[Ái Nô Hệ Liệt] Ách Nô

Chương 7




Muốn thảo luận công việc có kết quả phải có thái độ đúng đắn. Thomas Edison dạy ta một bài học lớn về vấn đề này, Một nhà báo đã hỏi ông: “Thưa ông Edison, sau khi thất bại hàng chục ngàn lần mới thành công, ông cảm thấy thế nào?” Edison trả lời: “Anh bạn trẻ thân mến, vì anh mới vào đời, tôi tặng anh một tư tưởng có ích cho anh suốt đời. Trong 10.000 lần thí nghiệm ấy tôi đâu thất bại, tôi chỉ thành công vì khám phá ra rằng 10.000 cách ấy chưa đạt kết quả mà thôi“.

Thực ra Edison đã thí nghiệm đến 14.000 lần mới phát minh và hoàn chỉnh được bóng đèn điện. Ông thành công vì tìm ra nhiều khuyết điểm đèn không sáng, nhưng ông vẫn kiên trì cho tới khi đèn sáng lên mới thôi. Ông đã chứng minh được rằng tay thiện xạ khác tay súng tồi ở chỗ tuy bắn dở nhưng cứ kiên trì bắn mãi.

CHỈ THẤT BẠI KHI ĐẦU HÀNG

Chỉ thêm vào từ “TAI” một dấu huyền nho nhỏ, bạn đã biến nó thành từ 'TÀI“. Jerry West là một cầu thủ bóng rổ tài hoa của mọi thời. Nhưng chẳng phải anh sinh ra đã có đôi bàn tay tuyệt khéo ấy đâu. Hồi nhỏ anh chơi tệ tới mức các bạn láng giềng chẳng ai chịu cho anh chơi chung. Nhờ lao động và thực tập anh đã tạo được sự nghiệp.

Những từ ngữ: Kiên định, tận tụy, nỗ lực tối đa, máu, mồ hôi và nước mắt là những từ ngữ có hiệu quả và là những bài tập quan trọng trong tiến trình trở nên vĩ đại. Thực vậy, những từ này miêu tả những đặc tính giúp ta vượt mọi chướng ngại.

Demosthenes, nhà hùng biện vĩ đại người Hy Lạp, vốn bị cà lăm, nên thường mắc cỡ và tránh tiếp xúc. Cha ông để lại cho ông một gia tài kếch xù, nhưng theo luật lệ Hy Lạp, ông phải tranh luận trước công chúng để xác nhận quyền làm chủ gia sản đó. Nếu cứ cà lăm và mắc cỡ thì đành chịu trắng tay thôi. Ông liền hoạch định một chương trình tập luyện nghiêm túc. Nhờ kiên trì ông trở thành nhà hùng biện tài danh bậc nhất của loài người. Lịch sử chưa tìm được người thừa kế tài năng của ông và từ bao thế kỷ nay bài học về Demosthenes vẫn được dạy trong các trường học trên khắp thế giới. Thực thế, dù có bị quật ngã bao nhiêu lần, bạn chẳng thể bị nốc-ao nếu như bạn trỗi dậy nhiều hơn số lần bị quật ngã chỉ một lần.

ĐỪNG HÈN NHÁT VÌ THẤT BẠI

Đã tận tâm tận lực làm việc mà không thành công, đừng bỏ cuộc. Hãy chuyển sang một việc khác. Tôi và một người bạn cùng buôn một loại hàng ế ẩm. May sao tôi không bị lỗ vốn. Anh bạn tôi lỗ mất hàng ngàn đô la. Anh nói với tôi: “Zig à, tôi không thích mất tiền thực, nhưng điều tôi e ngại nhất là thất bại biến tôi thành hèn nhát không dám bỏ tiền kinh doanh khi có dịp. Nếu thế, sự mất mát của tôi sẽ tăng theo cấp số nhân“. Thực là chí lý.

Có một chàng trẻ tuổi không hèn nhát. Anh nuôi mộng tìm dầu hoả. Tiền hết mà dầu chẳng thấy. Anh đành bán cổ phần cho đồng bạn. Nhờ cố khoan tìm, sau cùng các bạn anh cũng khoan được dầu. Đó là công ty Cities Service và ngày nay là CITGO. Chàng trẻ tuổi bỏ cuộc ấy nhảy vào buôn bán quần áo, lần này chàng bị phá sản. Tuy túi chẳng một xu, anh vẫn không nản. Anh quay sang hoạt động chính trị. Người đó là Harry S.Truman. Hai lần bán buôn lụn bại không quật ngã nổi ông, đã biến ông thành Tổng thống Hoa Kỳ.

THẤT BẠI ĐÚNG LÀ BẠN ĐỒNG NGŨ CỦA CHÁN NẢN

Thành công chỉ là gắn bó với việc làm, lao động và tin tưởng vào việc làm. Rủi việc làm có cực nhọc hơn dự tính, xin hãy nhớ lưỡi lam mài lên miếng nhung chẳng thể sắc bén, người chuộng dễ dãi cũng chẳng tài nào “bén” lên được.

THÀNH CÔNG CHỈ ĐẾN KHI CƠ HỘI ĐÃ ĐƯỢC CHUẨN BỊ

Nhiều lần thành công nằm ngay trong tầm tay. Thỉnh thoảng ta phải rướn mình mới tới. Quả có lý khi nói: “Nếu đã rướn mình đủ, ta khỏi lo phải kéo mình đi“.

KIÊN TRÌ THẮNG MỌI TRỞ NGẠI

Trên đường dẫn tới đỉnh thành công, bạn hãy nhớ: những nấc thang là để nâng bước chân bạn lên chứ không phải chỗ ngồi nghỉ đâu nhé. Ai chẳng có lúc mệt mỏi chán nản. Nhưng James J. Corbett tay vô địch quyền Anh nói: “Cứ cố đấu thêm một hiệp nữa, rồi bạn sẽ thành vô địch. Càng gặp khó, càng thêm cố gắng“. Theo William James, không những ta có dịp may thứ hai mà cả thứ ba, thứ tư, năm, sáu, bảy nữa. Bản thân mỗi người đều tích chứa một nguồn năng lực dự trữ lớn lao, nhưng nếu không quyết tâm khai thác, nó sẽ thành vô dụng. Nhạc sĩ vĩ cầm Pablo Casals, tuy đã lừng danh thế giới nhưng ngày nào cũng bỏ ra sáu giờ luyện tập. Khi có người thắc mắc hỏi sao ông phải tốn công tập luyện dữ thế? Ông trả lời: “Tôi nghĩ rằng mình còn tiến bộ nữa“.

Cơ hội giúp ta thành vĩ đại đâu phải từ bên ngoài: nó tiềm ẩn trong mỗi người. Tuy nhiên, ta phải lao động để nó phát lộ. Mọi người đều khuyên ta nên rèn sắt khi còn nóng đỏ. Song quai búa mạnh vẫn tốt hơn. Kiên trì và nỗ lực rất quan trọng, bất cứ giám đốc thương vụ nào cũng bảo bạn rằng mỗi lời từ chối “Không” đều là một bước đưa bạn tới lời “Có” thuận mua hàng. Trước lúc bình minh là lúc tối tăm nhất. Cứ lao động nâng cao kĩ năng và tài năng, rồi thành công sẽ tới. Và nếu không thành công chói lọi, chiến thắng của bạn vẫn chói lọi, Vì tự thâm tâm bạn hiểu mình đã làm hết khả năng. Với cách thức, ước vọng và quyết tâm như thế, bạn sẽ tạo được lợi thế lớn lao trong đời sống. Vince Lombardi, huấn luyện viên bóng chày huyền thoại của Hoa Kỳ, người duy nhất đưa ba đội bóng đoạt chức vô địch thế giới đã nói: “Tôi chưa bao giờ thấy ai sáng giá mà không vui lòng chấp nhận gian khổ và kỷ luật. Trong thâm tâm họ luôn có một cái gì đó kêu gọi đến kỷ luật“.

KHÔNG AI LƯỜI BIẾNG

Suốt phần này, tôi liên tục nói về lao động, khuyến khích bạn say mê lao động. Do đó, bẳn bạn sẽ ngạc nhiên nếu tôi nói: “Không ai lười biếng cả, họ bị bệnh hoặc chưa hứng khởi đó thôi“. Nếu bị bệnh, hãy đi bác sĩ ngay. Nếu chưa hứng khởi, hãy làm mấy việc sau: Hãy đọc quyển sách này nhiều lần, đi nghe các bài diễn thuyết khích lệ và tham gia sinh hoạt với nhũng người phấn khởi. Bob Richards, vô địch thế vận hội, một diễn giả vĩ đại ở Hoa Kỳ, đã đề cao trường hợp có cảm hứng nhờ việc quần tụ. Ông nói: “Tại thế vận hội, các vận động viên đua nhau phá kỷ lục vì họ hoàn toàn bị cuốn hút vào một bầu khí vĩ đại. Được chứng kiến cảnh các vận động viên khắp thế giới đua nhau chiến thắng những nỗ lực tối đa trước đây của chính họ, ai nấy đều phấn khởi “thắng vượt chính bản thân“. Lúc cao hứng tột độ, con người tạo được những thành tích ghê gớm và Richards cho rằng: tham gia sinh hoạt với các nhà vô địch sẽ đem lại những thành tích vô địch.

Tôi tin rằng, nhiều người “lười biếng” vì có thái độ chưa đúng. Họ không sẵn lòng đem hết khả năng ra làm việc vì nghĩ rằng nếu đem hết ra mà chẳng nên cơm cháo gì, họ sẽ trở thành những kẻ thua cuộc. Chỉ cố gắng chút đỉnh thôi, lỡ có thất bại, họ vẫn còn lý lẽ chống chế. Họ an tâm, không cảm thấy mình là kẻ thua cuộc vì thực ra họ có cố gắng gì đâu. Đứng trước thất bại họ chỉ nhún vai: “Chả sao cả“.

Nếu bạn suy nghĩ kiểu đó, xin bạn hãy nhìn lại bản thân. Giờ này mà còn nuôi những ý nghĩ tồi tệ đến thế, thì xin đọc lại phần II cho, và hãy nghiền ngẫm cho đến khi có được hình ảnh tự thân lành mạnh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.