Bạn Gái 100 Ngày

Chương 12: Cơ hội cuối cùng




TÔI ĐUỢC GỌI LÀ "KELEBEK"

ệnh cầu kinh buổi trưa chưa được gióng lên. Một tiếng gõ cửa, tôi mở và nhận ra Siyah Kính mến, người ở cùng chúng tôi một thời gian trong thời làm thợ học việc. Chúng tôi ôm và hôn lên má nhau. Tôi tự hỏi có phải anh đã mang theo chỉ thị từ Enishte của anh ta không, khi anh ta nói rằng anh ta muốn xem những trang tôi đang minh họa và những bức tranh của tôi, rằng anh ta đến thăm trong tình bạn, và sẽ hỏi tôi một câu hỏi nhân danh Đức vua.

"Rất tốt," tôi nói, "tôi sẽ trả lời câu hỏi gì đây?"

Anh ta nói với tôi. Rất tốt, nào!

Phong cách và Chữ ký

"Chừng nào mà những họa sĩ bất tài còn bị thúc đẩy bởi tiền bạc và danh vọng thay vì niềm vui của việc nhìn ngắm và niềm tin vào những thăng tiến trong tay nghề của họ," tôi nói, thì chúng ta sẽ còn tiếp tục chứng kiến thêm nhiều sự tầm thường và thói hám danh tương tự như nỗi ám ảnh về "phong cách" và "chữ ký" này." Tôi đưa ra câu mào đầu này bởi đây là cung cách phải làm, chứ không phải vì tôi tin vào những gì mình nói. Năng lực và tài năng thực sự không thể bị phá hỏng bởi lòng hám vàng hay danh vọng. Hơn nữa nếu nói ra sự thực, thì tiền bạc và danh vọng là những ưu quyền không thể chuyển nhượng được của người có tài, như trong trường hợp của tôi, và nó chỉ thôi thúc chúng ta lập được những kỳ tích lớn lao hơn. Nhưng nếu tôi công khai nói ra điều này thì những nhà minh họa hạng xoàng trong ban tiểu họa sẽ điên lên vì đố kỵ mà nhảy xổ vào tôi, vì vậy, để chứng minh rằng tôi yêu công việc này hơn họ nhiều, tôi sẽ vẽ bức tranh tả một cái cây trên một hạt lúa. Tôi hiểu rõ rằng sự ham muốn "phong cách." "chữ ký" và "tính cách" này đã đến với chúng ta từ mãi tận phương Đông qua các bậc thầy Trung Hoa không may nào đó vốn bị chệch hướng do ảnh hưởng của người Âu, bởi những bức tranh mà các tu sĩ dòng Tên mang đến từ phương Tây. Tuy nhiên, hãy để tôi kể anh nghe ba dụ ngôn tạo thành một thuyết trình về chủ đề này."

Ba dụ ngôn về Phong cách và Chữ ký

ALIF

Ngày xưa, ở phía Bắc Herat, trong một lâu đài trên núi cao, có một Đại Hãn trẻ sống, anh ta rất say mê trang trí và hội họa. Vị Hãn này chỉ yêu duy nhất một nàng trong hậu cung của mình, và người phụ nữ Tatar hấp dẫn này, kẻ mà anh yêu điên cuồng, nàng cũng yêu anh. Họ làm tình liên tục sáng đêm, và sống trong trạng thái đắm đuối như thế đến độ mong ước của họ là được sống như thế mãi mãi. Họ nhanh chóng khám phá rằng cách hay nhất để biến mong ước của họ thành hiện thực là giở các cuốn sách ra và nhìn chăm chú, trong nhiều giờ và nhiều ngày liên tục, vào những bức tranh hoàn mỹ đến độ sững sờ của các lão họa sư.

Khi nhìn những bức vẽ hoàn hảo này, được sao lại một cách hoàn mỹ, họ cảm thấy như thể thời gian sẽ ngừng trôi và hạnh phúc của riêng họ sẽ hòa cùng niềm vui lớn của thời đại vàng son lộ ra trong các câu chuyện. Trong xưởng làm sách hoàng gia có một nhà tiểu hoạ, bậc thầy của những bậc thầy, người vẽ đi vẽ lại những bức tranh hoàn mỹ cho những trang giống nhau của những cuốn sách giống nhau. Theo thói quen, bậc thầy này đã miêu tả nỗi thống khổ trong tình yêu của Ferhad dành cho Shirin, hoặc những cái nhìn yêu thương và khao khát giữa Leyla và Mejnun, hoặc cái nhìn đầy tình ý, đa nghĩa mà Husrev và Shirin trao nhau trong khu vườn nhà trời huyền thoại đó - tuy nhiên với một thay đổi nhỏ: Thay vì những cặp tình nhân huyền thoại này, người nghệ sĩ sẽ vẽ vị Hãn và mỹ nhân Tatar của anh ta. Nhìn những trang này, vị Hãn và người yêu của anh vững tin rằng hạnh phúc của họ sẽ không bao giờ kết thúc, và họ ban phát cho nhà tiểu họa tài ba này rất nhiều vàng cùng lời khen ngợi. Tuy nhiên cuối cùng sự tâng bốc này đã khiến nhà tiểu họa trở nên lầm lạc; bị Quỷ sứ xúi giục, ông ta không cho rằng nhờ những bậc thầy già mà tranh ông mới đạt được sự hoàn hảo, mà ngạo mạn cho rằng chỉ một chút chấm phá thiên tài của ông ta là đủ cho tác phẩm của ông thậm chí còn hấp dẫn hơn. Vị Hãn và người yêu của anh ta xem những cách tân này - những chấm phá mang phong cách cá nhân của nhà tiểu họa bậc thầy - chỉ là những khuyết điểm, và chúng khiến họ bối rối sâu xa. Trong những bức tranh này, mà vị Hãn đã xem xét hết sức kỹ lưỡng, anh cảm thấy rằng hạnh phúc trước đây của mình đã bị phá vỡ theo nhiều cách khác nhau, và anh ngày càng ghen tỵ với giai nhân Tatar xinh đẹp của mình, người được nhà họa sĩ vẽ theo bút pháp riêng của ông ta. Vì vậy, với ý định làm cho nàng Tatar xinh đẹp ghen tuông, anh đã làm tình với một hầu khiếp khác. Người vợ yêu của anh quá buồn khổ khi biết được sự phản bội này qua những lời đồn đãi trong hậu cung đến độ nàng lặng lẽ treo cổ trên một cành cây tuyết tùng trong sân hậu cung. Vị Hãn, khi hiểu ra sai lầm mình phạm phải, và nhận ra rằng sự mê đắm phong cách của nhà tiểu họa chính là nguồn cội của biến cố khủng khiếp này, bèn chọc mù mắt tay nghệ sĩ bậc thầy đã bị Quỷ sứ xúi giục.

BA

Ngày xưa ở một quốc gia phương Đông có một vị vua già, một người yêu tranh minh họa, việc tô điểm sách và các bức tiểu họa, ông sống hạnh phúc với bà vợ Trung Hoa đẹp lộng lẫy. Than ôi, lại xảy ra chuyện là đứa con trai tuấn tú của Quốc vương với người vợ trước và bà vợ trẻ hiện nay của ông phải lòng nhau.

Người con, kinh hoàng vì nỗi mình đã phản bội cha, và hổ thẹn trước tình yêu tội lỗi của mình, liền tự giam mình trong xưởng làm sách, đắm mình vào hội họa. Do chàng vẽ vì nỗi buồn và sức mạnh của tình yêu, nên mỗi bức tranh của chàng đều gây ấn tượng đến độ người chiêm ngưỡng không thể phân biệt chúng với tác phẩm của những bậc thầy lão thành. Đức vua rất tự hào về con trai mình, và bà vợ trẻ Trung Hoa còn nói, "Phải, thật ấn tượng!" khi nhìn các bức tranh. "Nhưng thời gian rồi sẽ qua đi, và nếu chàng ta không ký tên vào tác phẩm của mình, sẽ không ai biết rằng chàng ta là người làm ra kiệt tác này." Đức vua đáp, "Nếu con trai ta ký vào các bức tranh của nó thì liệu có công bằng không khi nó nhận những lời khen dành cho kỹ thuật và phong cách của những bậc thầy lão thành mà nó đã bắt chước? Hơn nữa, nếu nó ký vào tác phẩm của nó, thì chẳng phải nó muốn nói rằng "Tranh của tôi mang những khuyết điểm của tôi" sao?" Bà vợ Trung Hoa, tuy hiểu rằng mình không thể thuyết phục được ông chồng già về vấn đề chữ ký, cuối cùng đã thành công trong việc thuyết phục con trai ông ta, vốn luôn giam mình trong xưởng làm sách như mọi khi. Hổ thẹn vì phải thổ lộ tình yêu, bị thuyết phục bởi những ý tưởng của người mẹ kế xinh đẹp và với sự thúc giục của Quỷ sứ, người con đã ký tên mình vào một góc bức tranh, giữa bức tường và cỏ. Ở một điểm mà chàng cho là khó nhận ra. Bức tranh đầu tiên chàng ký vẽ một cảnh trong Husrev o Shirin. Các vị biết chuyện đó mà: Sau khi Husrev và Shirin cưới nhau, Shiruye, con trai của Husrev với người vợ trước, đã yêu Shirin. Một đêm, lẻn vào phòng ngủ của họ qua cửa sổ, Shiruye nhanh nhẹn đâm dao găm vào ngực cha hắn. Khi Đức vua thấy bức tranh con trai ông vẽ cảnh này, ông bị choáng với cảm giác rằng bức tranh là hiện thân của một khuyết điểm nào đó; ông đã nhìn thấy chữ ký, nhưng không hoàn toàn ý thức về điều đó, và đơn giản là ông phản ứng với bức tranh với ý nghĩ rằng. "Bức tranh này có một khuyết điểm." Và bởi người ta không bao giờ gặp bất cứ điều gì như thế ở những bậc thầy lão thành, nên Đức vua đột nhiên thấy kinh hoàng, nghi ngờ rằng tập sách mà ông đang đọc không kể lại một câu chuyện hay một truyền thuyết mà là những gì tuyệt đối không thích hợp với một cuốn sách: nó nói về chính thực tại. Khi ông vua già ý thức được điều này, ông choáng váng vì kinh hoàng. Đứa con họa sĩ của ông đã vào phòng qua cửa sổ, như trong bức tranh, và không nhìn đến lần thứ hai vào đôi mắt trợn trừng của người cha, anh ta lẹ làng cắm con dao găm - lớn như con dao trong bức vẽ - vào ngực cha mình.

DJIM

Trong cuốn Jami al-Tawarikh 1 của mình, Rashiduddin xứ Kazvin đã phấn khởi viết rằng cách nay 250 năm ở Kazvin, việc tô điểm bản thảo, thư pháp và minh họa là những bộ môn nghệ thuật được quý trọng và yêu thích nhất. Vị vua đang trị vì ở Kazvin lúc đó cai trị trên bốn mươi quốc gia từ Byzantium đến Trung Hoa - có lẽ tình yêu đối với nghệ thuật làm sách là điều bí mật của cường quốc vĩ đại này - nhưng than ôi, ông không có con trai kế vị. Để ngăn không cho lãnh thổ ông chinh phục được bị chia cắt sau khi ông chết, nhà vua quyết định tìm cho cô con gái xinh đẹp của ông một người chồng là nhà tiểu họa thông minh, và do mục đích này, ông đã sắp xếp một cuộc tranh tài giữa ba thợ cả trẻ tuổi xuất sắc trong xưởng làm việc của ông, tất cả đều còn độc thân. Theo Jami al-Tawarikh của Rashiduddin, đề tài của cuộc thi này thật đơn giản: Bất cứ ai làm ra bức tranh gây ấn tượng nhất sẽ là người chiến thắng! Giống như chính Rashiduddin, các nhà tiểu họa trẻ biết rằng điều này có nghĩa là phải vẽ tranh theo phong cách của các bậc thầy xưa, vì vậy cả ba vẽ lại một cảnh được nhiều người ưa thích nhất: Trong một khu vườn gợi lại Vườn địa đàng, một thiếu nữ trẻ đẹp đứng giữa những cây bách và tuyết tùng, giữa lũ thỏ nhút nhát và bọn chim én nhộn nhạo, chìm đắm trong nỗi sầu tình phụ, chăm chăm nhìn xuống đất. Hoàn toàn vô tình, ba chàng tiểu họa đã vẽ lại chính xác cùng một cảnh đó như những bậc thầy xưa đã vẽ nhưng một người, vì muốn khẳng định mình và do đó chịu trách nhiệm về vẻ đẹp của bức tranh, đã giấu chữ ký của anh ta giữa những đóa hoa thủy tiên trong một điểm khuất nhất của khu vườn. Và vì hành động táo tợn này, chứng tỏ người nghệ sĩ đã từ bỏ tính khiêm tốn của những bậc thầy xưa, anh ta lập tức bị đày khỏi Kazvin đến Trung Hoa. Do đó cuộc thi phải tiến hành lần nữa với hai nhà tiểu họa còn lại. Lần này cả hai vẽ một bức tranh đáng yêu như một bài thơ, mô tả một thiếu nữ xinh đẹp cưỡi trên lưng ngựa trong một khu vườn tuyệt mỹ. Nhưng một trong hai nhà tiểu họa này - do một nét cọ sơ xuất hoặc cố ý, không ai biết đã miêu tả kỳ cục lỗ mũi con bạch mã của cô gái có đôi mắt Trung Hoa và xương gò má cao, và điều này bị nhà vua và con gái của ngài cho là một khuyết điểm. Sự thực thì nhà tiểu họa này không ký tên anh ta, nhưng trong bức tranh tuyệt đẹp của mình rõ ràng anh ta đã làm một thay đổi khéo léo ở cái mũi con ngựa để làm nổi bật tác phẩm. Vị vua, vốn từng tuyên bố "Khuyết điểm là mẹ đẻ của phong cách," đã lưu đày chàng tiểu họa này đến Byzantium. Nhưng theo tác phẩm của Rashiduddin, còn có một sự kiện quan trọng cuối cùng xảy ra khi người ta đang chuẩn bị mọi việc cho lễ cưới giữa công chúa với chàng tiểu họa tài năng, người đã vẽ hoàn toàn giống những bậc thầy xưa mà không hề có chữ ký hay sự thay đổi nào: Trọn cả ngày trước lễ cưới, con gái nhà vua rầu rĩ ngắm bức tranh của chàng tiểu họa trẻ tuổi tài hoa người sẽ trở thành chồng nàng ngày mai. Khi màn đêm buông xuống, nàng đến gặp cha và nói: "Sự thực rằng những bậc thầy xưa trong những bức tranh hoàn mỹ của họ, thường vẽ những thiếu nữ xinh đẹp giống người Trung Hoa, và đây là một nguyên tắc bất biến đến với chúng ta từ phương Đông," nàng nói. "Nhưng khi họ yêu ai đó, các họa sĩ sẽ đưa một điểm nào đấy của người mình yêu vào việc tái hiện cặp chân mày, mắt, môi, tóc, nụ cười hoặc thậm chí hàng mi của cô thiếu nữ xinh đẹp này. Sự thay đổi bí mật trong những bức tranh như vậy của họ sẽ là một dấu hiệu mà các tình nhân, và chỉ có những tình nhân, mới có thể nhìn ra. Con đã chăm chú nhìn cô gái cưỡi trên lưng ngựa này suốt cả ngày, thưa cha yêu quý, mà không thấy có dấu vết nào của con ở cô ta cả! Nhà tiểu họa này có lẽ là một bậc thầy vĩ đại, anh ta trẻ và tuấn tú, nhưng anh ta không yêu con." Do đó nhà vua hủy bỏ hôn lễ ngay tức khắc, và người cha cùng cô con gái sống những ngày còn lại bên nhau suốt đời.

"Như vậy, theo dụ ngôn thứ ba, sự không hoàn hảo đẻ ra cái mà chúng ta gọi là "phong cách"," Siyah nói một cách hết sức lễ phép và cung kính. "Và chuyện nhà tiểu họa đang yêu sẽ bị lộ rõ qua "chữ ký" ẩn trong hình ảnh của khuôn mặt, con mắt hoặc nụ cười của người đẹp phải không?"

"Không," tôi nói với một thái độ thể hiện niềm tin và lòng tự hào. "Những gì chuyển từ cô gái, tâm điểm tình yêu của nhà tiểu họa bậc thầy, vào bức tranh của anh ta cuối cùng không phải là sự thiếu hoàn hảo hay khuyết điểm mà là một quy tắc nghệ thuật mới. Bởi vì sau một thời gian và qua việc bắt chước, mọi người sẽ bắt đầu vẽ khuôn mặt của các cô gái giống như khuôn mặt xinh đẹp của cô gái đó"

Chúng tôi im lặng. Tôi thấy rằng Siyah, người đang chăm chú lắng nghe ba dụ ngôn tôi vừa kể, bây giờ tập trung chú ý vào âm thanh mà người vợ hấp dẫn của tôi gây ra khi nàng đi tới lui trong hành lang và căn phòng bên cạnh. Tôi nhìn anh ta đầy hăm dọa.

"Dụ ngôn thứ nhất xác định rằng "phong cách" là sự không hoàn hảo," tôi nói. "Chuyện thứ hai cho rằng một bức tranh hoàn hảo thì không cần chữ ký, và chuyện thứ ba kết hợp những ý tưởng của chuyện thứ nhất và chuyện thứ hai, vì thế chứng minh rằng "chữ ký, và "phong cách" chỉ là trò tự khen ngợi một cách ngốc nghếch và trơ trẽn cho một tác phẩm có khuyết điểm."

Con người này, kẻ mà tôi vừa cho một bài học vô giá, hiểu về hội họa được bao nhiêu? Tôi nói: "Anh có hiểu tôi là ai qua những câu chuyện của tôi không?"

"Chắc chắn," anh ta nói, không chút tin tưởng.

Vì vậy các vị đừng cố đoán xem tôi là ai qua đôi mắt và những khái niệm của anh ta, hãy để tôi nói thẳng với các vị. Tôi có thể làm mọi thứ. Giống như những bậc thầy xưa ở Kazvin, tôi có thể vẽ và tô màu với niềm vui sướng hạnh phúc. Tôi nói điều này với một nụ cười: tôi giỏi hơn mọi người. Tôi hoàn toàn không liên quan gì đến lý do cho chuyến viếng thăm của Siyah, mà nó - nếu ngẫu nhiên trực giác của tôi mách đúng - chính là chuyện thợ mạ vàng Zarif Kính mến mất tích.

Siyah hỏi tôi về sự kết hợp giữa hôn nhân và nghệ thuật.

Tôi làm việc rất nhiều và thích thú với công việc của mình. Tôi vừa mới cưới một cô gái xinh đẹp nhất vùng. Những khi tôi không trang trí sách, chúng tôi làm tình như điên. Rồi tôi lại lao vào công việc. Nhưng tôi không trả lời như thế. "Đây là một vấn đề nghiêm túc," tôi nói. "Nếu những kiệt tác phát sinh từ cây cọ của một nhà tiểu họa, thì đến khi phải vẽ vợ anh ta, anh ta sẽ lúng túng không biết làm sao khơi dậy niềm hứng thú đó", tôi nói. "Sự thật cũng ngược lại: Nếu cây bút sậy của gã đàn ông làm hài lòng người vợ, thì cây bút sậy nghệ thuật của anh ta sẽ kém cỏi hơn nếu ta so sánh chúng với nhau", tôi nói thêm. Giống như mọi người vốn ghen tỵ với tài năng của nhà tiểu họa, Siyah cũng vậy, đã tin vào những lời dối trá này và thấy phấn khởi.

Anh ta nói muốn xem những trang tôi vừa mới minh họa. Tôi mời anh ta ngồi ở bàn làm việc của tôi, giữa những thuốc màu, lọ mực, đá đánh bóng, cọ, bút mực và những tấm bìa cứng để cắt sậy. Siyah đang xem bức tranh tờ đôi mà tôi đang hoàn tất cho cuốn Sur-nama trong đó mô tả lễ cắt bì của Hoàng tử, và tôi ngồi cạnh anh ta trên chiếc nệm đỏ mà hơi ấm gợi tôi nhớ rằng người vợ xinh đẹp của tôi với cặp đùi tuyệt mỹ của nàng vừa mới ngồi đây; quả thực, tôi đã dùng cây bút sậy của tôi để vẽ nỗi buồn của những tù nhân khốn khổ trước mặt Đức vua, trong khi người vợ thông minh của tôi bấu chặt lấy cây bút sậy đàn ông của tôi.

Bức tranh rộng hai trang tôi đang vẽ mô tả việc giải thoát những con nợ bị kết án và cầm tù cùng gia đình họ nhờ ơn của Đức vua. Tội đặt Đức vua vào góc một tấm thảm trên đó chất đầy những chiếc túi đựng những đồng bạc. Đàng sau Ngài, tôi đặt vị Trưởng Ngân khố đang cầm sổ cái ghi nợ mà đọc to lên. Tôi vẽ những con nợ bị kết án, bị xích vào nhau bằng những cái cùm sắt quanh cổ, trong nỗi khốn khổ và đau đớn với những cái nhăn mày, những khuôn mặt dài thượt, một số còn có đôi mắt ngấn lệ. Tôi vẽ những ngươi chơi đàn luýt bằng màu đỏ với khuôn mặt vui sướng trong khi họ đệm nhạc cho những lời kinh nguyện và bài thơ vui tươi đi kèm với việc trao món quà nhân từ của Đức vua: tha cho người bị kết án khỏi bị ở tù. Để nhấn mạnh việc thoát khỏi cảnh đau đớn và buồn phiền của nợ nần - dù tôi không dự tính như thế từ lúc đầu - bên cạnh người cuối cùng trong đám tù nhân khốn khổ, tôi vẽ cả vợ anh ta mặc đồ màu tía, trông thảm hại bần cùng, cùng cô con gái tóc dài của anh ta, buồn rầu nhưng đẹp mặc áo choàng rộng màu đỏ thẫm. Để tay Siyah cứ nhíu mày này có thể hiểu việc minh họa ngang bằng với tình yêu cuộc sống như thế nào, tôi định giải thích tại sao nhóm những con nợ bị xích này được trải rộng suốt hai trang giấy; tôi định nói với anh ta cái luận lý ẩn tàng của màu đỏ trong tranh, tôi định giải thích những điều mà vợ tôi cùng tôi đã cười cợt bàn cãi trong khi ngắm nghía bức tranh này, chẳng hạn như cách tôi tô màu một cách thích thú - điều mà những bậc thầy xưa không bao giờ làm - cho con chó nằm nghỉ tuốt trong góc bằng đúng màu cái áo trùm bằng lụa atlas cua Đức vua, nhưng anh ta đã hỏi tôi một câu hỏi hết sức khiếm nhã và thô lỗ: Có thể nào tôi biết Zarif Kính mến bất hạnh ở đâu không?

Anh ta dùng từ "bất hạnh" là sao? Tôi không nói cho anh ta biết rằng Zarif Kính mến là một kẻ đạo văn tệ hại, một tên ngốc vốn làm công việc mạ vàng chỉ vì tiền, không hề có chút dấu vết nào của cảm hứng. "Không," tôi nói, "tôi không biết."

Có phải tôi đã từng nghĩ đến việc nhưng tín đồ hung hăng và cuồng tín của tay thuyết giáo xứ Erzurum có thể đã hãm hại Zarif Kính mến? Tôi vẫn giữ được bình tĩnh và cố kềm lại không trả lời rằng Zarif Kính mến rõ ràng là một kẻ trong bọn đó. "Không." tôi nói. "Tại sao?"

Nghèo đói, dịch bệnh, tình trạng vô đạo đức và tai tiếng mà chúng ta đang gánh chịu trong thành phố Istanbul này chỉ có thể được quy kết cho việc chúng ta đang xa lìa đạo Hồi thời Mohammed, Thánh Tông đồ của Thượng đế, việc hấp thụ những Phong tục đồi bại mới và để những xúc cảm kiểu Tây vực, châu Âu nảy nở giữa chúng ta. Đó là tất cả những gì tay thuyết giáo xứ Erzurum đó nói, nhưng mặt khác những kẻ thù của ông ta cố gắng thuyết phục Đức vua theo hướng ngược lại bằng việc khẳng định rằng những người dân Erzurum đó đang tấn công những ngôi nhà của phái khổ tu nơi người ta chơi nhạc và họ đang làm bẩn mộ của nhũng vị thánh. Họ biết tôi không chia sẻ lòng hận thù của họ đối với Đức ngài Erzurum, vì vậy họ nói những lời bóng gió lịch sự: "Anh có phải là kẻ đã chăm sóc người anh em Zarif Kính mến của chúng ta không?"

Bất chợt tôi hiểu ra rằng những lời đồn đại này từ lâu đã lan truyền trong giới tiểu họa. Rằng nhóm những kẻ bất tài thiếu năng lực, không cảm hứng đang khoái trá quy kết rằng tôi chẳng là gì ngoài một tên giết người man rợ. Tôi cảm thấy muốn trút một lọ mực vào sọ của tên Siyah lố bịch này chỉ vì hắn đã thực lòng tin vào lời vu khống của nhóm tiểu họa đố kỵ này.

Siyah đang xem xét xưởng làm việc của tôi, lưu giữ mọi thứ anh ta thấy vào ký ức. Anh ta quan sát kỹ chiếc kéo dài cắt giấy của tôi, những chiếc chén gốm đựng đầy sơn vàng, những chén thuốc màu, quả táo thỉnh thoảng tôi nhấm nháp khi làm việc, bình cà phê nằm trên bếp lò phía sau, những tách cà phê nhỏ xíu của tôi, những tấm nệm, ánh sáng lọt vào qua cửa sổ khép hờ, chiếc gương tôi dùng để kiểm tra bố cục trang, những chiếc áo ngắn của tôi và, đàng kia, chiếc khăn quàng đỏ của vợ tôi vướng lại trong góc như một tội lỗi do nàng làm rơi khi lẹ làng rời khỏi phòng vì nghe tiếng gõ cửa của Siyah.

Cho dù tôi có che đậy những ý nghĩ của mình không cho anh ta biết, nhưng tôi lại bày những bức tranh tôi đã vẽ và căn phòng tôi đang sống ra trước cái nhìn dò xét và soi mói của anh ta. Tôi có cảm giác rằng sự kiêu ngạo này của tôi sẽ là một cú sốc đối với tất cả các vị nhưng tôi là người kiếm được nhiều tiền nhất, và vì thế tôi là kẻ giỏi nhất trong đám tiểu họa! Phải, Thượng đế hẳn đã muốn nghệ thuật tô điểm trở nên mê ly để Người có thể chứng minh rằng bản thân thế giới này mê ly như thế nào đối với những ai thực sự thấy được nó.

--- ------ ------ ------ -------

1 Jami al-Tawarikh: Lịch sử thế giới

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.