[Ái Nô Hệ Liệt] Ách Nô

Chương 4




Tôi xin nhắc lại ba bước đơn giản trong việc kiểm soát trí khôn của bạn là:

Bước một: vừa dậy sớm vừa vỗ tay cho lớn.

Bước hai: áp dụng biểu tượng đèn “Tới”, cảm “Ấm” và “Strong end“.

Bước ba: vặn “Con quay hồi chuyển” bằng những câu tích cực “Tôi có thể“.

Bước bốn: phức tạp hơn nên tôi xin dành trọn chương này và cam đoan với bạn là cũng đáng giá thôi.

ĐÓI BỤNG THÌ ĂN

Xin phép hỏi bạn: “Tháng rồi, bạn đã ăn gì chưa? Cả tuần rồi, hôm qua và hôm nay nữa?”, bạn hơi bối rối trước câu hỏi này thì phải. Dĩ nhiên, tháng rồi, tuần rồi, hôm qua, hôm nay mình phải ăn rồi chứ, thế mà cũng hỏi! Nhưng bạn có tính mai ăn nữa không? Có chứ! Nếu vậy, chẳng lẽ đồ bạn ăn hôm nay vô ích hay sao? Chắc chắn là không rồi, điều đó chỉ có nghĩa là đồ bạn đã ăn hôm nay là dành cho hôm nay thôi. Tôi vẫn thấy khi một người bận đến nỗi bỏ ăn thường hay khoe: “Bạn biết không, hôm qua mình bận đến nỗi không có giờ mà ăn trưa nữa đấy“. Rồi họ cứ khoe tới khoe lui hoài. Đối với họ, bỏ một bữa cơm quan trọng lắm nên họ muốn người khác cũng phải ý thức được sự “hy sinh” của mình. Giả sử bạn hỏi người đó về sự đói khát tinh thần, xem lần họ chủ động, lập chương trình sống, bồi dưỡng trí khôn mình cách đây bao lâu, bạn đoán họ sẽ trả lời ra sao? Câu trả lời đó rất quan trọng bạn ạ, vì tinh thần bạn cũng đói khát y hệt thân xác đấy.

TINH THẦN ĐÓI, BẠN LÀM GÌ

Con người thật tức cười. Tôi chưa thấy ai đói đến hỏi mình: “Tôi sắp chết đói rồi mà chẳng biết làm gì nữa cả, ông khuyên giúp tôi với!“. Mà thường thì khi thấy đói, người ta sẽ tự động giải quyết bằng cách ăn.

Từ cổ xuống chân, rất ít người đáng giá trên 100 đô la một tuần lắm. Còn từ cổ trở lên thì thật là ai cũng vô giá cả. Ấy vậy mà chúng ta làm gì nhỉ? Chúng ta nhồi nhét cho cái phần đáng giá ấy ăn mỗi ngày, còn cái phần vô giá, có khả năng kiếm tiền và hạnh phúc vô hạn, là trí khôn thì ta cho nó ăn được mấy lần? Đa số chúng ta chỉ thỉnh thoảng mới cho ăn một lần vào những lúc tùy tiện hay không có việc gì khác để làm mà thôi. Chúng ta chữa mình là thiếu thì giờ. Thật là lố bịch hết sức. Dám để thì giờ vỗ béo mỗi ngày phần chỉ đáng 100 đô la mà lại không dám bỏ thì giờ ra nuôi phần vô giá à!

Tôi đã từng gặp những người chán nản, tiêu cực, thất bại, rủi ro, cháy túi, bất hạnh... nghĩa là những người mà bạn có thể gọi bằng bất cứ danh từ tiêu cực nào, và tôi thấy họ có một điều buồn cười là nói sao thì nói họ cũng cứ nhất định khăng khăng không chịu bồi dưỡng trí khôn và thái độ của mình. Họ rất cần được khích lệ và hướng dẫn, vậy mà cứ nhất định không thèm tham dự các khóa học, chú tâm đọc sách hay, nghe những cuốn băng khích lệ. Nghe họ nói chuyện thật buồn cười, có lẽ phải nói thật “bi đát” mới đúng. Mỗi khi chúng tôi nói đến những người công thành danh toại và đề cập đến tính lạc quan và tích cực điển hình của những người ấy thì họ bảo: “Những người ấy tích cực và xử sự tốt đẹp là phải, họ kiếm được mỗi năm 50.000 đô la cơ mà. Tôi mà kiếm được 50.000 đô la một năm thì tôi cũng tích cực chả kém!“. Thực ra đâu phải vậy, người thành công kiếm mỗi năm 50.000 đô la là vì đã có thái độ tinh thần đúng đắn đấy chứ. Giá con người được dựng lên với cái đầu trống rỗng như bao tử để cũng biết lúc đói đòi ăn thì tuyệt vời quá bạn nhỉ!

Trong bất cứ lãnh vực hoạt động nào dù là luật khoa, y khoa, thương mại, giáo dục, huấn luyện, khoa học hay nghệ thuật, những người chiếm lĩnh hàng đầu hoặc đang tiến tới địa vị đầu não chính là những người thường xuyên xuất tiền túi để học thêm. Họ đọc sách tốt và luôn nghe băng khích lệ. Họ để ý tìm kiếm các thông tin và sáng kiến mới, kết quả là họ tăng tiến không ngừng.

LÀM TỐT MỘT CÁCH TIỀM THỨC

Tại sao có những người thành công tích cực? Hay ngược lại tại sao những người tích cực lại thành công? Họ tích cực vì chú tâm bồi dưỡng trí óc bằng những tư tưởng tốt đẹp, trong sáng, lành mạnh và tích cực một cách đều đặn. Họ coi những tư tưởng này là khẩu phần hằng ngày cho cơ thể vậy. Họ biết rằng nếu lo bồi dưỡng phần từ cổ trở lên thì sẽ không bao giờ phải lo lắng đến việc bồi dưỡng phần từ cổ trở xuống nữa. Họ sẽ không phải lo đến mái nhà trên đầu hoặc những vấn đề kinh tế thường đi đôi với tuổi già. Nếu nghiên cứu quá trình học hỏi và nhìn vào những mẫu gương trong cuộc sống, tất ta phải nhận là đúng như vậy. Hầu hết những gì ta học được đều do ta học với tất cả ý thức của mình, nhưng chỉ khi nào làm được một cách tiềm thức, thì mới có kết quả tốt được. Bạn học lái xe một cách ý thức xem nào, khi xe có cần số, bạn đã truyền lệnh cho mình thế nào? Đây cần số ra - dễ lắm. Kéo cần số nữa... Bạn nhớ rồi chứ. Bạn cũng còn nhớ những lần nhảy chồm lên làm chết cả máy xe không?

Những lần như vậy, bạn trở nên mối nguy cho xã hội và ứng viên của nhà xác chỉ vì đang lái xe với tất cả ý thức đấy. Ít lâu sau, bạn đã có thể vừa nhấn ga, sang số, nhả ly hợp, vừa lột một thanh kẹo cao su, kéo cửa và trò chuyện với người bên cạnh một cách an toàn, bảo đảm nhờ đã đưa được quá trình lái xe từ ý thức vào tiềm thức. Đầu tiên, bạn học lái xe một cách ý thức, sau đó nó mới trở thành “tiềm thức” hay “tự động”, một động tác hầu như phản xạ vậy.

Bất cứ nhạc công chơi loại nhạc khí nào cũng đều phải trải qua một quá trình chậm chạp thường là khổ sở để học chơi thứ nhạc khí đó. Lúc họ học tập, bạn bè và thân nhân đều cố tránh xa để khỏi phải nghe những bước chân tập tễnh của một Ignace Paderewski tương lai. Nhạc công chỉ thành thạo khi đã chơi được theo bản năng hay một cách tiềm thức mà thôi. Đến lúc đó thì ai cũng muốn đến gần họ để nghe cả, dĩ nhiên là miễn phí! Bạn cũng nhớ lúc học đánh máy chữ? Phải cố gắng nhớ mà mổ từng chữ một thật khốn khó hết nổi. Ấy vậy mà khi không còn phải nghĩ đến những chữ phải mổ nữa, mà chỉ đánh máy không thôi thì bạn đã đánh theo tiềm thức được rồi.

Khi đã cố gắng học một cách ý thức, bạn sẽ chuyển được nó sang tiềm thức và làm một cách thành thạo. Tất cả những gì bạn làm thành thạo đều được làm từ tiềm thức cả. Ngay cả đến thái độ, bạn cũng có thể chuyển sang tiềm thức để hành xử một cách hoàn toàn đến nỗi sẽ tự động phản ứng tích cực trước những hoàn cảnh tiêu cực cũng như tích cực. Tôi cam đoan với bạn như vậy đấy. Dĩ nhiên là phải nổ lực, kiên trì và tập luyện luôn. Một phản ứng tích cực trước một hoàn cảnh có thể trở thành một tác động phản xạ hoặc một phản ứng có điều kiện.

Trong phần phụ lục, tôi sẽ nói rộng hơn.

MỘT NGUỜI LẠC QUAN ĐIỂN HÌNH

Dùng những kiến thức giá trị, trong sạch và lành mạnh để bồi dưỡng trí óc trong một thời gian, bạn sẽ có thể phản ứng giống “Anh bạn dưới quê” này. Hôm đó, nước lũ ập đến bất ngờ nên anh phải leo lên mái nhà lánh nạn. Một người láng giềng bơi lại gần than thở: “Trận lụt ghê gớm quá, John nhỉ?” John dáp:

- Không, không đến nỗi lắm đâu.

Người láng giềng ngạc nhiên hỏi vặn:

- Anh nói sao, không đến nỗi à? Gà qué nhà anh nổi lềnh bềnh kia kìa.

- Tôi biết chứ, nhưng cũng đã nuôi được một số vịt từ 6 tháng trước lận. Anh xem, chúng đang lội tung tăng khắp kia kìa! Mọi sự rồi đâu lại vào đấy thôi.

Người láng giềng cố đế thêm:

- Nhưng còn hoa màu thì sao? Ngập cả mấy thước nước thế kia thì cỏ cũng chả sống nổi nữa là.

John bình tĩnh đáp:

- Quả có thế thật, nhưng dù sao thì năm nay hoa mầu của tôi cũng thất bát lắm. Tuần rồi, cán bộ nông nghiệp huyện có nói là ruộng tôi cần bơm nước cho nhiều mới được, ngập như thế này thì đỡ biết bao nhiêu triệu.

Người láng giềng bi quan vớt vát thêm cú chót:

- Nhưng nước còn dâng nữa đấy, John ạ! Cửa sổ nhà anh sẽ ngập lút chứ không chơi đâu.

Lúc đó anh bạn lạc quan của chúng ta cười ha hả đáp:

- Vậy sao, thế thì còn gì bằng, tôi đang tính rửa nó mấy bữa nay đây.

Dĩ nhiên, đây chỉ là chuyện khôi hài, nhưng như vẫn thường thấy, một chuyện đùa bao giờ cũng hàm chứa ít phần sự thật. Anh bạn của chúng ta quả đã có phần ứng tích cực trước tình hình. Sau hết tự điển định nghĩa THÁI ĐỘ LÀ MỘT DÁNG BỘ HAY TƯ THẾ ĐƯỢC BIỂU TỎ ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC MỤC ĐÍCH. Sau một thời gian, bạn có thể luyện trí óc đến mức luôn phản ứng tích cực một cách tự động và bản năng trước những hoàn cảnh tiêu cực ở đời. Để đạt tới và duy trì được như vậy, bạn phải bồi dưỡng tình thần liên tục bằng những dấu hiệu tốt đẹp, trong sạch, lành mạnh.

KHAI MỞ HỒN NHẠC

Shinichi Suzuki là một nhà khoa học Nhật Bản độc đáo, đã thực hiện được điều mà nhiều người coi như một trong các phép lạ của thời đại. Ông cho các em bé được vài tuần tuổi nghe đi nghe lại một bản nhạc nhiều lần mỗi ngày, mỗi tháng một bản. Khi các em lên hai, ông cho mẹ các em học một khóa âm nhạc chừng ba tháng với con bên cạnh để chúng quan sát. Sau đó, ông trao cho mỗi em một cây vĩ cầm tí hon, rồi tập cho các em kéo vĩ cầm. Lúc đầu chỉ học chừng hai đến ba phút, dần dần lên đến một tiếng. Nhờ đó khi đủ trí khôn để biết vĩ cầm là một nhạc cụ khó chơi thì các em đều đã sử dụng thành thạo và mê say rồi. Mới đây, giáo sư Suzuki đã điều khiển một buổi hòa tấu nhạc cổ điển của Chopin, Beethoven, Vivaldi... với khoảng 1.500 em thiếu nhi Nhật Bản cỡ độ bảy tuổi. Điều độc đáo mà giáo sư Suzuki muốn nhấn mạnh là đa số các em đó không có khiếu về nhạc! Do đó, ông tin mọi đứa trẻ đều có thể phát triển tài năng theo cách ta vẫn dùng để dạy các em học nói: Vì những người xung quanh đứa bé luôn nói năng nên bước thứ nhất là sự TIẾP XÚC VỚI MÔI TRƯỜNG, kế đó đứa bé cố gắng nói, tức là BẮT CHƯỚC, rồi mỗi khi bà con, bạn hữu đem nó ra khoe tức là đã KHÍCH LỆ và thúc đẩy nó cố gắng thêm. Đây chính là giai đoạn LẶP ĐI LẶP LẠI. Từ đó, đứa bé bắt đầu có thêm từ, nối từ thành câu và mệnh đề. Đây là giai đoạn, đứa bé đã được một “vốn liếng” từ vựng dù chưa biết đọc từ nào.

Giáo sư Suzuki cho rằng mọi môn học đều có thể học theo cách này được. Làm như vậy, tức là ông đã xóa được “Bước khập khiễng của người bại trận” phải không bạn?

Trong suốt cuốn sách này tôi luôn nhấn mạnh rằng: MỌI THÀNH QUẢ Ở ĐỜI TUỲ THUỘC CÁCH XỬ SỰ HƠN LÀ DÒNG DÕI CỦA BẠN. Mà cách xử sự của bạn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của bạn hữu cũng như của những điều bạn thu nạp hoặc cho thu nạp vào trí khôn mình mà điển hình là câu chuyện lý thú sau đây.

KHÔNG AI CÀ LĂM CẢ

Mấy năm trước, một nhà khoa học nghiên cứu hai bộ lạc người Mỹ da đỏ nhận thấy là không một thổ dân thuần chủng nào bị cà lăm cả. Vì là nhà khoa học nên ông tự hỏi không biết đây là điều ngẫu nhiên hay là đặc điểm của người da đỏ? Bởi đó, ông đã để tâm nghiên cứu mọi bộ lạc da đỏ ở Hoa Kỳ, và không gặp người da đỏ nào cà lăm thật, ông liền tìm học ngôn ngữ của họ và khám phá ra lý do là vì họ không có từ nào chỉ sự cà lăm cả. Hiển nhiên là nếu không có từ chỉ sự cà lăm thì tất nhiên đâu có người da đỏ nào cà lăm được! Bạn có thể cười hoặc cho đây là chuyện khôi hài cũng được! Nhưng không phải chỉ có vậy thôi đâu. Ta hãy đi xa hơn một chút. Ta đã biết là từ vẽ lên trong trí khôn một hình ảnh mà trí khôn thì suy nghĩ bằng hình ảnh. Chẳng hạn bạn đọc hoặc nghe những từ thất bại, không thể, nói dối thì lập tức trí khôn bạn vẽ ngay ra hình ảnh của những từ đó. Vậy, nếu không có từ cà lăm, tất trí khôn không thể hình dung hoặc vẽ nên hình ảnh của người cà lăm được. Kết quả tất nhiên là sẽ không có người cà lăm.

Công ty Giấy Quốc tế đã xác lập bằng thống kê những bằng chứng nhằm minh định rằng lợi tức tỷ lệ thuận với từ vựng của một người. Vì thế tôi tin bạn có thể xây dựng lợi tức, hứng thú của mình cũng như đổi đời bằng cách thay đổi từ vựng đấy. Bạn hãy lấy từ “ghét” ra gạch bỏ nó khỏi từ vựng của mình. Đừng hình dung, nghĩ đến hay đọc nó nữa. Hãy viết, nghĩ, đọc và mơ đến từ “yêu” thay cho nó. Hãy bỏ chữ “thành kiến” khỏi từ vựng của bạn đi. Đừng nhìn, nghĩ hay nói nó nữa, thay vào đó, hãy dùng từ “thông cảm“. Hãy thay từ “tiêu cực” bằng “tích cực“. Dĩ nhiên bản liệt kê những từ này có thể nói là vô tận y hệt lợi ích kèm theo nó vậy. TRÍ KHÔN HOẠT ĐỘNG NHỜ LƯƠNG THỰC BẠN CUNG CẤP. Vì thế, bạn hãy thay đổi chế độ dinh dưỡng tinh thần và loại bỏ mọi thực phẩm tiêu cực đi. Thoạt đầu thì mới chỉ giảm bớt thôi song lâu dần bạn sẽ lọai bỏ hoàn toàn được chúng.

BẠN CHO TÂM TRÍ ĂN GÌ VÀ LÚC NÀO?

Đến đây, hẳn bạn đã thâm tín được tầm quan trọng của những điều bạn đang nạp vào tâm trí đối với cuộc đời và tương lai của bạn rồi nên chắc chắn bạn sẽ hỏi: “Thế, tôi phải nuôi dưỡng trí khôn ra sao? Bao giờ tôi mới có thì giờ để dùng bữa tinh thần?” Tôi xin phép trả lời bạn bằng câu hỏi: “Bạn có bao giờ nghe nói về người tiều phu đốn củi mỗi ngày một dặm rừng nhờ không tìm thì giờ mài búa chưa?

Bạn cứ nghĩ thử xem: Một người đàn ông bình thường mỗi năm cũng phí mất một số tiền lớn và khá nhiều thì giờ để sửa soạn cho vẻ “bên ngoài” của cái đầu (Cạo râu, hớt tóc...). Còn một người đàn bà bình thường tiêu phí bao nhiêu thì giờ không ai biết (Riêng tôi, tôi không hề muốn biết bà xã tôi tiêu phí hết bao nhiêu). Xin hỏi bạn: Chả lẽ bỏ ra chút ít cũng bằng đó thì giờ và tiền bạc để sửa soạn cho vẻ “bên trong” của cái đầu chẳng có ý nghĩa hơn sao?

Theo tôi, dụng cụ giáo dục, khích lệ (motivational) tốt nhất thời nay chính là chiếc máy cát-xét. Tôi quý chuộng sự giáo dục và khích lệ bằng máy cát-xét đến độ có trả 5.000 đô la tôi cũng chẳng bán cái máy cũ mèm của mình. Dốc quyết cũng cần, nhưng không mạnh và hữu ích bằng sự giáo dục và khích lệ. Cá nhân tôi chưa từng biết một triệu phú tự lập nào không có và không dùng máy cát-xét để khích lệ và giáo dục mình cả.

Đề tài sẵn có thì vô số mà thì giờ và nơi chốn bạn có thể dùng cũng vô hạn - Một thông điệp vui tươi, khích lệ, có tính cách giáo dục sẽ giúp bạn chọn dẹp nhà cửa mau lẹ và nhẹ nhàng hơn. Bạn cũng có thể trau dổi thêm kiến thức và phấn khởi hơn mỗi khi cạo râu, mặc đồ hay trang điểm. Bạn có thể biến thời gian “Chết” trong trận chiến giao thông thành thời gian “Sống” nhờ băng khích lệ và giáo dục, những thứ sẽ cung cấp cho bạn một lợi khí về tinh thần và tình cảm trong thế giới cạnh tranh hôm nay.

Một cuộc, nghiên cứu của trường Đại học California cho thấy là một người có kiến thức sống tại vùng Los Angeks chỉ cần vừa lái xe bình thường vừa nghe băng cát xét trong vòng ba năm thôi cũng có thể giỏi ngang với hai năm đại học rồi. Bởi vậy, nếu bạn nghe băng mỗi khi lái xe thì số giờ bạn phải đầu tư để học cứ kể như không mất gì.

Xét từng nhóm thì mỗi người chịu khó nghe băng cát xét tốt một cách đều đặn chính là những người hạnh phúc, dễ thích nghi và hăng say nhất mà tôi từng biết. Nếu bạn biết phối hợp việc nghe băng với một chương trình đọc sách cho nghiêm chỉnh là bạn sẽ làm ăn thành công ngay. Bạn hãy nhớ các qui tắc sau: “Nghe khi di chuyển, đọc khi ngồi yên“. Cứ vậy là trí bạn sẽ tràn đầy niềm vui sống, đồng thời bạn cũng có được một kiến thức phổ quát vững chắc, chính những điều này sẽ giúp bạn một cách đắc lực trên đời.

Việc đọc sách phải có hệ thống nên bạn cần một lề lối nhắc nhở mới để có được thói quen thuộc của nhiều người là “bận quá, không có thì giờ!”

Dĩ nhiên, mỗi người có thì giờ nhiều ít khác nhau, nhưng cho là không có “thì giờ” để nuôi dưỡng trí khôn thì đúng là “bước chân khập khiễng của kẻ thủ bại” rồi. Chúng ta làm điều phải làm và muốn làm. Một khi đã muốn tìm thì giờ để đọc sách là ta đã bắt đầu rút ngắn được danh sách những điều muốn làm rồi.

ĐIỀU NHỮNG NGƯỜI THÀNH CÔNG HAY LÀM

Tôi được may mắn quen thân với Alan Bean (hải quân Đại úy Hoa Kỳ và phi hành gia của NASA) người vẫn nghe băng khích lệ đều đặn. Ông là một trong những người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, là vị chỉ huy sứ vụ trạm không gian thí nghiệm thứ hai, đồng thời hợp tác với các phi hành gia Nga trong nỗ lực phối hợp không gian Nga - Mỹ.

Ý thức tầm quan trọng đáng kể của hình ảnh tự thân, của việc đề ra mục tiêu, của thái độ tình thần thích đáng... nên Đại úy Bean vẫn nghe băng khích lệ mỗi khi lái xe đến làm việc tại trung tâm Không Gian Hoa Kỳ NASA để tập huấn cho chuyến bay dài ngày vào không gian. Lẽ tự nhiên, tôi cũng rất sung sướng khi biết ông đã chọn cả một số băng của tôi nữa, những cuốn băng ấy gồm phần lớn những điều bạn đọc thấy trong sách này. Vì thế, tôi mong bạn không cho tôi là kiêu ngạo khi bảo rằng những điều bạn đang đọc đã “vượt ra ngoài thế giới“. Alan Bean đã say mê những quan niệm này đến nỗi đã sẵn lòng bỏ thì giờ quí báu của mình ra để cống hiến thêm những gợi ý vô giá cho cuốn sách này, nhờ đó bạn có thể gặt hái thêm được nhiều lợi ích trong cuộc sống.

Tôi cũng cần nói thêm ở đây là mọi phi hành gia đều được tuyển lựa kĩ càng hơn bất cứ nhóm chuyên gia dành cho bất cứ mục đích nào trong lịch sử. Mỗi phi hành gia đều phải có lòng tự tin vững chắc, phải biết cộng tác và ăn ý với đồng đội trong những hoàn cảnh khó khăn nhất mà người ta có thể tưởng tượng. Họ còn phải có thái độ có tinh thần đúng đắn, nghĩa là biết kiên tâm trong kỷ luật, cương quyết và tích cực siêu đẳng. Họ phải có mọi đức tính ấy trước rồi mới được tuyển lựa vào chương trình không gian. Dĩ nhiên họ phải giữ vẹn được những đức tính đó trong suốt chương trình. Ngoài tính cách sống còn, họ còn là niềm kiêu hãnh trong vinh dự của tổ quốc nữa, nên trọng trách của họ nặng nề kinh khủng.

World Wide Distributor là hãng phân phối hàng gia dụng lớn nhất Canađa. Trong cuộc đại hội mới đây của họ tại thành phố Winnipeg, tỉnh Manitoba, ông Tổng quản đốc đã bảo tôi là trong số mười chín nhân viên ưu tú nhất của hãng có mười một người giỏi nhất, ngày nào cũng nghe băng khích lệ và huấn nghệ cả. Rồi ông nhấn mạnh, họ nghe không phải vì là những người ưu tú mà họ trở nên ưu tú vì đã nghe. Thực vậy, nhiều viên quản đốc và ủy viên quản trị công ty cũng quả quyết với tôi là hầu như mọi nhân viên ưu tú của họ, đều nghe băng và đọc sách đều đặn.

Thành ra, những người ít cần động lực thúc đẩy nhất lại hăng say tìm kiếm và sử dụng nhiều nhất. Tôi tin chắc chính nhờ đó mà họ đã thành công rực rỡ như vậy. Lâu nay, họ vẫn làm điều tôi khuyên bạn làm. Như vậy, con người vươn được tới đỉnh thành công chính là nhờ biết thường xuyên nuôi dưỡng, bồi bổ nghị lực. Những người thành công tột đỉnh đều nhìn nhận là trên đỉnh có rất nhiều chỗ đứng nhưng không có chỗ ngồi - Và họ biết, trí tuệ cũng được bồi dưỡng như thân xác vậy. Vì nếu nuôi dưỡng phần từ cổ trở xuống là điều cần thiết thì phần cổ trở lên thì lại cần hơn nữa. Họ hiểu rằng thân xác cũng như trí tuệ và tinh thần đều cần được nuôi dưỡng cả.

CHỈ LÀ ẢO TƯỞNG

Nhiều người lầm tưởng rằng chỉ khi nào bị “suy sụp” hay mất tinh thần mới “cần” nghe các loại băng hay đọc các sách gây phấn chấn. Khi “suy sụp” tất nhiên là cần rồi và ích lợi không phải là nhỏ, song nếu bạn chịu nghe băng đọc sách ngay cả lúc đang “phấn chấn” nữa thì lợi ích còn bền bỉ và lớn lao hơn nhiều. Khi “suy sụp”, một là bạn sẽ “vơ đại” cả những điều tầm thường rồi giữ lấy khư khư, hai là bạn sẽ phá ngang, chối bỏ cả những điều giá trị. Khi sa lầy xuống hố, bạn dễ tập trung vào vấn đề hơn là giải quyết nó.

Khi phấn chấn và vươn cao, bạn sẽ lạc quan và khát vọng vượt mức. Trí tưởng tượng trở nên dồi dào và bạn sẽ tự tin hơn nhiều, bạn sẽ biết cách giải quyết chứ không chỉ biết vấn đề nên sẽ đáp ứng và “hành động” theo những tư tưởng tốt đẹp. Nhờ đó, bạn sẽ nâng cao được hiệu năng của mình. Thái độ, nhiệt tâm, tình thần hợp tác và uy tín của bạn đối với nhân viên sẽ gia tăng. Và chính lúc đó bạn sẽ được tăng lương và thăng chức đấy, bạn ạ!

Sandy Breighner, con người năng động và tận tụy nhất mà tôi biết, đã củng cố và đóng góp thêm cho tư tưởng này. Là người cung cấp những chương trình huấn luyện và khích lệ cho nhiều người và nhiều công ty lớn, Sandy cho biết là người ta có thể đọc sách, nghe băng để nâng cao trình độ nhận thức. Từ mức độ này, nếu người ta biết đọc và nghe lại những sách và băng cũ, họ sẽ “nghe” và “thấy” được nhiều điều mới lạ mà trước đó họ không kịp nhận thức. Chính kiến thức này sẽ “đẩy” họ lên cao hơn trong việc nhận thức và hoàn thiện. Do đó, nếu muốn thành công, người ta nên lập một tủ sách “thành công” riêng để dễ bề tham khảo hầu tiến tới không ngừng.

Nói vậy, không có nghĩa là khi suy sụp bạn không cần đến người khuyến khích, đỡ nâng đâu. Tôi chỉ muốn bạn hiểu là sách vở và băng khích lệ có thể làm đá lát đường vượt qua hố rác, làm bậc thang giúp bạn vượt khỏi đám đông tầm thường, hoặc chiếc thang tự động gọn gàng đưa bạn đến đỉnh thành công. Thoạt tiên, có lẽ bạn sẽ phải “buộc” mình đọc, nghe mỗi ngày, nhưng một thời gian sau, bạn sẽ khám phá được ba điều sau:

Một là bạn sẽ thích thú.

Hai là bạn sẽ học theo.

Ba là bạn sẽ tự nhiên làm theo những điều đang đọc và đang học.

Tôi xin nhắc lại một lần nữa là những ai biết dùng tài liệu khích lệ để bồi dưỡng mỗi ngày sẽ được lợi nhiều nhất.

Tôi sẽ nói chi tiết hơn về những thói quen tốt và xấu trong hai chương kế. Ở đây, tôi chỉ muốn nhắc bạn một thói quen tốt rất cần thiết là bắt mình giao thiệp với những người ngay thẳng, bắt mình tập “vỗ tay”, “nhanh chân”, bắt mình “nghe băng“. Cứ làm vậy trong 21 ngày rồi thì thói quen mà bạn đã “nắm bắt” sẽ nắm bắt bạn.

DÀNH RIÊNG CHO NHỮNG NGƯỜI KHAO KHÁT THÀNH CÔNG

Thực ra, vỗ tay mỗi sáng sớm không phải là một lối sống. Song nó sẽ tạo nên một niềm phấn khởi và phát sinh những kết quả diệu kỳ giúp bạn đứng vững vào những lúc rã rời nhất. Nó tạo điều kiện và chuẩn bị cho bạn biết luôn sẵn sàng hầu sống một đời phong phú và hào hứng hơn sau khi cố gắng đủ hai mươi mốt ngày tròn. Giờ ta hãy xem xét đường lối tốt nhất giúp trí tuệ, thể xác và tinh thần được tăng triển liên tục.

Sau khi thức giấc, bạn hãy đi ngay tới điểm “thành công” yên vắng trong nhà để điểm tâm tinh thần, trước khi bị một ý nghĩ hoặc một tin tức không tốt len lỏi vào tâm trí. Đọc sách khích lệ tinh thần chừng 10, 15 phút rồi vừa đi bộ hoặc chạy 15 phút vừa cố ghi nhớ những điều tốt đẹp quan sát thấy. Sau đó, bỏ ra ít phút tập thể dục THEO CHỈ DẪN CỦA BÁC SĨ để lấp đầy thời gian, vừa tập vừa nghe băng khích lệ và giáo dục. Tới đây, khi óc đã đầy rồi, bạn mới nghĩ đến việc điểm tâm cho đầy đủ để có đủ sức khỏe tiêu hóa những điều tốt đẹp vừa nảy sinh trong óc. Một bữa điểm tâm lành mạnh cho trí tuệ, tinh thần và thể xác như vậy được bắt đầu mỗi ngày sẽ bảo đảm cho bạn một ngày và một đời giá trị và đáng thưởng.

Phải, tôi biết mình bắt bạn phải dậy sớm để làm những việc đó, tôi cũng biết bạn bận bịu và không có đủ thì giờ, cũng như phải tốn tiền mua sách, mua băng. Song thì giờ ấy sẽ biến thành năng lực, thành sự hăng say, sức chịu đựng và có thể giúp bạn trường thọ. Đầu tư vào sách, vào băng sẽ sinh lợi thành một đời sống phong phú và đáng hưởng gấp bội. Bởi vậy, tôi mới đề nghị bạn làm thế để được vui hưởng triền miên “một cuộc sống dồi dào mọi mặt“.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.