Bạn Cùng Phòng Vô Cùng Phóng Khoáng Luôn Thích Về Nhà Ôm Tôi Khóc

Chương 9




Phụ thân ta là thái úy Ninh quốc, thống lãnh binh mã thiên hạ, đủ uy phong chưa? Nhưng tựu chung cả cuộc đời ông chưa một lần ra trận, nói ra kể cũng hơi mất mặt một chút.

Chuyện này cũng không thể trách ông. Thiên hạ chia năm, hơn ba trăm năm nay Ninh quốc dần trở thành quốc gia giàu mạnh nhất trong năm nước, các nước khác đều không dám khinh suất gây chiến, cho nên, gần mấy chục năm thiên hạ thái bình, không hề xảy ra một trận chiến tranh. Cũng có những nơi có thể dụng binh, ví như sơn tặc chặn đường, cướp của quấy nhiễu dân lành, nhưng cũng đâu cần thái úy một nước động binh thảo phạt? Đương nhiên, nhiều lúc ta thấy các nơi báo tin đã dẹp yên đạo tặc nào đó, trong khi cha phấn khởi vui mừng, ta lại tức muốn ói máu. Chiến tích nhỏ nhoi như vậy mà cũng thấy tự hào!

Cho nên cha rất buồn phiền, luôn buồn phiền, ngay đến chuyện lớn như An Thanh vương không chịu ngồi yên an hưởng phúc lành, thỉnh lệnh Ninh vương đưa Hữu quân đi trấn giữ Biên thành phía tây, cha cũng không hề lưu tâm, có vẻ ông coi Hữu quân như thứ đồ chơi tiện tay vứt cho An Thanh vương.

Không có trận để đánh, binh vẫn phải luyện. Nuôi binh nghìn ngày, dụng binh một giờ. Chuyện nuôi binh này đương nhiên không phải cứ ăn no, uống đủ, lĩnh lương là xong chuyện. Cha rất nghiêm khắc trong huấn luyện binh mã. Có lẽ ông cần tìm ra việc để làm. Vậy là từ nhỏ ta đã theo cha vào quân doanh.

Ta là trưởng nữ, cha có năm phu nhân, thân mẫu ta qua đời khi sinh ta, sau đó cha còn lấy thêm nhiều vợ, nhưng chỉ có một mình ta, ông nâng niu, yêu chiều ta như ngọc, nuôi dưỡng ta như nuôi đứa con trai. Thường sống trong quân doanh, ta đâm mê những nơi như thế, cũng rất ham binh pháp, trận pháp. Cha kiên trì dạy ta, các tướng lĩnh trong quân doanh lúc rỗi rãi cũng hay kể chuyện binh pháp cho ta nghe. Lại thêm tư chất thông minh, đọc nhiều, ta liền đem các loại trận pháp đã đọc bày trò chơi. Một hôm, câu đố về trận pháp Ngưu Đao của ta lại làm khó một vị tướng quân, ông ta liền đưa ra cho binh sĩ thực hành, cả hai bên bày trận và phá trận đều phải vắt óc suy nghĩ, cha ta cười ha hả, cách luyện binh như thế rất thú vị, sau đó cha thường để ta hiến mưu, vạch kế bày trận điều binh, tướng sĩ đều hào hứng tham gia.

Cuối cùng năm mười hai tuổi, ta nói với cha: "Cha à, chúng ta xuất binh đánh các nước khác được không? Quanh năm chơi trò mình đánh với mình, chán chết!".

Câu nói đó của ta đánh trúng tâm tư ông, tham vọng ánh lên trong mắt ông, cha ta thực ra cũng muốn đánh một trận thực sự, rút cục làm thái úy mấy chục năm, tay nắm trọng binh, vậy mà chưa một lần đánh trận, ông hẳn cũng thấy khó chịu.

Năm đó, cô ta từ hoàng quý phi được phong hoàng hậu Ninh quốc. Họ Vương chúng ta là gia tộc lớn của Ninh quốc, cô ta là hoàng hậu, tộc trưởng là cha ta thống lãnh binh mã toàn quốc (không tính phần trao cho An Thanh vương), quyền lực như diều gặp gió. Ví dụ, chỉ cần họ Vương chúng ta bực mình thì Ninh vương cũng khó vui được. Bởi vì lập tức có triều thần dâng biểu tấu, một địa phương nào đó đạo tặc nhiều, một trấn nào đó không thu được thuế, thậm chí ngay cả những việc vụn vặt như, lụa dùng để may khăn trùm đầu cho cung phi nên dùng hàng của kinh thành sản xuất hay nên mua của Trần quốc..., khiến Ninh vương đau đầu nhức óc. Hơn nữa, những trọng thần trung thành với Ninh vương như Cố tướng, lúc lâm triều bất luận đưa ra chủ kiến gì, đều có quan viên phe họ Vương chúng ta đứng ra gièm pha châm chọc, hai bên dẫn ra đủ loại điển tích điển cố tranh cãi om sòm. Đương nhiên, cha ta thường không lên tiếng, bởi vì ông biết, những triều thần kia đã đủ khiến Ninh vương đau đầu, trở về hậu cung, lại bị cô ta ngồi tựa chồng gối cao thong thả chêm lời. Ninh vương đau đầu nhức óc, lúc đầu còn nghĩ, cần suy tính bàn bạc cho ra nhẽ, sau hiểu ra, vẫn nên làm theo ý họ Vương, họ Vương vui thì mọi chuyện suôn sẻ. Ta thường nghĩ, sự nhiệt tình của cha ta đối với quyền lực, ở một mức độ rất lớn cũng là do không có trận mà đánh, không có việc mà làm.

Mặc dù ảnh hưởng của cha rất lớn, ảnh hưởng của ta đối với cha cũng đủ mạnh, nhưng, gặp những chuyện lớn như xuất binh chinh thảo các nước, chúng ta vẫn cần vào cung trao đổi với cô ta. Vậy là cha đưa ta vào cung.

Đây là lần đầu ta vào cung. Cha và cô ta bàn chuyện, một mình ta vào chơi ngự hoa viên. Nghe nói đây là hoa viên do tiên hoàng tổ thiết kế hình con chim, có rất nhiều đường, nhiều ngã rẽ, những lúc rỗi rãi tiên tổ hoàng đế thường đưa các cung nữ trẻ vào đó chơi trò trốn tìm, thiết kế của ngự hoa viên lại rất hợp sở thích bày binh bố trận của ta.

Vào ngự hoa viên không lâu, ta nghe thấy có tiếng nói. Nấp trong bụi hoa nhìn ra, ta thấy hai người trẻ tuổi vận trang phục hoàng tử đang ngồi đánh cờ trong lầu hóng mát. Người lớn hơn mắt sáng mày thanh, người nhỏ hơn dáng thư nhàn tuấn tú. Ta nghe thấy người lớn tuổi cười ha hả: "Tứ đệ, đệ lại thua rồi, sao chơi cờ không thấy tiến bộ chút nào vậy?".

Người trẻ hơn nói: "Đại ca chơi cờ phi phàm, Tử Ly không bằng".

Ta nghĩ, đây chính là hai trong số năm công tử Phong thành mà thiên hạ đồn đại, thái tử Lưu Giám và tứ hoàng tử Lưu Phi. Lát sau hai người đứng lên bỏ đi. Ta không nén được hiếu kỳ, chạy đến xem bàn cờ họ vừa chơi. Thật kỳ lạ, xét theo vị trí chỗ ngồi và trận thế trên bàn, tứ hoàng tử không giống người thua cuộc, lúc sắp đến giữa ván cờ lại đi sai một đường, với những quân cờ chàng đã đi, chàng quyết không thể phạm lỗi sai như vậy. Tứ hoàng tử thật thú vị, cố tình nhường thái tử chăng? Ta cười đắc ý, quân cờ đi sai của chàng rất khéo, chỉ có ta mới nhìn ra. Ta bỗng nghĩ, vị tứ hoàng tử chỉ hơn ta ba tuổi này tâm cơ rất sâu.

Sau khi cùng cha ra khỏi cung, cha càng buồn phiền. Thì ra, Ninh vương lần này bất luận đau đầu đến mấy, cũng nhất quyết không chịu xuất binh. Hừ, Ninh vương quả là vị hoàng đế bảo thủ cố chấp, khó làm nên đế nghiệp! Ta cũng thất vọng, bèn xin cha mỗi năm cho ta một ít binh sĩ lẻ, ta bố trí tập luyện trong rừng rậm Hắc sơn làm đội quân riêng của mình. Ta rất hy vọng có ngày có thể uy phong lẫm liệt đưa đội quân của mình ra trận, đua tài. Truyện được copy tại TruyệnFULL.vn

Vương Yến Hồi ta muốn thực hiện ước nguyện không thành của cha, chinh phục bốn nước, thống nhất thiên hạ, khiến mọi nam tử đều thần phục, chứ không phải chỉ mấy câu khen cửa miệng.

Khi ta đến tuổi cập kê, bao công tử quyền quý đến cầu hôn, ta đều từ chối. Không phải là người có hùng tâm tráng chí như ta, ta không màng. Nhưng đến năm ta mười bảy, cô gọi ta vào cung, nhìn ta hồi lâu, nói: "Yến Hồi, cháu kết hôn với thái tử được không?".

Ta từ chối, ta không thích vương cung, khi đã vào cung làm phi, trừ khi chết, nếu không khó có thể ra khỏi thâm cung trong thung lũng đó. Cô ta thở dài: "Giám Nhi là con trai ta, là Ninh vương tương lai, con gái họ Vương sao có thể không làm hoàng hậu!"

Hoàng hậu? Thống lãnh hậu cung? Ồ không, ước muốn của ta là thống lĩnh quân đội chứ không phải một bầy phi tử.

Lần đầu tiên cha trách ta: "Sao con không nghĩ cho gia tộc họ Vương chúng ta! Cho dù thái tử là con trai cô con, nhưng nếu lấy người khác cuối cùng sẽ làm giảm thế lực họ Vương chúng ta!".

Ta vẫn kiên quyết không chịu, cha ta lại thở dài: "Đợi sau này con làm hoàng hậu, có thế lực, thích làm gì thì làm không tốt sao? Không lấy thái tử, sao con có thể thực hiện giấc mộng của con! Sau này đợi khi Ninh quốc trở thành thiên hạ của họ Vương, con muốn ra trận có khó gì!".

Ta bỗng động lòng, gật đầu đồng ý. Con gái Ninh quốc không có địa vị, càng không nói có thể cầm quân đánh trận. Có lẽ làm thái tử phi, sau này khi lên ngôi hoàng hậu, ta sẽ để người anh họ đó phá lệ?

Mùa xuân năm ấy, Hộ quốc công chúa mở Đào hoa yến. Mấy bên tranh cãi ganh đua thế lực, kết quả cuối cùng là để thái tử lựa chọn trong ba tiểu thư là ta, thiên kim Cố tướng, thiên kim Lý tướng tìm ra một người làm thái tử phi. Hai người kia được coi là Phong thành song tuyệt, đều có ngón đàn nức tiếng. Ta không quan tâm, ba trò chơi đàn bà đó ta chưa bao giờ động đến. Đã có hoàng hậu làm hậu thuẫn, ta không lo, nấp sau trướng nhìn hai nàng ấy đua tài. Vốn tưởng hai người đều an phận nữ nhi, nhưng không ngờ khúc "Thu thủy" của Thanh Lôi trưởng nữ của Lý tướng lại khiến ta có cảm giác tìm thấy tri kỷ. Thầm nghĩ, nếu thái tử chọn Lý Thanh Lôi, sau này nàng ta còn có thể phò tá chàng. Thái tử không làm ta thất vọng, trước mặt mọi người chàng đã thể hiện lòng ái mộ, ta thở phào như cất hòn đá tảng trong lòng. Sau này, ta có thể không yêu chàng, nhưng vẫn có thể gây ảnh hưởng đối với chàng. Nên biết, con người nếu quá thiên về tình cảm, thường dễ mềm yếu thiếu quyết đoán, đó là đại kỵ của binh gia.

Dưới ảnh hưởng của cô và cha, thái tử Lưu Giám đã chọn ta làm thái tử chính phi, lập Lý Thanh Lôi làm thứ phi. Tuy nhiên vương thượng lại kiên quyết ban Cố Thiên Lâm thiên kim Cố tướng làm chính phi của tứ hoàng tử. Tai ta ù lên, ta hiểu, sự khổ công đó của Ninh vương chính là tìm chỗ dựa cho tứ hoàng tử, cân bằng thế lực, vậy người vương thượng nhắm để kế thừa vương vị có phải là Lưu Phi không?

Ngày được gả cho thái tử, Lý Thanh Lôi cũng được đón vào Đông cung. Đêm tân hôn, thái tử đứng một góc nhìn ta, ánh mắt long lanh vừa hận vừa không cam lòng, ta bỗng thấy khó chịu. Ta biết thái tử yêu Lý Thanh Lôi, muốn lập nàng ta làm chính phi, nhưng lại bất lực. Ta và Thanh Lôi được gả cho thái tử cùng một ngày, theo quy chế, đêm nay chàng sẽ cùng ta, nhưng chàng không nỡ bỏ mặc Thanh Lôi. Ta có sĩ diện của mình, không ép người đàn ông không yêu ta. Vậy là ta nhẹ nhàng chuộc tội, nói với chàng ta bị cảm phong hàn, người không được khỏe, lời nói ra đúng lúc khiến thái tử mừng rơn, vội vàng chạy đến với thứ phi. Ta "ốm" liền bảy ngày, chàng mới hỏi một câu, lại trong hoàn cảnh không thể không hỏi, khiến ta giận giữ, ta dứt khoát bảo chàng, ta vẫn chưa khỏi hẳn, để khiến chàng hoàn toàn yên tâm đi vui vẻ ân ái với Lý Thanh Lôi.

Trong mắt thái tử ta là chỉ là chính phi dựa vào thế lực gia tộc, buộc chàng phải lập, còn thứ phi tâm cao chí viễn, tư chất phi phàm mới là người chàng yêu, huống hồ, nàng ta đẹp hơn ta nhiều. Có được thái tử sủng ái hay không ta không quan tâm, nhưng ta quan tâm địa vị của mình, quyền lực tương lai của ta, ta không cho Lý Thanh Lôi chia sẻ.

Biết mình biết người đã thành thói quen, ta bất giác chú ý đến thiên kim Lý tướng mà tiếng đàn có thể làm ta lay động. Nhưng đáng tiếc nàng ta không chơi lại khúc "Thu thủy" nữa. Ta thấy mặc dù tiếng đàn của Thanh Lôi vẫn tuyệt tác nhưng không còn gửi gắm khát vọng vươn lên, chí gửi bốn phương như khi chơi khúc "Thu thủy" nữa. Mỗi khi ta trầm ngâm trước tiếng đàn của nàng ta, ta luôn bắt gặp vẻ hoảng loạn trong mắt Lý Thanh Lôi, điều này khiến ta cực kỳ hứng thú.

Sau hôn lễ của thái tử không lâu, là đến nhân duyên của thiên kim Cố tướng. Thái tử mở tiệc chiêu đãi tứ hoàng tử, ta mới nhân cơ thử thăm dò Lý Thanh Lôi, không ngờ lại lộ ra muội muội Lý Thanh La của nàng ta. Lý Thanh La chỉ khoảng mười hai, mười ba tuổi, khúc "Quảng lăng tán" vừa cất lên, ta đã nhận ra, nàng ta mới chính là người chơi khúc "Thu thủy" trong Đào hoa yến. Một bữa tiệc ngon, một tấn trò hay. Thái tử nghi ngờ, Lý Thanh Lôi quyết đoạn tuyệt chơi đàn, việc này ta thấy thật thú vị, không để cho người khác bất kỳ cơ hội thăm dò là sáng suốt nhất. Lại còn tứ hoàng tử, năm năm không gặp, chàng vẫn nhẫn nhịn, khiêm nhường như đã nhường thái tử trong ván cờ ở lầu hóng mát. Tam tiểu thư tướng phủ hình như có ẩn tình, Lễ bộ thị lang Thành Tư Duyệt quyết đoán, tiểu vương gia Lưu Giác gan to quá trời đứng ra bênh vực Lý Thanh La...

Còn ta lựa chọn phò tá thái tử, nhưng thái tử lại tỏ ra không hề có khả năng phán đoán, nổi giận trước mặt quan khách và gia quyến. Ô, nếu là ta, ta sẽ lựa lời giải quyết êm thấm vụ việc, sau khi tiệc tàn hỏi rõ chi tiết. Nếu Lý Thanh La làm hại tỷ tỷ, chỉ cần lặng lẽ thông báo với Lý tướng là được, hà tất phải làm thế, như vậy chẳng phải khiến Lý tướng mất mặt, có ý nói ông ta không biết dạy con hay sao? Tốt xấu ông ta cũng là Hữu tướng đương triều.

Đêm đó, do một đề nghị nhỏ của ta mà được thấy tấn trò hay, thực là vui, sống trong vương cung quả là không vô vị. Ta nhắc thái tử, căn cứ biểu hiện vừa rồi của tiểu vương gia Lưu Giác, sau này chưa biết chừng thái tử sẽ có thêm một đồng minh họ tộc. Thái tử cả mừng, lập tức càng tỏ ra cưng chiều Thanh Lôi, đối với kiểu đàn ông như vậy, ta chỉ có thể lắc đầu. Ngay đêm đó, thái tử chạy đến tẩm cung của ta, muốn ngủ lại. Chàng nghĩ chàng là ai? Muốn ân sủng ta để báo đáp ta đã nhắc nhở chàng? Ta sai cung nhân bảo chàng về, thái tử cũng không tức giận hoặc hoài nghi.

Không ngủ được, ta khoác áo trở dậy, từ xa nghe thấy tiếng tiêu từ Ngọc Ly cung vẳng đến, đó là tiếng tiêu của tứ hoàng tử. Tiếng tiêu nghẹn ngào, tràn đầy tâm tư. Nghe nói tứ hoàng tử mất mẹ từ nhỏ, chàng là con trưởng của tiên hoàng hậu họ Trần, vốn vô cùng tôn quý, nhưng bỗng lại là người cô ta căm ghét nhất. Ninh vương không dám làm mất lòng họ Vương chúng ta, vậy là tứ hoàng tử trở thành vị hoàng tử bị ghẻ lạnh nhất trong cung.

Mọi nỗi sầu muộn, oán hận, nhẫn nhịn trong lòng tứ hoàng tử đều bộc lộ qua tiếng tiêu của chàng.

Ta bất giác hiếu kỳ, chàng nhẫn nhịn điều gì? Vì sao phải nhẫn? Nỗi ai oán trong tiếng tiêu rõ ràng như vậy. Ta cười, sai thuộc hạ ngầm theo dõi mọi hành tung của tứ hoàng tử. Chuyện này chưa cần tra xét vội, chỉ riêng việc chàng trị thuộc hạ nghiêm cẩn, đã đủ khiến ta hiểu ra nhiều chuyện, ta nghĩ nhất định chàng có ý đồ tranh thiên hạ với thái tử, đáng tiếc hiện nay chàng không có đủ thực lực.

Ta cố ý thăm dò thái tử: "Nay Ninh quốc nước giàu dân an, sau khi thái tử đăng cơ, chàng mong muốn nhất điều gì?".

Lưu Giám trả lời: "Có thể chung sống bình yên với ái phi Thanh Lôi, nước không có họa hoạn, đã là hạnh phúc của quả vương".

Ta chỉ thở dài, cho dù sau này ta trở thành hoàng hậu, thái tử chắc cũng sẽ như Ninh vương tuyệt đối không dễ dàng xuất binh chinh chiến, càng không để cho ta, bậc mẫu nghi thiên hạ ra chiến trường, lòng ta bỗng chán nản cùng cực. Suốt đời chung sống với người đàn ông không yêu mình, một người mình không phục, cuộc đời mình sẽ trôi qua như vậy sao? Cha ta nói, đợi khi ta sinh được người nối dõi, là có thể dần dần biến giang sơn của họ Lưu thành giang sơn họ Vương, nhưng phải đợi đến bao giờ?

Đêm hôn lễ của Lưu Phi, ta đi ngủ rất muộn, cung nữ đưa ta đi tản bộ trên con đường nhỏ, dưới trăng, không biết đi tới gần Ngọc Ly cung từ lúc nào. Ta bảo họ tắt đèn, một mình ngồi bên hồ, những con hồ nhỏ trong cung được tạo nên bởi nguồn nước từ thác Túy Ngọc, lóng lánh dưới trăng, yên tĩnh và tuyệt đẹp. Ta đột nhiên nhìn thấy bóng áo đỏ vọt tường cung bay vào, biến vào Ngọc Ly cung, không lâu sau, từ đó vọng lên tiếng tiêu vừa u uẩn thê lương vừa mang hào khí ngất trời.

Đêm tân hôn Lưu Phi vượt cung ra ngoài làm gì? Chàng cơ hồ rất xúc động, tiếng tiêu đã bộc lộ tâm tư giấu kín bao năm của chàng, ta đã nghe thấy sát khí trong lòng chàng. Ta không nén được cười, ta lựa chọn chàng, ta đánh cược chàng nhất định bằng lòng.

Hai ngày sau, ta tìm cớ làm như vô tình gặp chàng trên con đường nhỏ chàng thường hay qua. Chàng rất cung kính, lễ phép. Nếu ta không nhìn thấu tâm tư Lưu Phi, chắc chắn tưởng chàng tôn kính chị dâu. Thấy ta cho tả hữu lui hết chàng có phần ngạc nhiên, nhưng vẫn bình thản đứng đó.

Ta thong thả nói: "Tứ hoàng đệ không sợ chúng ta như thế này người ngoài nhìn thấy sẽ dẫn tới hiểu lầm?".

Trên mặt chàng luôn thấp thoáng nụ cười nhàn nhạt mà xa cách, chàng trầm giọng trả lời: "Nghe đồn nương nương mưu lược hơn người, hành động này tất có thâm ý, Tử Ly xin nghe!".

Nói chuyện với người thông minh thật thú vị. Ta nói thẳng: "Nếu ta phò trợ tứ hoàng đệ lên ngôi, một ngày kia có thể mở cho họ Vương ta con đường sống không?".

Chàng tỏ vẻ kinh ngạc, bàng hoàng, nhưng sự trầm tĩnh trong mắt lại không qua nổi mắt ta. Ta cười: "Nói cho ngươi biết, với võ công của ngươi, trong vòng hai mươi trượng có người xuất hiện, ngươi chắc chắn nhận ra".

Chàng không nói, lặng lẽ nhìn ta, ta cố ý quay lưng lại phía chàng, không thăm dò nội tâm của chàng. Nhưng thầm nghĩ, nếu lúc này ta không thuyết phục được chàng, chàng hoặc sẽ giết ta, hoặc đưa ta đi tố cáo lĩnh công, bất luận loại nào ta cũng rắc rối to.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.