậc thềm ngọc, đứng nghiêm trước ánh sáng buổi sớm, tay áo bay bay, nghiêm trang thắp hương cầu khấn.

Sau đó, nữ quan dẫn mọi người tới vườn dâu, nội thị dâng lên móc bạc, tôi tiên phong cầm móc hái dâu, chư mệnh phụ cũng noi theo, đua nhau hái dâu đặt vào tráp ngọc, như vậy là kết thúc lễ. Cuối cùng, mọi người theo nội thị tới phòng tằm, xem sơ qua tằm mới năm nay rồi đến hậu điện thưởng trà trò chuyện.

Chư vị vương công thân quyến ngồi bên cạnh tôi. Mọi người đều đã quen biết nhau từ lâu nên cũng không e dè giữ lễ tiết. Ai nấy ríu rít khen ngợi phục trang của tôi, tôi chỉ yên lặng mỉm cười, không hề đề cập tới chuyện thay đổi quy chế trang phục. Rốt cuộc vẫn là có người không kìm được trí tò mò, dạm hỏi, “Lễ phục này của Vương phi khác hẳn với kiểu dáng của những năm trước, chất liệu tựa như tơ tằm mà cũng như không phải, tưởng là sợi đay nhưng cũng chẳng đúng, trước nay chưa từng thấy có, không biết là vật phẩm quý báu từ phương nào tiến cống?”.

Tôi nhẹ cười nói: “Thực sự cũng không phải là vật quý hiếm ở phương xa, chỉ là loại vải mới do Chức tạo ti làm ra năm nay, trước kia đương nhiên là chưa có. Ta thấy thích, liền dùng vải ấy làm lễ phục”. Mọi người chợt hiểu ra, khó nén vẻ hâm mộ. Nghênh An Hầu phu nhân ngồi bên tay trái tôi còn vui vẻ ca ngợi không ngừng. Tôi đưa mắt nhìn nàng, cười nói: “Nếu như phu nhân thích, lát nữa ta sẽ cho người mang một ít tới quý phủ”. Nghênh An Hầu phu nhân mừng rỡ, liên tục nói đa tạ. Vẻ ngưỡng mộ của mọi người càng lộ rõ, khiến Nghênh An Hầu phu nhân vô cùng đắc ý.

Không quá ba ngày, Chức tạo ti tới báo, mấy ngày gần đây nữ quyến các phủ rối rít tìm đến Chức tạo ti để lấy loại vải mới. Tôi đã sớm nhắc nhở họ, bất kể là ai tới xin vải thì cũng không thể để loại vải mới này bị truyền ra ngoài. Ham muốn của mọi người bị chặn đứng, cho người lén thăm hỏi cũng không hỏi được đến cùng, trong lòng càng thêm phần hiếu kỳ. Mười ngày sau, trong cung ban chỉ thay đổi phục sức, chư mệnh phụ từ nay không dùng áo lụa mà sẽ đổi hết sang dùng loại vải mới.

Trong một đêm, từ trong cung đến kinh thành, người người đều coi việc mặc loại vải mới là vẻ vang, lụa là gấm vóc biến thành hạ phẩm.

Điều tôi không thể lường trước được chính là, không chỉ loại vải mới thịnh hành ở kinh đô, mà hình chiếc lá tôi nhất thời nổi hứng vẽ trên trán cũng nhanh chóng lan rộng khắp các phố, từ dân phụ đến cung nữ đều coi đó là đẹp.

Khó có được một ngày thuận buồm xuôi gió, nhiều chuyện tốt như vậy, tôi ngồi bên dưới mái hiên, tay lướt trên dây đàn cổ, lòng bất giác nghĩ tới ca ca. A Việt đi tới bên cạnh, thấp giọng nói: “Nô tỳ đã mang phục trang ban thưởng của Vương phi tới Cảnh Lân cung, Tô phu nhân sau khi nhận thì rất cảm kích, dặn dò nô tỳ chuyển lời, muốn gặp mặt Vương phi để cảm tạ”. Tôi nhẹ giọng đáp một tiếng, “Không cần, ngươi thường ngày qua lại nhiều, có việc gì thì để tâm tới họ hơn một chút là được”.

“Vâng, nô tỳ hiểu”, A Việt chần chừ một chút, như có điều muốn nói lại thôi. Tôi thản nhiên cúi đầu, vuốt nhẹ những sợi dây đàn, lại nghe A Việt thấp giọng nói: “Nô tỳ nhìn tiểu Quận chúa… dường như không đúng cho lắm”.

“Tiểu Quận chúa có chuyện gì?”, tôi ngẩn ra, vốn tưởng là Cẩm Nhi có điều gì oán hận, không ngờ là đứa trẻ có chuyện.

A Việt nhíu mày nói: “Tô phu nhân nói là tiểu Quận chúa bị nhiễm gió lạnh nên không để cho người khác thăm hỏi, nô tỳ e là Vương phi sẽ lo lắng nên cố ý để mắt tới tiểu Quận chúa…”.

“Thế nào?”, tôi cau mày hỏi.

Nàng ngập ngừng chốc lát, để lộ ra vẻ mặt âm u, “Nô tỳ cảm thấy, mắt của tiểu Quận chúa dường như không nhìn thấy”.

Tôi cả kinh, lập tức đứng dậy, vừa cho truyền Thái y, vừa phân phó chuẩn bị xa giá đến Cảnh Lân cung. Kể từ khi Cẩm Nhi bị cấm túc, tôi chưa từng quay trở lại Cảnh Lân cung thêm lần nào nữa, càng chưa từng đi thăm nàng và đứa bé kia. Mỗi lần nghĩ tới lời nàng nói hôm ấy, cảm giác được một Cẩm Nhi lòng đã nguội lạnh, không còn cách nào quay về với vẻ xưa cũ nữa, tôi luôn thấy nàng là một Tô phu nhân xa lạ. Về phần chuyện của nàng và Tử Đạm, tôi vẫn chưa biết, cũng mãi không muốn biết.

Bước vào Cảnh Lân cung, Cẩm Nhi đã nghe thông báo ra nghênh đón, tựa hồ không ngờ tới tôi sẽ bất chợt đến như vậy nên thần sắc có vẻ bối rối. Tôi nói thẳng với nàng là đến thăm tiểu Quận chúa, lệnh cho vú em lập tức bế tiểu Quận chúa ra ngoài. Sắc mặt Cẩm Nhi lập tức đột biến, gấp gáp nói: “Đứa trẻ vừa mới ngủ, không thể đánh thức nó được!”. Tôi nhíu mày nhìn nàng, “Nghe nói tiểu Quận chúa bị nhiễm lạnh, ta bèn truyền Ngự y tới xem. Chẳng lẽ đứa bé bị bệnh nhiều ngày như vậy, phu nhân vẫn chưa cho truyền Thái y?”. Sắc mặt Cẩm Nhi trắng bệch, nàng cúi đầu không nói thêm gì nữa, ngón tay lại xoắn chặt vào nhau. Thấy thần sắc nàng như vậy, tôi càng sinh nghi, đang định nói tiếp thì thấy vú em ôm đứa bé từ trong điện ra ngoài.

Cẩm Nhi nhanh chân bước lên trước muốn đón lấy nó thì bị A Việt ngăn lại. Vú em trực tiếp ôm đứa bé đến trước mặt tôi. Tôi chần chừ, đỡ lấy đứa bé còn đang ngủ say, trong lòng ngổn ngang trăm mối tơ vò. Đây là lần đầu tiên tôi bế con Tử Đạm, nghĩ tới trên người đứa bé này đang chảy dòng máu giống Tử Đạm, tôi không biết nên mừng hay chua xót… Tử Đạm, huynh ấy vẫn là một vết rách mò không thấy trong lòng tôi.

Bé gái trong lòng có một gương mặt thanh tú nho nhỏ động lòng người, lúc ngủ say tựa như một đóa sen chưa nở. Tôi lẳng lặng nhìn nó, lòng chợt ấm áp, tay bất giác đưa lên vuốt ve đôi má mập mạp của nó. Khóe miệng nó khẽ nhếch lên, “ư” một tiếng, từ từ mở mắt. Lông mi nhỏ dài, đôi con ngươi to tròn đờ đẫn nhìn về phía tôi, không hề nhúc nhích. Một đôi con ngươi vốn phải đen lay láy lúc này nhuộm một màu xám tro khiến người nhìn kinh hãi.

Đứa bé tựa như đã phát giác ra đây là một vòng ôm xa lạ, bèn òa khóc, quay đầu ngang dọc tìm kiếm mẫu thân, nhưng trước sau cặp mắt vẫn đờ đẫn, không hề chuyển động dù chỉ một phân.

Tôi đưa mắt nhìn Cẩm Nhi, tay chân thoáng run rẩy, một câu cũng chẳng nói nên lời. Đứa bé này rõ ràng đã mù, vậy mà mẫu thân nó không hề đề cập tới, cũng không để cho Thái y đến chữa trị.

“Tôn Thái y, ông đã nhìn kỹ chưa?”, tôi ngó chừng Thái y đang quỳ phục trên mặt đất, lạnh lùng nói.

Nội thất yên lặng như chết, người hầu lui đi hết rồi, tiểu Quận chúa cũng đã được vú em ôm đi, chỉ còn Thái y và thị nữ của tôi. Tôn Thái y là lão nhân trong cung, kinh nghiệm dạn dày, biến cố động trời cũng từng chứng kiến, vậy mà lúc này lại nằm rạp xuống mặt đất, sắc mặt xanh mét, ngập ngừng một lúc lâu mới hồi bẩm, “Vương phi minh giám! Vi thần mặc dù ngu dốt, nhưng bệnh trạng dễ hiểu như thế này thì cũng không đến nỗi nhìn nhầm! Mắt của tiểu Quận chúa đích xác là bị người ta bỏ thuốc đả thương dẫn đến mù!”. Giọng nói của lão Thái y run rẩy vì oán giận. Bỏ thuốc vào mắt – thủ đoạn tàn nhẫn như vậy chỉ nghe đến thôi cũng đã rợn người, ai lại nhẫn tâm ra tay ác độc đến thế đối với một bé gái chưa tròn một tuổi chứ?

“Là thuốc gì? Có thể chữa được không?”. Tôi cắn răng, sự phẫn nộ trong lòng như ngọn lửa bùng lên, khó có thể kìm nén.

Râu tóc Tôn Thái y khẽ run, “Thuốc này chẳng qua cũng chỉ là bột phèn chua thường gặp, nhưng phương pháp hạ độc thì tàn nhẫn vô cùng. Dựa theo thương thế mà suy đoán thì trước tiên phải hòa bột này vào nước, ngày ngày nhỏ mắt, lâu dần sẽ gây hại đến mắt, chứ không phải là bỗng nhiên mù luôn. May mà phát hiện không quá muộn, tiểu Quận chúa vẫn còn chút thị giác, nếu như chữa trị kịp thời thì có lẽ có thể giữ được vài phần thị lực”.

Vết thương nghiêm trọng như vậy, giờ có gắng sức chữa lành cũng vẫn là nửa mù. Đôi mắt của đứa bé này hẳn là sẽ thành vô dụng! Tôi đột ngột xoay người, phất tay áo hất chén trà trên bàn xuống đất.

Bột phèn chua là thứ bột thuốc thường thấy nhất trong cung. Mỗi một gian phòng trong các cung đều có dùng bột phèn chua. Thứ bột này cho vào huân hương có tác dụng tránh muỗi. Thuốc tản ra mùi thơm ngát không độc, tuy là có thể đuổi côn trùng đi nhưng lại không gây hại gì tới con người. Song chỉ cần có người muốn, lấy bột này hòa vào trong nước nhỏ mắt thì lại có thể dần dần đả thương mắt, hủy hoại con ngươi, cả đời mù lòa! Cho dù là ở trận tiền, đối diện với máu chảy đầu rơi, thây phơi vạn dặm, tôi cũng không cảm thấy kinh hãi tức giận tới nhường này.

Rốt cuộc là ai lại có oán hận sâu sắc như vậy đối với một đứa trẻ sơ sinh? Rốt cuộc là ai, có thể ra tay tàn ác như thế ngay trong Cảnh Lân cung được thị vệ canh gác sâm nghiêm? Thậm chí kẻ đó còn không coi tôi ra gì, dám công khai tổn thương đứa con của Tử Đạm!

“Người đâu!”, tôi lạnh lùng quay đầu, gằn từng chữ, “Lập tức phong tỏa Cảnh Lân cung, phàm là cung nhân từng tới gần tiểu Quận chúa đều bắt giam vào ngục cho ta!”.

Thị vệ, cung nhân, tạp dịch trong Cảnh Lân cung, toàn bộ bị nhốt vào Huấn giới ti, mà cung nữ, vú em từng tới gần hầu hạ tiểu Quận chúa đều quỳ ngoài điện để ma ma ở Huấn giới ti tra hỏi. Từng tiếng kêu thảm, khóc thảm xuyên qua bình phong, lọt vào tai như thể kim nhọn đâm vào lòng. Có ai ở trong cung mà không biết tới thủ đoạn của Huấn giới ti? Rơi vào tay những ma ma kia, những gì đang chờ đợi ở phía trước còn đáng sợ hơn cái chết.

Tôi ngồi thẳng lưng trên ghế, im lặng không nói, lạnh lùng nhìn vị phu nhân đang tái mặt quỳ gối phía trước. Phụ nhân tóc tai tán loạn, gương mặt hoảng sợ này chính là Cẩm Nhi đã lớn lên cùng tôi, từng thân thiết với tôi như tỷ muội ư?

Nàng đã quỳ gối ở đây suốt thời gian một nén nhang, nhưng người giống như đã câm, nhất quyết không chịu nói một lời.

Sau khi thất lạc ở Huy Châu, rốt cuộc đã phải trải qua những điều gì mà có thể khiến cho Cẩm Nhi của ngày xưa biến thành bộ dạng ngày hôm nay?

Tôi chỉ trầm mặc nhìn nàng, cũng không ép hỏi. Tôi tình nguyện để đám cung nhân phía bên ngoài khai ra một kẻ chủ mưu nào đó đáng sợ hơn chứ không muốn xác minh phỏng đoán của mình. Tiếng kêu thảm thiết bên ngoài dần dần nhỏ đi, sắc mặt Cẩm Nhi cũng càng lúc càng nhợt nhạt, thân mình lảo đảo chực ngã nhưng vẫn liều mình gắng gượng. Sau một lúc lâu, Từ ma ma của Huấn giới ti đi vào phía trong bình phong, cúi người hồi bẩm, “Khởi bẩm Vương phi, vú em Viên thị, cung nữ Thái Hoàn, Vân Châu đều đã khai. Lời khai ở đây, mời Vương phi xem”.

Cơ thể Cẩm Nhi run lên. Nàng chợt ngẩng đầu, ánh mắt chạm phải ánh mắt tôi, toàn thân giống như đã bị cắt gân rút xương. A Việt nhận lấy tờ lời khai kia, cúi đầu trình lên tôi.

Bên trong phòng tỏa ra mùi hương bạch chỉ, âm u ngấm vào da thịt. Một tờ khai thật mỏng, nhưng lại khiến tôi phát ớn, hai tay run rẩy.

Bạch chỉ: một vị thuốc Đông y, mùi thơm hơi hắc.

Vú em khai rằng, tiểu Quận chúa đêm nào cũng ngủ cùng Tô phu nhân, chưa từng ngủ đêm cùng ai khác. Mà mỗi đêm, tiểu Quận chúa đều khóc rất lớn trong phòng Tô phu nhân, tới nửa đêm mới im ắng.

Thái Hoàn thú nhận, hơn một tháng trước, Tô phu nhân từng lệnh cho nàng tới Nội vụ ti lấy bột phèn chua để đuổi muỗi.

Vân Châu khai ra, nàng từng vô tình phát hiện ánh mắt tiểu Quận chúa khác thường, nhưng Tô phu nhân lại nói không có vấn đề gì, không cho phép nàng tiết lộ ra ngoài.

Tôi cầm tờ giấy mỏng trong tay ném thẳng vào mặt Cẩm Nhi, cổ họng nghẹn đắng, nói không ra lời. Cẩm Nhi đột nhiên nhặt tờ giấy lên, nhìn qua, hai vai run bắn, trong nháy mắt, toàn thân suy sụp. Tôi lạnh giọng hỏi, “Quả thực là ngươi?”.

Cẩm Nhi đờ đẫn gật đầu.

Tôi cầm chén trà trên bàn lên, dùng hết sức ném về phía nàng, “Đồ hỗn trướng!”.

Chiếc chén sứ rơi trên vai nàng, giội ướt nửa người nàng, mà mảnh vỡ của chiếc chén bắn lên trán nàng, một dòng máu đỏ tươi chảy xuống gò má trắng bệch, trông mà giật mình. A Việt vội vã quỳ xuống, không ngừng khuyên tôi bớt giận.

“Rốt cuộc ngươi có phải là mẫu thân của đứa bé không? Ngươi có còn là người hay không?”, tôi thất thanh nói, tức giận đến không kiềm chế nổi bản thân.

Cẩm Nhi chầm chậm ngẩng đầu lên, đôi mắt đỏ đục ánh lên vết máu đỏ trên má, dáng vẻ đáng sợ vô cùng.

“Ta không phải là mẫu thân của nó?”, nàng khàn giọng lặp lại lời tôi, đột nhiên cười lớn, “Ta cũng hy vọng là không phải! Người cho rằng ta sẵn lòng sinh ra nó, sinh ra đồ nghiệt chủng đó, để nó chịu khổ sở giống như ta sao?”.

Nghiệt chủng, hai chữ này giống như ngọn lửa thiêu đốt tôi. Tôi bỗng đứng lên, người lạnh cứng như rớt vào hầm băng, “Ngươi nói đứa bé là cái gì?”.

Cẩm Nhi cười thê thảm, “Ta nói nó là nghiệt chủng, là nghiệt chủng giống như ta!”.

Tôi hít một hơi lạnh, chân mềm nhũn, ngã ngồi trên ghế.

Cẩm Nhi được sinh ra ở phường ca vũ, vốn là con riêng của một vũ cơ, đến khi mẫu thân nàng bệnh chết cũng không chịu nói cho nàng biết phụ thân của mình là ai. Ở chốn phường ca vũ thì những đứa trẻ có hoàn cảnh như vậy cũng không thiếu, là nam thì bị đuổi đi, là nữ thì bị giữ lại, lớn lên rồi không trở thành nhạc kỹ thì cũng bị quan lại quyền quý lấy làm tỳ thiếp. Cẩm Nhi lại rất may mắn, năm bảy tuổi nàng tình cờ được Từ cô cô nhìn thấy, thương xót cho những cực nhọc của nàng, Từ cô cô liền dẫn nàng về phủ làm thị nữ.

Giờ khắc này, nàng lại nói rõ với tôi, từng câu từng chữ, rằng đứa bé kia là nghiệt chủng, là nghiệt chủng giống như nàng! Tôi nhìn nàng, lạnh cả người, trong đầu xuất hiện hàng ngàn nghi vấn, cuối cùng bật thốt lên, “Cẩm Nhi, nói cho ta biết, sau khi ly tán ở Huy Châu, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?”. Khóe môi nàng hơi nhếch lên, con ngươi nheo lại, gương mặt lộ vẻ sầu thảm. Nàng cười nói: “Quận chúa thực sự muốn biết sao?”.

Tôi đứng dậy đi đến gần nàng, rút khăn lụa ra lau đi vết máu trên trán nàng, lại không đành lòng, “Ngươi đứng lên mà nói”.

Nàng dường như không nghe thấy, vẫn ngã quỵ trên mặt đất, đầu ngửa ra, túm lấy tay áo tôi, “Điện hạ bảo nô tỳ phải quên chuyện này đi, không bao giờ được nhắc với ai cả… Nhưng, nếu như Quận chúa đã muốn biết thì Cẩm Nhi sao có thể giấu diếm?”.

Nụ cười của nàng khiến tôi lạnh run, bất giác lui về phía sau một bước, gỡ tay áo ra khỏi tay nàng, “Cẩm Nhi, ngươi đứng dậy trước đi đã”.

“Người còn nhớ, lúc sinh nhật mười lăm tuổi của nô tỳ, người đã từng hỏi ước nguyện của nô tỳ là gì chứ?”. Đôi mắt nàng nhìn tôi chăm chăm. Tôi nhớ lại, khi đó chúng tôi đang ở Huy Châu, vào sinh nhật tuổi mười lăm của nàng, tôi đã từng đồng ý sẽ giúp nàng hoàn thành một tâm nguyện. Nhưng nàng không chịu nói ra, lại bảo rằng tâm nguyện của nàng đã thành. Lúc ấy tôi chỉ cho rằng nàng đang giở tính trẻ con, không hiểu chuyện.

Cẩm Nhi yếu ớt cười một tiếng, “Tâm nguyện lúc ấy của nô tỳ chính là được đi theo điện hạ, cả đời phụng dưỡng ngài”.

Tôi kinh ngạc nhìn nàng, một lúc sau, nhắm mắt, lặng lẽ thở dài. Trong những năm tháng đẹp đẽ đã ngủ yên kia, nàng lặng lẽ ở bên cạnh tôi, không có ai chú ý tới sự tồn tại của nàng. Trong thế giới có tôi và Tử Đạm, nàng chỉ giống như một thứ đồ trang trí. Nhưng chúng tôi đã quên, nàng cũng đang ở độ tuổi xuân, cũng có những thứ tình cảm âm thầm đâm chồi nảy lộc.

Ngày đó tôi gặp tai kiếp ở Huy Châu, mấy ngày liền không rõ sống chết ra sao, nàng ngoại trừ sợ hãi thì chỉ muốn báo lại việc này cho Tử Đạm, càng sớm càng tốt. Nhưng nàng cũng sợ rằng, Tử Đạm biết tin tôi gặp nạn rồi sẽ không chịu đựng nổi nỗi đau đớn. Nàng cảm thấy, ở thời khắc ấy, Tử Đạm rất cần có người bên cạnh, vậy là nàng liều lĩnh đi tìm. Một thiếu nữ độc thân, từ Huy Châu xa xôi ngàn dặm chạy tới Hoàng lăng… Nhớ tới Cẩm Nhi yếu đuối nhát gan ngày ấy, tôi cũng không biết nàng lấy đâu ra dũng khí này.

Khi đó Tử Đạm còn chưa bị giam cầm, mặc dù ở tận Hoàng lăng xa xôi nhưng vẫn được tự do. Cẩm Nhi nói đến đây, thần sắc đang thảm thiết chợt biến thành dịu dàng vô hạn, “Nô tỳ trăm đắng nghìn cay đi tới Hoàng lăng, không ngờ thực sự gặp được điện hạ, mà điện hạ còn rất vui! Nhìn thấy nô tỳ, điện hạ vui mừng đến rơi lệ!”. Đôi mắt nàng tỏa ra ánh sáng, tựa như nhớ lại ngày hôm đó gặp mặt Tử Đạm, “Thấy điện hạ vui vẻ như thế, nô tỳ không đành lòng báo tin dữ cho ngài. Lúc ấy, không biết thần xui quỷ khiến thế nào, nô tỳ đã lừa điện hạ, chỉ muốn tạm thời giấu diếm điện hạ, không để ngài đau lòng khổ sở… Nô tỳ nói là Quận chúa lệnh cho nô tỳ tới phụng dưỡng điện hạ, từ đó ở lại bên cạnh điện hạ, điện hạ lại chẳng hề nghi ngờ chút nào!”.

“Hoàng lăng ở xa xôi, mãi đến ba tháng sau, chúng ta mới biết được tin Quận chúa đã thoát hiểm. Điện hạ biết là nô tỳ đã nói dối, nhưng ngài không nói gì, cũng không trách cứ nô tỳ. Lúc ấy nô tỳ đã quyết định, dù sống dù chết cũng phải đi theo điện hạ. Rồi điện hạ bị giam lỏng. Suốt thời gian ấy, nô tỳ ở bên cạnh ngài một tấc cũng không rời, chỉ có nô tỳ, không còn ai khác…”. Cẩm Nhi bình tĩnh nói, khóe môi hé nở nụ cười ngọt ngào, vẫn chìm trong quá khứ xa vời chỉ thuộc về nàng và Tử Đạm.

“Vốn tưởng rằng cả đời sẽ như vậy, nô tỳ và điện hạ, điện hạ và nô tỳ, sống tại Hoàng lăng đến già, cô đơn cả đời cũng được…”, giọng Cẩm Nhi chợt cao vút, tựa như có ai đó đang nhéo vào cổ nàng, “Sau đó điện hạ bị nhốt riêng, không cho phép nữ quyến đi theo. Nô tỳ một mình ở trong căn phòng khác, mỗi ngày chỉ có thể đến thăm hỏi điện hạ một lần. Có đêm, một quân sĩ uống rượu say xông vào phòng nô tỳ…”. Cẩm Nhi khàn giọng nói không ra lời, mà tôi cũng nghe không lọt tai nữa. Đầu óc ong ong, đau đến tột cùng. Tử Đạm, kiếp bị giam lỏng mấy năm hóa ra lại thê thảm như vậy, bị vũ nhục như vậy, đến cả thị thiếp của huynh ấy cũng bị binh lính uống rượu say cưỡng hiếp!

“Sau đó thì sao?”, tôi nhắm mắt, nhẫn nhịn nỗi đau trong lòng, hỏi Cẩm Nhi, “Tên lính đó hiện giờ ở đâu?”.

Vẻ mặt Cẩm Nhi hờ hững, “Đã chết. Tên người Man đó đã bị Tống tướng quân xử tử”.

“Người Man? Tống Hoài n cũng biết chuyện này?”, tôi kinh ngạc hỏi.

“Biết”, Cẩm Nhi cười nhạt một tiếng, “Tống tướng quân là người tốt, rất săn sóc đến điện hạ. Chỉ có bọn cấm quân mới đáng hận… Sau chuyện ấy, Tống tướng quân thay hết những cấm quân bên cạnh điện hạ bằng binh lính của ngài ấy, nô tỳ mới không còn lo lắng hãi hùng nữa”. Tôi hiểu được. Nàng nói rất đúng. Cô cô đã sớm phái thị vệ cấm cung tới. Bọn chúng đều là đám binh lính ăn không ngồi rồi, suốt ngày chỉ biết càn quấy kho lương của triều đình, trong đó có không ít kẻ là người Man. Năm xưa Triết Tông Hoàng đế từng chọn võ sĩ xuất sắc từ nhiều tộc vào cấm quân, xây dựng một đội hộ vệ kỳ quái, đã truyền qua nhiều đời đến nay. Kể từ khi ấy, trong cấm quân liền có người Man, người Hồ. Chỉ là những kẻ này sống ở kinh thành lâu năm, lấy người Hán, nói năng sinh hoạt cũng không khác gì người Hán. Bên cạnh Tử Đạm xảy ra chuyện như vậy mà Tống Hoài n lại không báo cho tôi, đáng giận.

Cẩm Nhi run rẩy nói: “Vốn dĩ là cho dù có chết, nô tỳ cũng sẽ không nói cho điện hạ chuyện này, nhưng, nhưng, nô tỳ… lại… có…”.

Tôi đã đoán được kết quả xấu nhất, không nhẫn tâm nghe nàng chính miệng nói ra, “Cho nên, Tử Đạm cho ngươi danh phận, để ngươi sinh đứa bé ra?”.

Cẩm Nhi che mặt nghẹn ngào, “Điện hạ nói, nó là một sinh linh vô tội…”.

Nàng đột nhiên giương mắt, nhìn thẳng về phía tôi, “Một người nhân từ như vậy, các người sao có thể đối đãi như thế? Kẻ khác chèn ép, sỉ nhục ngài ấy, ngay cả ngươi cũng cô phụ ngài ấy! Vừa đi theo Dự Chương Vương có quyền có thế đã quên ngay Tam điện hạ toàn tâm toàn ý với mình! Ngươi có biết điện hạ ở Hoàng lăng cả ngày lẫn đêm chỉ nhớ đến ngươi, lúc nào cũng nghĩ tới ngươi, giống như ta lúc nào cũng nghĩ tới ngài ấy, mà ngài ấy lại chỉ coi ta là nha hoàn của ngươi, chưa từng coi là nữ nhân của ngài… Mặc dù có được danh phận suông kia, nhưng ta chẳng là gì hết!”.

Ánh mắt nàng như dao, từng lời, từng chữ khoét sâu vào tim tôi.

“Ta sinh nữ nhi, ngài luôn miệng gọi nó là A Bảo. Ngay cả nữ nhi của ta cũng không thoát khỏi cái bóng của ngươi… Dự Chương Vương phi, tại sao ngươi lại để ngài nhớ mãi không quên? Một nữ nhân ác độc đích thân đẩy điện hạ vào chỗ chết cũng xứng để ngài nhớ mãi không quên?”. Nàng càng nói càng xúc động, phẫn nộ, gương mặt nhăn nhó, dáng vẻ điên cuồng. Cung nhân phía sau đè nàng lại, nàng vẫn giằng co muốn lao tới trước mặt tôi.

Tôi mặc nhiên nghe nàng quát mắng, chỉ cảm thấy lòng tràn đầy bi ai. Một hồi lâu không nói gì.

“Nữ nhi của ngươi có đôi mắt người Man, càng lớn lên càng rõ ràng, cho nên ngươi nhẫn tâm hủy đôi mắt nó đi?”, tôi đứng dậy, lạnh giọng hỏi nàng lần cuối.

Nàng giống như bị rút hết sức lực, run rẩy không nói thành lời, nức nở một tiếng rồi bất tỉnh.

Chuyện này nếu như bị truyền ra ngoài, thanh danh của Tử Đạm sẽ bị hủy hoại, mà thể diện của Hoàng thất cũng không còn.

Nếu là cô cô, người tất nhiên sẽ không hề do dự xử tử Cẩm Nhi và đứa bé, xử tử toàn bộ cung nhân, để bí mật này vĩnh viễn bị chôn sâu dưới lòng đất.

Nhưng đối diện với Cẩm Nhi, đối diện với đứa bé đáng thương kia, tôi vẫn không hạ được quyết tâm tuyệt tình như vậy.

Ngày hôm sau, năm cung nhân biết sự tình trong Cảnh Lân cung bị xử tử, tiểu Quận chúa được đưa vào Vĩnh An cung, để cho những cung nhân có thể tin tưởng được nuôi dưỡng.

Tô thị bởi vì phạm phải cung quy, bị trục xuất khỏi cung đình, đưa tới chùa Từ An tu hành, cả đời không được bước ra khỏi cửa chùa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.